Aa

Bài 2: Trò chuyện với thú nhồi bông – Một bí mật của giáo dục

Thứ Ba, 16/04/2019 - 06:00

Chỉ khi nào nhà trường lắng nghe những biến động trong tâm hồn và tư duy của học sinh như bà mẹ lắng nghe những thay đổi của thai nhi thì lúc đó nhà trường mới trở thành thế giới của những đứa trẻ.

Khi đứa trẻ rời ngôi nhà của mình đến trường là lúc nó bắt đầu được sống, hoặc phải sống, thêm hai thế giới mới cùng một lúc ngoài thế giới gia đình của chúng: Nhà trường và xã hội. Nếu hai thế giới kia không chuẩn bị những gì tốt nhất để cho đứa trẻ bước vào, thì dù cho cái thế giới gia đình đã chuẩn bị tốt đến đâu cũng khó có thể có được một “sản phẩm người” như xã hội mong đợi.

Nhưng quả thực, hình ảnh về ngôi trường ở Việt Nam đã thay đổi nhiều, cả hình thức lẫn nội dung. Mấy năm gần đây, người ta đã đặt một câu hỏi nghe rất vô lý, nhưng lại là một cảnh báo về sứ mệnh của trường học trong việc giáo dục và đào tạo những công dân tương lai cho xã hội. Câu hỏi ấy là: Nhà trường của học sinh hay của thầy cô? Nhà trường chính là nơi tạo ra mọi điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh, hay có thể gọi là mỗi con người, hiển lộ những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân con người đó và được thầy cô gợi mở, hướng dẫn để hướng tới sự phát triển và hoàn thiện những phẩm chất ấy. Và những phẩm chất ấy chỉ được phát triển và tiến tới sự hoàn thiện khi được nuôi dưỡng bằng kiến thức khoa học và chủ nghĩa nhân văn.

Vì vậy, chủ nhân chính của nhà trường là học sinh chứ không phải giáo viên. Nhưng hiện thực trong các nhà trường của chúng ta lâu nay đã minh chứng một cách đáng buồn là: Chủ nhân của nhà trường lại là các giáo viên. Nghĩa là ở đó, giáo viên (từ giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy cho đến giáo viên làm công việc quản lý, như hiệu trưởng) là những người áp đặt các nguyên tắc và các đòi hỏi của mình đối với học sinh. Và học sinh, nói một cách bi hài, là những “công nhân” đến đó để thực hiện các nguyên tắc và đòi hỏi của các ông chủ.

Có câu quảng cáo cho một sản phẩm in trên áo mưa mà chúng ta vẫn hay nhìn thấy trên đường: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Câu quảng cáo này rất hay, và nó sẽ rất hay và chính xác, khi đó là phương châm của các giáo viên đối với học sinh. Nhưng sự lắng nghe học sinh, hay nói đúng hơn nữa, là sự lắng nghe một con người với những chuyển động trong tâm hồn và tư duy của con người đó đã không còn là mối quan tâm của nhà trường nữa.

Nói vậy không có nghĩa là tất cả các giáo viên đều như thế. Nhưng sự nhận thức đúng của các giáo viên ấy cũng giống như những hành khách trên một con tàu đang rẽ sang một hướng khác. Những hành khách đó nhận ra sự chuyển hướng của con tàu nhưng họ không có khả năng dừng con tàu ấy lại hoặc bẻ lái cho con tàu đi đúng hướng. Họ chỉ biết kêu lên một cách bất lực hoặc bỏ mặc cho con tàu đi đến đâu thì đến và cùng lắm là nhảy ra khỏi con tàu đó.

Để tiếp thu không thôi, kiến thức các môn khoa học tự nhiên hay xã hội, thì phương pháp truyền bá những kiến thức cho một học sinh và cho một phạm nhân là như nhau. Nghĩa là nó rất đơn giản. Nhưng ở đây, chúng ta đang bàn đến hai chữ: Giáo dục. Mà sứ mệnh giáo dục trong các trường học phổ thông không phải là đào tạo một công nhân, một kỹ sư… trong tương lai mà đào tạo ra một con người. Thế nhưng, phần đào tạo ra một con người trong các trường học đã bị xem nhẹ, hay có thể nói, đã rơi vào nhiều sai lầm nghiêm trọng.

Nếu chúng ta làm một điều tra xã hội học, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ các giáo viên đến trường với một nguồn cảm hứng nhân văn còn lại rất ít. Thậm chí, càng ngày càng nhiều hơn các giáo viên đến trường mỗi ngày như đến chợ để bán những sản phẩm (kiến thức) mình có. Cùng với đó là một lối làm việc thô cứng, áp đặt và ít nhiều vô cảm. Nếu chúng ta yêu cầu học sinh của một trường chọn lựa danh sách các giáo viên dạy giỏi (có kiến thức chuyên môn sâu), học sinh sẽ cho chúng ta một danh sách đúng ngay lập tức. Nhưng nếu chúng ta yêu cầu chúng chọn lựa một danh sách những giáo viên đã dựng lên hay để lại trong tâm hồn chúng những xúc động và thiêng liêng thì chúng rơi vào lúng túng.

Những cái ôm và nụ cười giũa cô và trò như thế này ngày đang hiếm dần đi.

Những cái ôm và nụ cười giũa cô và trò như thế này ngày đang hiếm dần đi.

Các thế hệ học sinh bây giờ, như các con, các cháu tôi, khi chúng ngồi nói chuyện với nhau về các thầy, cô giáo cũ là chúng nói về cách dạy toán khác thường của thầy này, cách ăn mặc rất “mô-đen” của cô kia. Còn thế hệ chúng tôi, khi nhắc đến thầy cô giáo cũ là nhắc đến những kỷ niệm đẹp, thổn thức của thương yêu và che chở. Điều tôi nói đã xác lập một cách đầy đủ và chính xác về sự khác nhau mang tính cốt lõi của việc giáo dục trong các nhà trường.

Có người đã nói một cách hình tượng rằng, mỗi ngôi trường trước kia chỉ có một cổng trường còn bây giờ có nhiều cổng. Hình tượng ấy nói với chúng ta điều gì? Nó nói rằng: Nhà trường đã đánh mất đi tính thuần khiết của nó. Nhà trường đã bị quá nhiều những vấn đề xã hội và thị trường xâm nhập. Nếu chúng ta lắng nghe những câu chuyện của học sinh với cha mẹ sau khi từ trường về, chúng ta có thể nhận ra hiện thực đó.

Viết đến đây, tôi lại nhớ câu nói của Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Nhưng sự thật bây giờ, nhiều đứa trẻ đến trường với một tâm lý nặng nề và đôi khi cả sợ hãi.  Trạng thái tâm lý đó xuất phát bởi áp lực từ những thành tích học tập được số hoá đến từ hai phía: nhà trường và gia đình, nếu không muốn nói, đến cả từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu học sinh ngày ngày đến trường không “náo nức một ngày vui” thì nhà trường đó đã thất bại. Bây giờ, nhà trường không còn “nín thở” quan sát xem một học sinh - một con người - có khả năng chia sẻ, thương yêu với một con người bên cạnh và với một cái cây bên cạnh không mà chỉ là giám sát xem học sinh đó - con người đó - thực hiện những đòi hỏi của mình như thế nào.

Trong một bộ phim tâm lý của Mỹ mà tôi đã xem, kể về một học sinh trong một thời gian dài không muốn trò chuyện với bất cứ thầy cô nào. Cô bé gặp rất nhiều vấn đề trong sinh hoạt và học tập. Lúc đầu, người ta cho rằng cô bé mắc bệnh trầm cảm. Nhưng rồi, một thầy giáo phát hiện, cứ sau giờ học cô bé lại tìm đến một nơi vắng vẻ để trò chuyện không biết chán với con thú nhồi bông của mình. Thầy giáo này đã gặp bà hiệu trưởng và nói với bà ấy rằng cô bé không mắc bệnh trầm cảm mà là cô không muốn nói chuyện với các thầy cô của mình. Hay nói chính xác là các thầy cô đã không nghe được những tiếng nói trong tâm hồn cô bé và tìm cách trò chuyện với cô. Cô bé không tìm thấy sự chia sẻ và tin cậy nơi các thầy cô. Khi nhận ra sai lầm của mình, các thầy cô đã họp bàn tìm cách để có thể trò chuyện với cô bé. Nhưng họ gần như thất bại, cho dù họ nghĩ ra rất nhiều cách. Cuối cùng, người thầy giáo kia đã tìm ra cách để bước vào thế giới của cô bé.

Người thầy giáo này cũng mang một con thú nhồi bông và nói chuyện với con thú đó. Hành động này của người thầy giáo đã đưa ông đến với cô học trò nhỏ của mình như một người bạn cùng lứa tuổi đáng tin cậy. Và cô học trò đã nói với người thầy của mình tất cả những gì cô đang nghĩ. Sau đó, cô trở lại hoà đồng với cộng đồng lớp học và luôn thổ lộ mọi khúc mắc với người thầy đó với một lòng tin sâu sắc. Điều mà các nhà làm phim muốn nói chỉ đơn giản là: Nếu chúng ta muốn dẫn dắt đứa trẻ đi theo con đường của chúng ta thì chúng ta phải hiểu nó. Và để hiểu nó, chúng ta phải có khả năng sống trong thế giới mà chúng đang sống.

Có một câu chuyện có cùng tư tưởng với bộ phim trên, kể về một đứa trẻ bị những con quỷ lọt được vào giấc mơ của nó. Và trong giấc mơ của đứa bé, những con quỷ đã dẫn đứa bé đi theo con đường xấu xa của chúng. Cha của đứa bé ấy không biết làm thế nào để cứu con mình thoát khỏi sự dẫn dắt xấu xa của lũ quỷ. Ông đã tìm đến một vị Thần để cầu xin cách cứu con mình. Vị Thần nói, nếu ông muốn cứu con ông khỏi bàn tay của lũ quỷ thì chính ông phải lọt được vào trong giấc mơ của đứa bé. Nhưng làm thế nào để lọt được vào giấc mơ của con mình thì vị Thần không thể giúp được. Chỉ bằng tình thương yêu thật sự và một trách nhiệm lớn lao của mình đối với đứa con, ông bố kia mới có thể tìm được lối đi vào giấc mơ của con mình.

Tôi kể những câu chuyện này để nói đến một thực trạng là hiện nay nhà trường đã và đang trở thành một thực thể tách rời khỏi học sinh của mình. Chỉ còn lại mối ràng buộc duy nhất giữa nhà trường và học sinh là mối ràng buộc của sự áp đặt và các nguyên tắc như của một ông chủ đối với người làm thuê. Thậm chí, mối ràng buộc giữa nhà trường và học sinh đã và đang nhuốm đầy màu sắc thị trường: Tôi trả tiền cho anh chị thì anh chị phải dạy tôi. Sai lầm này sinh ra bởi vì nhà trường của chúng ta đang vì lợi ích của chính nhà trường chứ không thực sự vì lợi ích của học sinh.

Ngay trong một việc mang tính kỹ thuật nhiều hơn, là việc soạn sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, chúng ta cũng đã không vì lợi ích của học sinh. Nếu nghiên cứu thật kỹ chúng ta sẽ thấy: Nội dung dạy một sự kiện hay một nhân vật lịch sử cho học sinh lớp 5 là khác với các sinh viên năm thứ nhất đại học. Sự khác biệt ở đây không phải độ dài và ngắn hay là sự đơn giản và phức tạp của nội dung. Tôi đã từng “choáng váng”  nhưng không ngạc nhiên khi nhiều học sinh được hỏi giữa Quang Trung và Quan Vân Trường thì thích ai hơn? Tất cả trả lời thích Quan Vân Trường hơn. Sai lầm duy nhất ở đây là sai lầm trong việc chúng ta soạn nội dung về một nhân vật lịch sử như thế nào và dạy về nhân vật đó như thế nào cho các lứa tuổi khác nhau.

Với học sinh phổ thông trung học, đặc biệt là học sinh tiểu học, thì việc mang đến cho chúng những cảm xúc, những gần gũi, những gợi mở, thậm chí cả sự tưởng tượng về một nhân vật lịch sử quan trọng hơn ngàn lần ý nghĩa thời đại hay là sự chính xác mang tính sử học của nhân vật đó. Một đứa trẻ trước hết cần được dạy để kính yêu ông bà nội hay những người thân yêu của nó chứ không phải để hiểu lý lịch những người đó như một cán bộ tổ chức. Nhưng nhà trường của chúng ta đang từng bước lãng quên điều đó, nếu không muốn nói, đang từng bước đi ngược lại điều đó.

Tôi có thể nói rằng, mình đã khá thành công trong việc giáo dục các con. Một trong những phương pháp đơn giản nhất trong việc giáo dục các con là tôi nói về các món ăn trong một bữa ăn. Điều này nghe có vẻ vớ vẩn phải không? Ví dụ khi tôi làm món bánh khúc là lúc tôi kể cho các con tôi về một đời sống xunh quanh món bánh khúc kia. Lúc đó, những cánh đồng Giêng Hai hiện lên lộng lẫy, lúc đó hình ảnh của bà tôi, mẹ tôi hiện lên thân thuộc và xúc động.

Kỹ thuật làm món bánh khúc không phải là mục đích của câu chuyện về bánh khúc. Các con tôi có thể không bao giờ làm bánh khúc trong suốt cuộc đời chúng. Nhưng trong suốt cuộc đời chúng phải hiện lên hình ảnh đẹp và xúc động về thiên nhiên và những người thân yêu trong gia đình chúng. Có thể nói, có cả triệu học sinh cùng thế hệ tôi đều học môn hoá học. Nhưng cho cả phần đời còn lại sau đó, hầu hết chúng tôi đã không dùng kiến thức môn hoá học thời đó cho công việc chúng tôi bây giờ. Nhưng những hạt giống của tình yêu thương với thiên nhiên, con người và khát vọng sống mà các thầy cô gieo vào tâm hồn chúng tôi thuở trước đã đưa chúng tôi đi qua bóng tối của sự ích kỷ, thói vô cảm và độc ác.

Với cá nhân tôi, bây giờ chỉ mất một giờ đồng hồ đọc sách là tôi hiểu toàn bộ những gì liên quan đến cuộc đời của một nữ anh hùng trong chiến tranh. Nhưng bài hát về người nữ anh hùng này của một nhạc sỹ tài năng đã làm cho tôi yêu chị như yêu một người chị ruột đã ra đi. Mục đích tối thượng của giáo dục trong các trường phổ thông, theo tôi, đơn giản chỉ là vậy. Không một người thầy nào dạy cho Beethoven những giai điệu diệu kỳ trong các tác phẩm của ông sau này. Nhưng những người thầy trong nhà trường, trong gia đình và trong xã hội đã chỉ cho ông vẻ đẹp huy hoàng của những đám mây, những ngọn đồi, những vòm lá… và vẻ đẹp lớn lao của tình yêu con người.

Tôi đã có lần tham dự một buổi sinh hoạt đầu tuần giữa thầy cô và học sinh tại một trường tiểu học ở Mỹ, giống như lễ chào cờ trong các trường học của chúng ta. Và tôi thật sự bất ngờ khi mở đầu buổi sinh hoạt đó, thầy hiệu trưởng đã thông báo vể cái chết bất thường của một số con sóc nhỏ trong khu vườn nhà trường. Đây là một sự kiện lớn đối với học sinh trong tuần đó. Nhân cái chết của những con sóc nhỏ ấy, các thầy cô và những đứa trẻ bàn đến những mối đe doạ đối với môi trường và kêu gọi mọi người hãy thương yêu hơn nữa thiên nhiên quanh họ. Còn chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận một cách trung thực nhất, chúng ta đang nói gì với học sinh trong những buổi sinh hoạt như vậy hay trong những tiết học cho dù đó là những tiết học của môn tự nhiên.

Xin các thầy cô hãy nhanh chóng nhận ra ra rằng: Hầu hết những gì chúng ta nói không phải là những điều mà học sinh quan tâm và chẳng để lại trong tâm hồn chúng một rung động nào. Bởi chúng ta đã không sống trong đời sống của học sinh. Chúng ta không có khả năng trò chuyện với chúng. Chúng ta không tìm được lối vào trong giấc mơ của chúng để biết chúng đang đi về đâu hay đang lạc đường ở chỗ nào. Chúng ta không có khả năng trở thành người bạn đồng hành của chúng. Bởi vì thế mà chúng ta đang thất bại.

Chỉ khi nào nhà trường lắng nghe những biến động trong tâm hồn và tư duy của học sinh như bà mẹ lắng nghe những thay đổi của thai nhi thì lúc đó nhà trường mới trở thành thế giới của những đứa trẻ.  Việc làm cho những đứa trẻ trở thành thiên tài không phải việc của nhà trường nhưng việc giáo dục những đứa trẻ trở thành những con người có tình yêu thương và có khát vọng sống, chính là một phần trách nhiệm của nhà trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top