Quảng Trị là một trong những địa phương Bắc miền Trung chịu cảnh thiên tai khốc liệt trong năm 2020. Hiện “di chứng” thiên tai vẫn còn hiện diện khắp nơi, trong đó bao gồm cả những vùng biển bị xói, sạt lở nghiêm trọng.
Kỳ vọng từ những vùng quê bên chân sóng
Những bãi tắm, vùng biển du lịch qua xã Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) xinh đẹp ngày nào nay tổn thương khá nặng nề do nạn xâm thực, xói lở bờ biển. Cả quãng bờ biển dài gần 6km thuộc xã Gio Hải và 7,5km thuộc xã Trung Giang (huyện Gio Linh) đã bị xâm thực nghiêm trọng. Sóng lớn “ngoạm” triền cát, kéo nhiều cây dương to lớn đổ sập xuống mặt biển và bị nước cuốn đi; nhiều mảng bê tông lớn, trụ bê tông... bị đổ nhào xuống biển. Nạn xâm thực, xói lở đã làm hư hỏng hoàn toàn 15 nhà hàng, quán ăn của các hộ đang kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm này. Đặc biệt, đoạn từ thôn 4 đến thôn Tân Hải, xã Gio Hải bị biển xâm thực vào bờ từ 20 - 30m, với tổng chiều dài 5,8km.
Các cụ cao niên sinh sống gần khu vực biển xã Gio Hải cho biết, chưa khi nào có một đợt sạt lở lớn như thế xảy ra tại khu vực biển này. Chỉ tay ra phía những con sóng vừa xô vào, ông Nguyễn Văn Cường (xã Gio Hải) tiếc nuối, bởi lẽ mấy ngày trước đây những rặng phi lao còn rít gió, rất nhiều lối mở ra biển phục vụ hoạt động đánh bắt thủy sản cũng sụp theo sạt lở. Còn ông Trần Huy Hà, chủ nhà hàng Hà Vân - một trong những quán ăn tại biển Gio Hải bị thiệt hại, lo ngại việc làm ăn trong thời gian tới của các hộ kinh doanh ở đây sẽ rất lao đao, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
“Những năm trước vào mùa này, ở đây thường có sóng to nhưng năm 2020 thì quá dữ, ngoài sức tưởng tượng của bà con chúng tôi. Nhiều người tài sản bị cuốn đi chỉ còn cái nhà xe thô. Chúng tôi hy vọng Nhà nước sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ giúp gia cố, bảo vệ bờ biển để vùng biển quê hương mãi là nơi an toàn, mến khách, sớm thu hút khách trở lại sau thiên tai, dịch bệnh”, ông Hà cùng một số bà con nơi đây kỳ vọng.
Tại Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị, hầu như toàn tuyến bờ biển bị xói lở sâu vào từ 5 - 10m. Bão, triều cường dâng cao trong những tháng cuối năm 2020 đã khiến hơn 12km đê biển bị hư hại nặng, với hàng ngàn mét khối đất bị cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đường cứu hộ trên biển và các khu dân cư. Nhiều công trình đường dẫn xuống bãi biển giờ chỉ còn trơ khung, khối bê tông tam cấp chênh vênh, để hổng khoảng trống toang hoác phía dưới. Ngoài ra, khoảng 0,7ha rừng phòng hộ ven biển cũng bị sóng biển cuốn trôi. Người dân xã Vĩnh Thái cho biết, nhiều năm nay trên địa bàn vẫn xảy ra sạt lở bờ biển nhưng năm nay là nghiêm trọng nhất trong 15 năm trở lại đây.
Còn tại Quảng Bình, tình trạng sạt, xói lở cũng diễn ra rất nhiều tại các bờ sông, bờ biển. Riêng tại TP. Đồng Hới, bờ biển Nhật Lệ đi qua thành phố kiều diễm là vậy nhưng cũng bị sóng đánh tan tành nhiều đoạn. Tuyến kè biển Nhật Lệ dài gần 900m đang được thành phố đầu tư xây dựng, có những hạng mục chuẩn bị hoàn tất thì lại bị sóng đánh “bầm dập”, nhiều vật tư "ngã sõng soài" ra biển. Cùng với một số chòi canh công vụ, hàng chục hàng quán, nhà cửa của người dân khu vực bãi tắm Nhật Lệ 2 cũng đã bị sóng biển, xói lở xâm hại làm nghiêng ngả, hiểm nguy chực chờ.
Toàn cảnh kè biển Nhật Lệ sau bão táp, sóng dữ thật đau lòng. Hậu họa của vấn nạn sạt lở không chỉ ảnh hưởng về ngân sách đầu tư mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà lãnh đạo TP. Đồng Hới lẫn tỉnh Quảng Bình đang kỳ vọng và nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư, cũng như tạo điểm nhấn, tô thêm những điểm hấp dẫn, mời gọi du khách đến Đồng Hới, Quảng Bình - vùng đất được xem là “vương quốc hang động”.
Sẽ khắc phục, gia cố trước mùa mưa bão
Cũng như Thừa Thiên - Huế, hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đều đang “gồng mình” tận dụng các nguồn lực vốn hạn hẹp để xử lý nạn sạt, xói lở bờ biển. Tuy nhiên, với ngân sách vốn khó khăn theo tình hình chung, việc xử lý gia cố, bảo vệ bờ biển một cách bền vững là điều không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Có không ít vùng, chính những công trình bảo vệ và chống xói lở, sạt lở lại chính là đối tượng bị tàn phá hư hỏng đầu tiên sau những đận thiên tai dai dẳng và khốc liệt. Đây chính là lúc các địa phương cần tính toán kỹ lưỡng về bài toán đầu tư công trình phòng chống thiên tai.
Trao đổi với Reatimes, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, ông Hồ Xuân Hòe cho biết, với tình hình sạt lở bờ biển lẫn bờ sông tỉnh Quảng Trị như hiện nay, ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh đã có những đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, qua đó có sự hỗ trợ cho tỉnh. Theo ông Hòe, chiều dài bờ biển bị sạt lở trên địa bàn tỉnh gần 8km, trong đó huyện Gio Linh có hai đoạn dài nhất. Về kỹ thuật chống xói lở, sạt lở bờ sông bờ biển, dự kiến thực hiện cả giải pháp công trình và phi công trình để tạo tính bền vững.
Quảng Trị đề xuất với Trung ương thông qua dự án của World Bank (ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục, chống xói lở bờ sông bờ biển) hỗ trợ 865 tỷ đồng để xử lý sạt, xói lở bờ sông, bờ biển, trong đó riêng phần sạt lở bờ biển khoảng 600 tỷ đồng. “Hiện tại trong khi chờ nguồn vốn để thi công, chúng tôi có những xử lý tạm thời và có những cảnh báo, mở một số công trình tạm để bà con ngư dân ra biển đánh bắt thủy hải sản”, ông Hòe nói.
Còn ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, ở Quảng Bình tổng cộng có khoảng 3km bờ biển sạt lở nặng đang cần khắc phục, xử lý. Đó là những nơi như biển Cảnh Dương, biển Quảng Phúc, biển Lý Hòa, biển Ngư Thủy… Dù chưa uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân nhưng những vùng sạt lở bờ biển này đều cần phải xử lý, khắc phục sau khi sạt lở. Trong đó, biển Cảnh Dương và Quảng Phúc cần khoảng 75 tỷ đồng cho mỗi nơi để khắc phục, bảo vệ bờ biển, Lý Hòa khoảng 35 tỷ đồng và Ngư Thủy khoảng 15 tỷ đồng…
Tính riêng 4 vùng bờ biển này, Quảng Bình đã cần tổng cộng khoảng 200 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh chung tỉnh cần khắc phục, tái thiết nhiều hạng mục, công trình khác sau bão lũ. Hiện nguồn kinh phí này Quảng Bình đã đề xuất Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ thông qua Chính phủ. “Hy vọng nguồn vốn sớm được phê duyệt và Quảng Bình sẽ tiến hành thi công, bảo vệ, gia cố những vùng biển, sông bị sạt, xói lở sớm nhất trong năm 2021 này, cố gắng làm sao xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão 2021”, ông Minh chia sẻ.
Sạt lở diễn ra từ núi cao đến bờ biển
2020 là năm xảy ra thiên tai bất thường nhất tại khu vực miền Trung với thời gian mưa, lượng mưa gây ngập lụt, bão và sạt lở đất... kỷ lục. Riêng lũ quét, sạt lở đất tại Quảng Nam đã làm 23 người chết, 23 người mất tích, gây thiệt hại nặng về dân sinh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế…), cơ sở sản xuất và nhà ở của người dân; ước tính sơ bộ tổng thiệt hại khoảng 8.136 tỷ đồng.
Ở Quảng Trị, lở đất tại nơi đóng doanh trại của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ. Tại Quảng Bình, Đồn biên phòng Cha Lo cũng bị hư hỏng nặng do sạt lở gây ra. Tại Thừa Thiên - Huế, khu vực tuyến đường 71 - địa bàn huyện Phong Điền, nhiều điểm sạt lở lớn cũng đã xuất hiện, ngay cả những nơi tưởng chừng như an toàn tuyệt đối như tại điểm 67 - kiểm lâm (nhà trạm đã hoạt động trên 17 năm) cũng chịu ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, 30 cán bộ, chiến sĩ, người dân đã hy sinh, mất mát.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Ban Công nghệ thông tin và Đổi mới sáng tạo (Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị - Tổng hội Xây dựng Việt Nam), Việt Nam có tới hơn 2.360 con sông và kênh lớn nhỏ, với đường bờ biển dài trên 3.260km, cứ khoảng 23km có một cửa sông và theo thống kê có 112 cửa sông ra biển. Hệ thống sông ngòi chằng chịt và đường bờ biển dài là một lợi thế cho đất nước trong việc khai thác và nuôi trồng thủy - hải sản, du lịch, giao thông,...
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế này cũng có không ít những khó khăn do tình hình sạt lở bờ diễn biến phức tạp, cần phải có các giải pháp công trình hợp lý để giữ ổn định bờ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời tạo cảnh quan, phát triển du lịch...
Nguyên nhân chính được các nhà khoa học liệt kê có liên quan tới tình trạng sạt lở bờ tại miền Trung chủ yếu là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở. Chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó, khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài, tất yếu dẫn đến trượt lở và lũ quét.
Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều về chất. Các hoạt động dân sinh cả theo quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc... cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại./.
ADB hỗ trợ khẩn cấp 2,5 triệu USD khắc phục hậu quả bão lũ miền Trung
Trước tình hình các tỉnh miền Trung thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, cuối tháng 11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký thỏa thuận viện trợ quốc tế khẩn cấp không hoàn lại gói hỗ trợ 2,5 triệu USD từ ADB nhằm giúp một số tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do bão, lũ.
Theo ADB, khoản viện trợ này được trích từ Quỹ Ứng phó Thảm họa Châu Á - Thái Bình Dương của ADB, được thành lập nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ADB đang phối hợp xem xét đề xuất Chính phủ phê duyệt một khoản vay nhằm hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên những công trình quan trọng nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.