Aa

Bài 3: Gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội

Thứ Sáu, 22/03/2024 - 08:00

Ngay sau khi họp về giải cứu thị trường bất động sản chung các phân khúc, ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương 63 tỉnh thành cùng hệ thống Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản về nội dung tháo gỡ khó khăn riêng về nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở công nhân (NƠCN), nhà ở dành cho người thu nhập thấp (TNT).

Bài 3: Gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Chính phủ quyết liệt vào cuộc gỡ khó khăn phát triển các dự án nhà ở xã hội trên cả nước.

Đã triển khai 499 dự án NƠXH với quy mô hơn 411.250 căn

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng TNT, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Xây dựng, ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đối với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ theo các nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai Đề án.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về "Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024", Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành 130.000 căn hộ NƠXH.

Tính đến nay, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm NƠXH, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020. Kết quả triển khai thực hiện dự án NƠXH, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn. Trong đó đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương việc phát triển NƠXH trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH.

Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NƠXH, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án NƠXH tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Thiếu nguồn cung trầm trọng

Thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án, bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này. Song vẫn còn nhiều địa phương dù có nhu cầu lớn về NƠXH nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án.

Bài 3: Gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 2.

Dự án NƠXH Evergreen Tràng Duệ đang được xây dựng tại Hải Phòng.

Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra đó là: Cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê NƠXH còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn…

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024… được thông qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH. Công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong Khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang; Cắt giảm quy định điều kiện cư trú với đối tượng mua, thuê mua NƠXH; đối với đối tượng thuê NƠXH thì không phải xác nhận điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập…

Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025, các Luật trên mới có hiệu lực thi hành, do vậy đến nay việc phát triển NƠXH vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc bên trên. Một vướng mắc nữa là nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân, người lao động Khu công nghiệp. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH trong quy hoạch đô thị, Khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NƠXH độc lập.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; Chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về NƠXH rất lớn, nhưng việc đầu tư NƠXH còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025…

Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng. Nguồn vốn tín dụng 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục NƠXH đủ điều kiện vay còn hạn chế…

Cấp bách thực hiện các giải pháp phát triển NƠXH

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án. Trong đó, cần tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về thuế… để đồng bộ quy định pháp luật; tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân…

Bài 3: Gỡ nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 3.

Dự án NƠXH Đặng Xá tại Gia Lâm, Hà Nội.

Các địa phương cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người TNT, công nhân KCN, lực lượng vũ trang nhân dân; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch KCN, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH…

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH do Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xuyên suốt quá trình đó, không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đề cao quyền con người, trong đó có quyền về nhà ở; nhà ở là 1 trong 3 trụ cột an sinh xã hội, như ông cha ta đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”.

Thực hiện chủ trương, đường lối đó, Chính phủ đã rất quan tâm để phát triển NƠXH. Trong số đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng TNT, công nhân Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay NƠXH. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn. Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH. Trong đó, kiểm điểm lại các chủ trương, chính sách, thể chế; cách làm; việc xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất, tài chính cho phát triển NƠXH.

Bài 4: Đồng loạt sẵn sàng khởi công hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại các địa phương trên cả nước

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top