Aa

Bài 3: “Con giun xéo mãi cũng quằn”

Thứ Hai, 18/06/2018 - 06:01

Thị trường bất động sản chung cư ngày càng “bùng phát” mạnh mẽ nhiều sai phạm. Chủ đầu tư của những dự án bất cập không những “phản bội” lòng tin của khách hàng, đánh mất danh tiếng của mình, mà còn né tránh trách nhiệm, khiến người dân vô cùng chật vật trong công cuộc đòi lại quyền lợi.

Trao niềm tin, “ngậm trái đắng”

Có rất nhiều luồng thông tin dư luận chỉ trích hành động căng băng-rôn, biểu tình, diễu hành,… của người dân các dự án chung cư là động thái quá khích, chống đối, mất bình tĩnh và thiếu văn minh. Thế nhưng, đằng sau tất cả lại ẩn chứa vô vàn những câu chuyện chưa kể.

Có thể nói rằng, bản thân khách hàng khi mua nhà đều là những con người “vô tội”. Bởi khi đặt bút ký hợp đồng, mỗi khách hàng luôn có một niềm tin tưởng vô biên về lời quảng cáo hoa mỹ của các chủ đầu tư. Và rồi cứ thế, hình ảnh mô phỏng về một dự án đáng sống với chất lượng tuyệt đỉnh cứ ngày càng lớn lao và rõ rệt hơn trong sự tưởng tượng của họ.

Người ta bảo nếu hy vọng quá nhiều đến lúc thất vọng thì sẽ đau gấp bội. Dường như, điều đó vô tình trở thành chân lý khi khách hàng được bàn giao nhà, thực tế như một gáo nước lạnh khiến họ bừng tỉnh. Những tiện ích, dịch vụ,… khách hàng được nhận không hề giống với bản thiết kế và lời quảng cáo của chủ đầu tư trước đó.

Từ những chi tiết nhỏ nhặt trong chính căn hộ như diện tích, chất liệu sử dụng,… hay to lớn hơn là hệ thống PCCC, điện nước, thang máy, an ninh,… của toàn bộ toà nhà đều sai phạm. Sống trong một dự án không đủ tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, người dân không khỏi lo lắng, bất an.

Tuy nhiên, đại đa số người mua nhà đều là những người văn minh. Họ chỉ mong muốn rằng mình và gia đình được sống an tâm dưới căn nhà như họ đã từng được hứa hẹn.

Cư dân Dự án The Pride họp bàn đối thoại, chất vấn với chủ đầu tư về nhiều sai phạm của toà nhà. Ảnh: Đỗ Linh

Cư dân dự án The Pride họp bàn đối thoại, chất vấn với chủ đầu tư về nhiều sai phạm của toà nhà. Ảnh: Đỗ Linh.

Người dân liên hệ gửi văn bản để trình báo với chủ đầu tư về thực trạng sai thiết kế, thi công; tổ chức nhiều cuộc họp đối thoại mời chủ đầu tư tham gia,… Nhưng họ chỉ nhận được sự “né tránh”, thái độ thờ ơ, rũ bỏ trách nhiệm của các chủ đầu tư. Tiếp tục công cuộc đòi quyền lợi, họ tiếp tục gửi đơn thư kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đổi lại vẫn chỉ là hành động giải quyết qua loa, đại khái, không đến cùng.

Quyền lợi, tính mạng của hàng nghìn con người đang bị đe doạ bởi sự “bội tín” và thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của chính quyền lại khiến người dân càng trở nên hoang mang và bất lực hơn, bắt buộc cư dân phải cùng nhau đứng lên, ra mặt kêu gọi sự giúp đỡ của truyền thông và cộng đồng. Bởi đồng tiền gắn liền với sự hy vọng, tin tưởng đã bỏ ra lại không nhận lại được kết quả xứng đáng.

Cư dân dự án Usilk City căng băng-rôn đòi quyền lợi. Ảnh: Đỗ Linh.

Cư dân dự án Usilk City căng băng-rôn đòi quyền lợi. Ảnh: Đỗ Linh.

Chẳng một ai muốn lũ lượt ra đường cùng nhau, chẳng một ai muốn kéo tới trụ sở của chủ đầu tư hay chính quyền để “kêu oan” đòi công bằng, chẳng một ai muốn trở thành tâm điểm của dư luận. Nhưng những gì mà họ đang làm ngày hôm nay đều có lý do. Hơn hết, điều đó lại xuất phát từ chính những người mà họ tin tưởng cùng những người có thẩm quyền, trách nhiệm.

Khách hàng cần phải tỉnh táo!

Muốn tìm được chốn an cư hoàn hảo, đáp ứng chất lượng cuộc sống bản thân mong muốn, khách hàng phải đặc biệt xem xét kỹ càng dựa trên nhiều tiêu chí. Họ lại càng phải thận trọng hơn khi mà hiện nay, “cơn bão” tranh chấp chung cư ngày càng lớn và lan rộng. Nếu không muốn “ngậm trái đắng”, mỗi người mua nhà đều phải là một nhà thông thái!

Khi chọn chốn an cư, ngoài đặc biệt quan tâm tới vị trí căn hộ, người dân cần tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn kỹ chủ đầu tư cũng như tiện ích dự án. Đã có quá nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà xảy ra về vấn đề lùm xùm vì tiến độ xây dựng chậm trễ, phát sinh nhiều khoản tiền, chi phí quá cao, sản phẩm nhận về không đúng bản thiết kế,… Mà suy cho cùng, người mua là bên luôn phải chịu thiệt.

Chính vì thế, trước khi quyết định “xuống tiền”, khách hàng cần tìm hiểu thương hiệu nhà đầu tư, khảo sát qua các dự án mà họ đã thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ bàn giao nhà, số năm kinh nghiệm trong ngành, tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp,…

Trước khi đặt bút ký vào văn bản hợp đồng, để tránh “bút sa gà chết”, người dân nên xem xét kỹ lưỡng các điều khoản đề ra trong hợp đồng. Bên cạnh đó, nên tham khảo thêm ý kiến của luật sư và người cố vấn am hiểu về lĩnh vực này, để tránh những rắc rối, tranh chấp về sau. Khi chủ đầu tư cho tiến hành công đoạn thi công, lắp ráp… người dân cũng nên giám sát thật chặt chẽ, sát sao tiến độ công trình cũng như đơn vị vận hành để kịp thời phát hiện ra những “lỗ hổng”.

Sự loay hoay, nhọc hằn, chật vật trong công cuộc đấu tranh, đòi quyền lợi của những người mua nhà trước là lời cảnh tỉnh vô cùng sâu cay đến những ai đang có ý định và chuẩn bị mua dự án chung cư cao tầng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng nên ý thức điều đó và phải tự “biến” mình thành nhà thông thái khi mua nhà bởi đấy là chuyện trọng đại, thiêng liêng của cả một đời người./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top