Aa

Bài 42: “Thủ phủ” phân lô ở Lâm Đồng: Đất quy hoạch công viên, sân golf, đất giáo dục cũng bị băm nát để bán

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Bảy, 26/03/2022 - 10:13

Đất quy hoạch phát triển các khu công viên văn hóa lớn, khu vực sân golf, đất giáo dục hoặc đất nông nghiệp bị mang ra để phân lô tại Bảo Lộc. Câu chuyện phân lô bất chấp cho thấy "lợi ích nhóm" ngày càng hiện rõ.

Loạn phân lô, băm nát các khu công viên văn hóa lớn, khu vực sân golf, đất giáo dục

Ngày 17/3/2022, tổ kiểm tra, rà soát UBND tỉnh Lâm Đồng đã có kết quả rà soát theo quyết định số 80/QĐ-UBND, kiểm tra toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Theo đó, đoàn kiểm ra, rà soát đã đề cập tới tình hình hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa; việc thực hiện tách thửa, chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tình hình đầu tư xây dựng nhà ở, công trình và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Đáng chú ý, văn bản cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất (điều chỉnh đến năm 2020): Trong tổng diện tích trước khi hiến đất, tách thửa là 132,46 ha; điện tích được quy hoạch đất ở là 5,49ha, quy hoạch đất nông nghiệp là 126,97 ha. Diện tích hiến đất hình thành đường giao thông là 21,18 ha; diện tích còn lại tách thửa là 111,27 ha với số thửa được tách là 2.454 thửa.

Về quy mô diện tích của các trường hợp trước khi tách thửa gồm: Trên 10 ha là 1 trường hợp; từ 5 ha đến 10 ha là 3 trường hợp; từ 2 ha đến 5 ha là 12 trường hợp; từ 0,08 ha đến 02 ha là 99 trường hợp.

Về việc chuyển mục đích: UBND thành phố Bảo Lộc thực hiện hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Trong tổng số diện tích 111,27 ha đất tách thửa, có 13,52 ha đất đã được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc là cơ quan thực hiện hồ sơ, thủ tục về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ, gia đình. Các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển nhượng 648/2.454 thửa đất với diện tích khoảng 15,6 ha.

Tuy nhiên, qua kiểm tra ngẫu nhiên 16 trường hợp (có quy mô từ 2 ha trở lên) hiến đất hình thành đường giao thông để thực hiện việc tách thửa trên địa bàn, một số khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất ở đô thị chưa phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bảo Lộc năm 2008 hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, theo quy hoạch xây dựng là ưu tiên phát triển các khu công viên văn hóa lớn, khu vực sân golf hoặc đất nông nghiệp, không quy hoạch phát triển điểm dân cư tại các khu vực này.

Ngoài ra, theo bảng tổng hợp bổ sung một số nội dung liên quan đến các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều trường hợp đất giáo dục, đất quy hoạch nông thôn mới cũng bị băm nát để bán. Điển hình như bà Mai Thị Tuyền (số thửa đã chuyển nhượng 4), Nguyễn Thị Kiều Oanh (số thửa đã chuyển nhượng 18) theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới được ưu tiên là đất giáo dục. 

Hay trường hợp bà Nguyễn Thị Hoà (số thửa đã chuyển nhượng 44), Phùng Thị Nga (số thửa đã chuyển nhượng 27), Nguyễn Lê Trung (số thửa đã chuyển nhượng 25) theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới được ưu tiên là du lịch sinh thái.

Trường hợp ông Đỗ Viết Thức (số thửa đã chuyển nhượng 17) theo quy hoạch xây dựng nông thông mới được ưu tiên là xây dựng nhà văn hoá. Trường hợp ông Nguyễn Việt Chương (số thửa đã chuyển nhượng 15), ông Vũ Văn Toàn (số thửa đã chuyển nhượng 63), Phạm Thị Tâm (số thửa đã chuyển nhượng 0), Hà Quang Nho (số thửa đã chuyển nhượng 12), Lê Thị Mỹ Hạnh (số thửa đã chuyển nhượng 14) theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị là là đất sân golf.

Trường hợp ông Đinh Quang Hiến (số thửa đã chuyển nhượng 17), Bùi Anh Tuấn (số thửa đã chuyển nhượng 11), bà Nguyễn Thị Nga (số thửa đã chuyển nhượng 20) theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị là đất cây xanh.

Bảng tổng hợp bổ sung một số nội dung liên quan đến các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn tỉnh TP Bảo Lộc và Huyện Bảo Lâm

Bên cạnh đó, qua kết quả kiểm tra việc thực hiện tách thửa, chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, tổ kiểm tra, rà soát cho biết, sau khi các hộ có đơn xin hiến đất hình thành đường giao thông và hồ sơ đề nghị tách hợp thửa, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc thực hiện các thủ tục đo vẽ, lập hồ sơ trình Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng thẩm định, trình Sở Tài nguyên - Môi trường ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó đã thể hiện đường giao thông tại khu vực. Việc hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc chủ yếu thực hiện từ các năm 2018 đến đầu năm 2021 (trước khi Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh có hiệu lực).

Các cơ quan chức năng căn cứ quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt (tại Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng); quy định về tách thửa theo Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh ban hành quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Quy định lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với nhà ở, công trình riêng lẻ trên địa bàn các phường thuộc thành phố Bảo Lộc được ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐÐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Bảo Lộc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 để giải quyết các hồ sơ mở đường, tách thửa với kết quả như sau: Các hộ gia đình, cá nhân thực hiện song song việc thực hiện đăng ký biến động đối với diện tích hiến đất làm đường giao thông và thực hiện tách thửa đất. Qua rà soát cho thấy, tại những khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất ở thì các thửa đất được tách sổ riêng với diện tích từ 96,5 m2 trở lên; tại các khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích các thửa được tách lớn hơn 500 m2.

Điểm nóng phân lô đầu tiên thừa nhận “hiến đất làm đường” trái Luật Đất đai

Như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Điểm nóng phân lô đầu tiên đã thừa nhận “hiến đất làm đường” trái Luật Đất đai, kết luận kiểm tra Công tác tham mưu hiến đất làm đường và cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn huyện Lâm Hà, cho biết, thời gian qua, trước nhu cầu người dân xin mở đường nhằm phục vụ nhu cầu làm đường đi chung, sản xuất nông nghiệp và thuận lợi cho việc sử dụng đất của cộng đồng dân cư trong khu vực, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KTHT) đã tham mưu cho UBND huyện triển khai. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại nhiều hạn chế.

Có 35/43 trường hợp người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích nhu cầu thực tế “xin phép mở đường đi để đủ điều kiện được tách thửa”, trong khi báo cáo lại thể hiện “người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích mở đường đi chung cho cộng đồng dân cư...”. Đây là phản ánh chưa chính xác, chưa đúng với thực tế. Sau khi được UBND huyện chấp thuận chủ trương cho mở đường, người dân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường, tự thiết kế, lập bản vẽ phân lô để rao bán và hình thành một số điểm dân cư mới tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.

Đáng nói, 7/43 vị trí xin mở đường đi “thuộc quy hoạch đất ở” theo báo cáo thẩm tra của Phòng KTHT là chưa đúng, vì chỉ có một phần nhỏ thuộc quy hoạch đất ở, còn lại đa số diện tích thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, hoặc toàn bộ thửa đất thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thị sát tại "dự án" The Tropicana Garden gần 100 căn biệt thự do cá nhân đầu tư mà không thành lập doanh nghiệp. Việc tham mưu cho UBND huyện chấp thuận chủ trương cho người sử dụng đất tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để đủ điều kiện tách thửa là chưa đảm bảo quy định về chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thị sát tại "dự án" The Tropicana Garden gần 100 căn biệt thự do cá nhân đầu tư mà không thành lập doanh nghiệp

Tại huyện Bảo Lâm, Chủ tịch huyện Nguyễn Ngọc Nhi cũng thừa nhận hiến đất làm đường sai quy định. Thông tin đã được Reatimes phản ánh qua bài Lâm Đồng: Phó Chủ tịch huyện khen kinh tế phân lô, Chủ tịch thừa nhận sai phạm, ngày 23/12/2021, báo địa phương cho biết, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bảo Lâm về một số vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đất đai, xây dựng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đã báo cáo công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, thời gian qua địa phương đã để xảy ra những sai phạm, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh. Trong đó, tập trung vào các vụ việc hiến đất mở đường sai quy định và tình trạng xây dựng các dự án bất động sản không phép xảy ra tại một số địa phương như Lộc Tân, Lộc Quảng, B’Lá và Lộc An... Trong khi đó, ông Trần Văn Hiệp nhấn mạnh, trước những tồn tại, vướng mắc đã xảy ra trên lĩnh vực đất đai, xây dựng là không thể phủ nhận và trách nhiệm thuộc về vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu địa phương; cùng với đó, là trách nhiệm của một số sở, ngành liên quan.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tại buổi làm việc với huyện Bảo Lâm

Điểm nóng phân lô tiếp tục bao che sai phạm, chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng như "nước đổ đầu vịt"?

Như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng lấy danh nghĩa “tôn chỉ mục đích” để bưng bít thông tin?, huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương đang có dấu hiệu bao che cho sai phạm, lợi ích nhóm, làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong vấn đề cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí. Cụ thể, ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.

Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa công bố kết luận. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”.

Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án ở huyện Lâm Hà, The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít. Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top