Ngày 11/3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 1567/UBND-QH về việc tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng, và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ông Trần Văn Hiệp ký.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8232/KH-UBND ngày 15/11/2021 về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, theo dõi; đến nay nhiều sở, ngành và địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng sau quy hoạch chưa đạt hiệu quả, tình trạng xây dựng công trình không phép, trái phép, sai quy hoạch, xây dựng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tự xây dựng đường giao thông trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền trái quy định.
Do đó, để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, hành lang an toàn đường bộ và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 8232/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 16/12/2020 và Văn bản số 2976/UBND-GT ngày 12/5/2021 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đô thị, nâng cao ý thức của người dân về trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ chức phát động tháng cao điểm (từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/4/2022) tuyên truyền, vận động người dân (trước hết, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu) tự giác chấp hành việc tháo đỡ, khắc phục vi phạm đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới lấn chiếm lòng, lề đường, lộ giới. Sau đó, chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các hệ thống đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn) để tổ chức giải toả hoặc cưỡng chế giải toả, tổ chức cắm lại mốc lộ giới, khoảng lùi xây dựng theo quy định và theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Sau đợt thực hiện cao điểm, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp và quy hoạch đã được phê duyệt; tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện làm phát sinh cơ chế “xin - cho” trong việc cấp giấy phép xây dựng; kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn (đặc biệt là xã, phường, thị trấn).
Song song đó là thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn; chỉ đạo rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai giấy phép được cấp tại địa phương; các tổ chức, cá nhân môi giới xây dựng các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND còn yêu cầu thực hiện nghiêm việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chỉ tiết xây dựng; đồng thời, tổ chức cắm mốc giới quy hoạch tại thực địa theo quy định để mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch.
Hàng năm, tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trên địa bàn; xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Điểm nóng phân lô tiếp tục bao che sai phạm, chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng như "nước đổ đầu vịt"?
Như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng lấy danh nghĩa “tôn chỉ mục đích” để bưng bít thông tin?, huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương đang có dấu hiệu bao che cho sai phạm, lợi ích nhóm, làm trái chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong vấn đề cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí. Cụ thể, ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 1 năm qua vẫn chưa công bố kết luận. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”.
Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill ở huyện Lâm Hà, The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít. Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?