Aa

Kẻ có tội đầu tiên là... người lớn

Thứ Ba, 02/04/2019 - 06:00

Điều đau đớn với chúng ta là: Những vẻ đẹp nhân tính của con người trong xã hội chúng ta đã và đang biến mất quá nhiều và quá nhanh.

Có một bài hát từ những năm chiến tranh, mà bây giờ tôi vẫn thuộc, là bài hát về người anh hùng thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc, đã lấy thân mình che bom đạn cho bạn và hy sinh...

Hồi còn là học sinh, mỗi khi hát bài hát đó, chúng tôi đều ứa nước mắt. Câu chuyện về người anh hùng nhỏ tuổi ấy, bây giờ nghe như chuyện hoang đường. Rồi câu chuyện về cậu học sinh ba năm liền cõng bạn đi học, cùng bao câu chuyện khác.

Tôi còn nhớ những năm học tiểu học, mỗi khi trong lớp có bạn nào bị ốm phải nghỉ học là tất cả các học sinh trong lớp tranh nhau chép bài cho bạn. Vì cả lớp đòi chép bài cho bạn, nên cô giáo quyết định, ai đến phiên trực nhật lớp hôm đó sẽ được chép bài cho bạn. Mỗi lần trong lớp có bạn nào ốm, lũ học sinh chúng tôi lại rủ nhau "đến chơi với bạn". "Đến chơi với bạn" là câu nói của lũ học sinh chúng tôi hồi đó thay cho cụm từ "Đi thăm bạn ốm". Khi đến chơi với bạn ốm, ai có gì thì mang đi góp lại làm quà cho bạn. Đứa thì bứt một hai quả na còn xanh trong vườn nhà mình, đứa thì lén lấy một hai quả trứng gà đang được ấp trên ổ của nhà mình, đứa mang theo quả đu đủ còn đầy nhựa…

Bạo lực học đường diễn ra ngang nhiên giữa sân trường.

Bạo lực học đường diễn ra ngang nhiên giữa sân trường.

Vào năm tôi học lớp năm, một học sinh trong lớp bị mất vì bệnh hiểm nghèo. Những ngày sau đó, lớp tôi trở thành một thế giới câm lặng và buồn bã. Giờ ra chơi, chúng tôi không còn nô đùa như trước đó. Hàng ngày, cứ sau giờ tan lớp, chúng tôi lại rủ nhau ra khu nghĩa trang cuối làng thăm mộ người bạn. Nỗi buồn vì người bạn đã mất kéo dài mãi cho tới khi chúng tôi kết thúc năm học.

Những năm tháng đó, nhiều câu chuyện về những người nhỏ tuổi quên mình vì bạn, những câu chuyện giản đơn nhưng xúc động như tôi vừa kể, là những câu chuyện thường nhật của một đất nước. Chỉ mới gần một nửa thế kỷ trôi qua, những câu chuyện kỳ diệu ấy đã và đang rời bỏ chúng ta. Đất nước chúng ta quả thực đang đứng trước bệnh dịch vô cảm. Câu chuyện về những học sinh lột quần áo bạn học và tra tấn, không phải là một câu chuyện hy hữu nữa. Lâu nay, thi thoảng chúng ta vẫn hay gặp các clip quay lại hành động tàn ác như vậy của học sinh. Chúng hành hạ bạn học, quay clip và đưa lên mạng. Chúng đã trở thành những kẻ vô cảm. Và nói chính xác hơn, là chúng đã trở thành những kẻ độc ác.

Chiều nay, trên đường lái xe về nhà, tôi nghe một cuộc trò chuyện trên đài về việc làm thế nào để giảm bớt đi thói vô cảm và sự độc ác đang tăng lên trong học đường. Người ta đưa chế tài đối với những học sinh phạm tội và những trường có liên quan. Nhưng theo tôi, đó chỉ là những giải pháp "phần ngọn".

Chúng ta phải tìm những giải pháp để xử lý từ gốc. Đó là những yếu tố cơ bản của nền tảng nhân tính.

Cách đây rất nhiều năm, tôi đã viết một bài nói đến sự lung lay của hệ thống "phòng thủ nhân tính" cuối cùng trong mọi xã hội. Đó là ba ngôi nhà: Nhà trường (hệ thống giáo dục), Nhà chùa (hệ thống tôn giáo) và Nhà mình (gia đình – tính truyền thống). Nếu một trong ba ngôi nhà này lung lay, thì nghĩa là tuyến phòng thủ nhân tính cuối cùng ấy sẽ bị đe dọa, và sự nghiệp giáo dục con người của bất cứ quốc gia nào, sẽ rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp. Nhưng nay, cả ba ngôi nhà nay đều lung lay. Nhà trường, nhà chùa chúng ta đều biết và nhà mình thì chúng ta cũng đã tự biết. Chúng ta vẫn yêu thương con cái, mong những điều tốt đẹp cho con cái và hy vọng về chúng, nhưng chúng ta lại đi sai đường trong giáo dục nhân tính cho con cái mình.

Qua vụ hành hung bạn học mà chúng ta đang lên tiếng, không ít người "qui tội" cho nhà trường. Tất nhiên, nhà trường có trách nhiệm rất lớn. Nhưng cho dù nhà trường có tốt đến đâu cũng không một mình chống lại được cuộc xâm lăng của vô cảm. Những đứa trẻ trở nên vô cảm, bởi xã hội người lớn đã vô cảm. Bạn hãy đọc các thông tin về cách người lớn hành xử với gia đình, với con người và với cả thiên nhiên trong nhiều năm trở lại đây, thì bạn thấy ngay việc những đứa trẻ trở nên vô cảm và độc ác là điều tất nhiên. Điều đau đớn với chúng ta là: Những vẻ đẹp nhân tính của con người trong xã hội chúng ta đã và đang biến mất quá nhiều và quá nhanh. Một cánh rừng, một con sông, một hồ nước… bị tàn phá sẽ sinh ra vô cảm và độc ác cho con người.

Những học sinh bây giờ hành hung bạn học, quay clip và đưa lên mạng xã hội với một cảm giác khoái trá, là chúng đã bắt đầu đặt chân vào con đường của sự độc ác mà người lớn chưa hình dung hết.

Và người bị "xử phạt" đầu tiên về tội ác của những đứa trẻ chính là người lớn chúng ta.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top