Aa

Bài 3: Lời giải cho “bài toán” nhiều mệnh đề

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 02/10/2018 - 06:00

Không thể phủ nhận việc xã hội hóa nguồn vốn để tạo ra nhiều hơn nữa không gian xanh công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, hình thức này chưa được nhân rộng và việc xã hội hóa cũng chưa thực sự có hiệu quả mà ngược lại còn tồn tại nhiều bất cập. Theo các chuyên gia, mấu chốt của vấn đề nằm ở trách nhiệm quản lý của Nhà nước.

Phải có cơ chế khuyến khích đầu tư

Liên quan đến câu chuyện phát triển các không gian xanh trong đô thị, như Reatimes đã đề cập trong loạt bài "Không gian xanh - Mảnh ghép còn thiếu giữa đô thị", nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, để ngày càng có thêm nhiều mảng xanh trong đô thị, cần sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc này cũng còn nhiều tranh cãi.

Trong đó có quan điểm cho rằng, cảnh quan công cộng không chỉ đóng góp vào sự phát triển bền vững của môi trường đô thị mà còn là tấm áo choàng phù phép nâng giá cho các dự án bất động sản. Minh chứng là một số sản phẩm bất động sản “ăn theo” quy hoạch công viên, cây xanh, mặt nước đã nhanh chóng tạo ra giá trị thặng dư khổng lồ cho doanh nghiệp. Dẫn đến một nghịch lý là trong khi công viên vẫn đang ở trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc trì trệ thi công thì xung quanh nó đã chi chi chít chung cư, nhà cao tầng.

Hà Nội đang thiếu hụt công viên, hồ điều hòa.Ảnh: Việt Linh.

Hà Nội đang thiếu hụt công viên, hồ điều hòa. Ảnh: Việt Linh.

 

Theo TS. Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Có một thực tế là hiện nay nhiều dự án bất động sản tọa lạc gần các công viên, hồ điều hòa do nhà nước xây dựng đang được hưởng lợi rất nhiều, trong khi đó chủ đầu tư dự án lại chưa có đóng góp gì to lớn cho việc thụ hưởng đó. Lẽ ra chủ đầu tư được hưởng lợi từ việc tăng giá bất động sản thì phải bỏ kinh phí ra để xây dựng hoặc bảo trì các không gian xanh. Đằng này cứ quảng cáo dự án cạnh công viên, hồ điều hòa xanh mát rồi bán căn hộ với giá cao nhưng thực tế công viên ấy lại của nhà nước xây. Rất bất hợp lý”. 

Có thể nói, các doanh nghiệp có dự án ở gần công viên, hồ điều hòa đang vô tư hưởng lợi bởi chính quyền chưa có một cơ chế nào ràng buộc hay khuyến khích họ phải đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng cách “trả lại” mảng xanh tương ứng với diện tích nhà cao tầng xây lên.

Do đó, để loại bỏ được những bất cập này, theo các chuyên gia, cần thiết phải xây dựng những cơ chế khuyến khích kèm theo những điều kiện ràng buộc để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đóng góp xây dựng hạ tầng xanh công cộng.

“Cái mà nhà đầu tư quan tâm nhất là lợi nhuận đem lại. Lợi nhuận càng cao thì họ càng “lao” vào chứ không dại gì mà họ làm những công trình không thu được lợi. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách rõ ràng. Họ xây công viên, xây hạ tầng xanh cho xã hội, giảm thiểu gánh nặng ngân sách cho nhà nước thì nhà nước phải đổi lại cho họ nguồn lợi gì đó xứng đáng, có thể là đất đai, có thể là cấp phép xây dựng hạ tầng hoặc cho phép họ xây dựng các khu vực vui chơi có thu phí trong công viên... Như vậy mới có thể khuyến khích họ bỏ vốn để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xanh”, TS Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Công tác quản lý minh bạch,  tránh việc “xin - cho”

Chính sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của chính quyền đã khiến cho việc xã hội hóa nguồn vốn xây dựng hạ tầng xanh tưởng từng như rất tốt lại đang tồn tại nhiều bất cập đáng lo ngại. Thực tế, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang ẵm gọn “miếng bánh lợi ích” còn Nhà nước và cộng đồng xã hội dường như chưa được hưởng lợi. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, điều mà doanh nghiệp tư nhân quan tâm nhất là lợi ích mang lại chứ không phải mục tiêu phát triển lâu dài của đô thị. Do đó, việc khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển hạ tầng xanh không đồng nghĩa với việc “trải thảm đỏ”  mời doanh nghiệp vào rồi để doanh nghiệp “tự biên tự diễn” mà cần nhắc đến vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền đô thị.

“Tư nhân người ta bỏ tiền ra làm thì người ta muốn thu được cái lợi càng nhiều càng tốt do đó sẽ có nhiều cách vặn vẹo, lách luật hay làm thế nào để có lợi cho mình. Còn Nhà nước đã tạo ra “cuộc chơi” thì phải kiểm soát được nó để mỗi bên có một trách nhiệm thật rõ ràng, nếu không, hạ tầng xanh đó rất khó để thành hình”, KTS. Lê Tuấn Long - Tổng giám đốc Eden Landscape nhận định.

fjdnf

Một góc dự án công viên, hồ điều hòa Nam Trung Yên đang bị bỏ hoang. Ảnh: Zing.vn

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tư nhân là người thấy rõ nhất lợi ích từ việc xây dựng hạ tầng cây xanh, mặt nước. Hầu hết các dự án hiện nay khi quảng cáo đều “dựa hơi” vào mảng xanh để nâng tầm giá trị các sản phẩm bất động sản trong đó. Bên cạnh đó, chính vì lợi nhuận từ việc có dự án gần không gian xanh là quá lớn nên không thể tránh khỏi việc nhà đầu tư tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng lên hoặc xây dựng công viên ở vị trí cách xa khu trung tâm, dẫn đến tỷ lệ người được thụ hưởng giá trị mảng xanh đó rất thấp, thậm chí chỉ mang tính chất cục bộ. Không dừng lại ở đó, nhiều chủ đầu tư đã và đang tìm cách “biến” công viên, hồ nước công cộng thành “của riêng”.

Theo TS. Trần Ngọc Hùng, căn nguyên của vấn đề nằm ở chỗ chính quyền đô thị chưa thực sự quyết tâm trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng xanh hay nói cách khác là chưa nhận thức được vai trò quan trọng của không gian xanh đối với sự phát triển bền vững của thành phố: “Vấn đề chính là năng lực quản lý của nhà nước trong quy hoạch, xuất phát từ quy hoạch. Hiện nay việc quy hoạch và quản lý quy hoạch của nhà nước chưa thực sự có tầm nhìn. Dường như việc quản lý còn lỏng lẻo, còn gắn với lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân quá lớn, kèm theo đó là tư duy nhiệm kì nữa nên mọi thứ còn rất nhập nhèm, lộn xộn, thiếu minh bạch.”

Để khắc phục điều này, TS. Trần Ngọc Hùng cho rằng, công tác quản lý cần phải minh bạch, rõ ràng. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu hẳn hoi, tránh việc “xin – cho”,  luồn lách cửa sau. Có như vậy mới lựa chọn được nhà đầu tư có trình độ, năng lực thực sự để thực hiện dự án có hiệu quả.  Bên cạnh đó, cũng cần phải nói đến sự nghiêm ngặt trong quản lý thực hiện quy hoạch của chính quyền đô thị, trách việc dễ dãi chấp thuận cho nhà đầu tư thay đổi các hạng mục xây dựng so với  quy hoạch ban đầu.

Đồng quan điểm với TS Trần Ngọc Hùng, TS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển Việt Nam nhấn mạnh: “Quy hoạch là một chuyện còn việc thực hiện quy hoạch lại là một chuyện khác. Nên nhất thiết phải tăng cường công tác quản lý để tránh những cái biến tướng trong quá trình thực hiện, đôi khi ban đầu là thế nhưng trong quá trình thực hiện, đến cuối nó lại teo tóp đi. Khi xin phép xây dựng thì đã có các quy chuẩn xây dựng chi tiết, rõ ràng rồi. Chỉ có điều trong quá trình triển khai, doanh nghiệp lại bắt đầu đi “xin” được tăng cái nọ, giảm cái kia. Nếu việc thụ lý hồ sơ không tốt, chính quyền không quyết liệt mà còn có tư tưởng nhận “phong bì” thì hệ lụy thực sự khôn lường”.

Ngoài ra, theo TS. Trường Văn Quảng, cần phải công khai, phổ biến quy hoạch chi tiết của các dự án xây dựng hạ tầng xanh đến với người dân để họ theo dõi, giám sát việc thi công xây dựng. “Tất cả những quy hoạch xây dựng phát triển hạ tầng người dân phải được biết. Có thể là bằng tờ rơi hay biển quảng cáo ở các điểm công cộng để người dân nắm được dự án đó chủ đầu tư là ai, quy hoạch chi tiết như thế nào để khi phát hiện vấn đề là họ có thể tố cáo ngay. Còn hiện tại, quy hoạch chi tiết các dự án dường như đang bị 'giấu nhẹm' đi để dễ bề sửa đổi”, ông Quảng nhận định.

Có thể khẳng định rằng, dù triển khai bằng nguồn vốn nào, vốn ngân sách hay vốn tư nhân, thì yếu tố tiên quyết phải chú trọng tới đó là công tác quản lý của nhà nước. Quản lý tốt thì việc triển khai xây dựng mới có hiệu quả. Tại Singapore và Nhật Bản, các nhà quản lý luôn xác định quy hoạch đô thị đặc biệt là quy hoạch không gian xanh phải hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai do đó việc phê duyệt quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch luôn được quản lý một cách nghiêm ngặt. Có như vậy, mới đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan nhất là với cộng đồng, xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top