Dăm tháng trước đây, tôi có việc đến đường Phạm Văn Đồng. Mọi lần vẫn đi qua đây, chỉ thấy đó là một đường phố mang tên một nhà cách mạng tiền bối là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng quả thực là một đường phố quá ư ầm ĩ, luôn luôn tắc nghẹt, bụi bặm và bẩn thỉu vô cùng.
Điều đó cũng chẳng có gì đáng nói hơn nữa vì hầu hết những con phố ở Hà Nội đều bẩn. Riêng cái chuyện vệ sinh đường phố thì hình như Hà Nội là nơi kém nhất trong các thành phố của cả nước. Đặc biệt so với Thành phố Hồ Chí Minh thì Hà Nội cách xa một trời một vực. Hà Nội lộn xộn, Hà Nội bẩn, Hà Nội xấu… là những từ ngữ quen thuộc mà tôi đã nghe từ nhiều năm nay.
Báo chí nói rất nhiều, người dân nói rất nhiều về chuyện này, nhưng hầu như chẳng thấy một chút gì thay đổi đáng kể. Nhưng điều tôi muốn nói đến trong bài viết này là sự lộn xộn đến mức không cho phép và không thể nào giải thích nổi. Đó là sự lộn xộn của những số nhà ở đường Phạm Văn Đồng.
Đường Phạm Văn Đồng không phải mới có được dăm bảy tháng hay một năm mà đường phố này có đã rất lâu rồi. Thế nhưng việc đánh số cho các ngôi nhà ở đó cho đến giờ vẫn chưa xong. Tôi đã mất quá nhiều thời gian đi tìm cái số nhà mà mình muốn đến. Đang ở số này lại nhảy vọt qua số khác, đang số chẵn lại nhảy sang số lẻ. Và tôi đã kinh hoàng không hiểu nổi vì sao lại có một con phố như thế. Đó quả thực là một con phố "ma".
Những ngôi nhà ẩn hiện liên tục làm cho người đi tìm tưởng như rơi vào u mê, lú lẫn. Thế là tôi phải mất cả mấy tiếng đồng hồ với việc hỏi cả chục người rồi gọi điện cho chủ nhân ngôi nhà thì mới đến được địa chỉ mình cần đến. Bực mình. Tất nhiên là vậy rồi. Nhưng hơn cả sự bực mình là khi tôi nghĩ về các vị quản lý Thủ đô muôn vàn yêu dấu của chúng ta.
Tôi không hiểu các vị có biết về con phố "ma" đó không? Nhưng không biết hay có biết thì tôi vẫn thất vọng tràn trề về các vị. Các vị đúng là những người danh giá trong xã hội này. Các vị vô cùng uy quyền. Các vị chém gió thì không ai kể xiết. Nhưng cuối cùng cái Thủ đô của chúng ta như là cái đồ chơi của cá nhân các vị. Các vị thích chơi nó kiểu gì tùy thích. Không ít người đã từng nghĩ rằng hay là do các vị không có một chút khái niệm nào về quản lý đô thị nên mới để những chuyện như thế mà chẳng hề có một giải pháp nào.
Có quá nhiều con phố ở Thủ đô mà ngày nào chúng ta cũng thấy xe chuyên dụng với công an, trật tự viên và hình như cả cán bộ phường gì đó, chạy ròng ròng xua đuổi những người lấn chiếm vỉa hè. Nhưng hết năm này đến năm khác trong hơn chục năm nay, ngày nào tôi cũng thấy cái xe chuyên dụng ấy đi đi lại lại với một cái loa kêu gọi mọi người dẹp chỗ này, dọn chỗ kia. Nhưng mọi chuyện cũng chẳng có gì thay đổi.
Người chiếm vỉa hè cứ chiếm, người xua đuổi cứ xua đuổi. Những người chứng kiến cảnh đó đinh ninh rằng cơ quan chức năng ở phường, ở quận, ở thành phố làm cho có chứ không vì mục đích làm cho thành phố gọn gàng, nề nếp, sạch sẽ. Bởi nếu họ muốn giải quyết vấn đề lấn chiếm vỉa hè thì họ phải có biện pháp. Chứ ai đời nào cứ hết ngày này, tháng nọ, năm kia vác xe, huy động người tốn tiền, tốn của mà chẳng có kết quả gì.
Lại thấy thường xuyên có những chiếc xe phun nước chạy vô tư phun nước ào ào để làm sạch bụi trên những đoạn đường mà thực ra không cần phải phun như thế. Hà Nội bây giờ mở ra rất rộng. Có quá nhiều nơi gọi là Hà Nội, Thủ đô của cả nước, nhưng thực ra cũng chỉ là một vùng nửa quê nửa tỉnh.
Tôi thường xuyên chứng kiến những chiếc xe chở nước đi phun nước ở đoạn đường huyện Thanh Oai. Con đường đó trước kia là đường của tỉnh đầy bụi bặn, phân trâu bò, chó lợn. Bây giờ cũng chưa có gì cải thiện hơn. Nhưng có lẽ từ khi Thanh Oai trở thành một huyện của Hà Nội thì nơi này có chế độ... phun nước. Nhưng bi hài làm sao khi lấy nước đâu mà phun trên những con đường như thế. Nó chẳng làm sao làm được sạch bụi mà nó chỉ làm tiêu tốn tiền của mà thôi. Mà thực tế càng phun càng bẩn.
Tôi nghĩ những chuyện như thế sao không có người lên tiếng, sao chính quyền địa phương ở đó không kiến nghị là đừng phun nước nữa. Việc phun nước ở những đoạn đường như thế chẳng khác nào đi giày da cho trâu, bò.
Nghĩ về những hiện thực đó mà lòng không sao lý giải nổi. Vì sao họ lại quyết định làm những việc như thế. Hình như họ cứ làm, còn tốn kém ngân sách là người dân đóng thuế chịu và họ chẳng cần suy nghĩ gì cả. Ôi, sao lại nhiều cái chuyện vô lý và bi hài như thế.
Lại nhớ cách đây mấy năm, một buổi sáng thức dậy, tất cả các gia đình ở một khu vực thuộc Hà Đông đã “bị” gắn biển “Gia đình văn hóa” cho dù không phải gia đình nào cũng muốn thế. Thậm chí có những gia đình thấy ngượng quá bèn lặng lẽ giấu cái biển đó đi. Chính quyền ở đây muốn tất cả các gia đình phải trở thành “Gia đình văn hóa”. Ai không muốn cũng không được. Nhà có người đi tù, có người nghiện ma túy, có người ăn cắp, có người đánh chửi nhau... cũng phải trở thành “Gia đình văn hóa”.
Đúng là chúng ta mong muốn xây dựng được một xã hội văn hóa. Nhưng phải bằng lối sống thực sự văn hóa chứ không phải là sống vô tổ chức, vô luật pháp, vô giáo dục cũng bị ép trở thành người văn hóa mà không cần phải giáo dục gì cả.
Xét đi xét lại, Thủ đô của chúng ta là một Thủ đô kỳ lạ nhất trên thế giới. Nhà đang số 20 bỗng chuyển sáng số 100, rồi đang số 100 chuyển ngay sang số 4, gia đình đang có người vi phạm luật pháp trở thành gia đình tiêu biểu sau một giấc ngủ, đường phố vừa rải bụi, đổ rác bừa bãi vừa phun nước rửa đường...
Mà sao những vô lý và bi hài như thế này lại có thể kéo dài lau đến được như thế chứ?