Aa

Lâm Đồng: Doanh nghiệp mua tài sản trên đất được giao luôn dự án không qua đấu giá

Thứ Năm, 21/04/2022 - 06:06

Công ty TNHH Nông trại My My được chuyển nhượng tài sản đã đầu tư trên đất thuộc dự án đã chấm dứt hoạt động đầu tư, đồng thời được hướng dẫn làm nghĩa vụ tài chính để thực hiện dự án mà không qua đấu giá.

Câu chuyện trên được hé lộ từ văn bản số 1448/UBND-LN ngày 8/3/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thống nhất chủ trương để Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles chuyển nhượng tài sản đã đầu tư trên đất thuộc dự án đã chấm dứt hoạt động đầu tư cho Công ty TNHH Nông trại My My. Văn bản này do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký.

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường tại Báo cáo số 16/BC-STNMT ngày 12/1/2022, về việc đề nghị chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Huỳnh Vũ (nay là Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles) chuyển nhượng tài sản trên đất thuê tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, lãnh đạo UBND tỉnh đã có nhiều ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương để Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles chuyển nhượng tài sản trên đất thuê do doanh nghiệp đã đầu tư thuộc dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái (dự án đã chấm dứt hoạt động đầu tư) cho Công ty TNHH Nông trại My My, như đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường tại báo cáo trên.

UBND tỉnh cũng giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xác định nghĩa vụ tài chính có liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản do Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles đã đầu tư trên đất thuê trả tiền hàng năm thuộc dự án và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); thông báo để Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles và Công ty TNHH Nông trại My My thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách theo quy định.

Đồng thời, tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan; Cục Thuế tỉnh làm việc với 2 doanh nghiệp nêu trên, rà soát lại giá trị chuyển nhượng tài sản và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đảm bảo phù hợp với thực tế của dự án, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles và Công ty TNHH Nông trại My My cũng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính có liên quan đến việc chuyển nhượng tải sản do Công ty TNHH Âu Lạc CH Miracles đã đầu tư trên đất thuê thuộc dự án và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định; đơn vị phải hoàn thành trước ngày 31/3/2022.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các nội dung khác có liên quan; Công ty TNHH Nông trại My My chủ động liên hệ với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để được hướng dẫn và thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng và các vấn đề khác để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

UBND huyện Đức Trọng được giao tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND xã Hiệp Thạnh phối hợp, hỗ trợ Công ty TNHH Nông trại My My thực hiện các hoạt động đầu tư dự án, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai tại dự án theo quy định.

Liên quan đến dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái, Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thì chủ rừng cho thuê là các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp. Đối tượng được thuê là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Các nguyên tắc cơ bản cho thuê môi trường rừng bao gồm: vừa đảm bảo thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, nhà nước. Việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt.

Ảnh minh hoạ

Trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “thủ phủ” của du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng, sau khi những chính sách của địa phương khuyến khích đầu tư loại hình du lịch mới mẻ này. Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp phải nhiều tranh cãi.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do các bên tự thỏa thuận, không thông qua đấu thầu, nếu không có cơ chế phù hợp thì rất dễ bị biến tướng thành các dạng tham nhũng tài sản công hoặc “chiếm dụng xanh” (green-grabbing).

“Một số chủ đầu tư sẽ nhân danh mục tiêu bảo tồn nhưng lại tập trung vào mục tiêu thương mại và lợi nhuận thay vì lợi ích công. Trong khi việc định giá môi trường rừng đặc dụng còn chưa hiệu quả, nếu không có cơ chế hợp tác – kinh doanh rõ ràng thì chủ đầu tư và chủ rừng rất dễ có “thỏa thuận ngầm” để thuê môi trường rừng giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực”, giáo sư Võ cho hay.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế tài chính, mở rộng các nguồn đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam vẫn lấy mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên làm trọng tâm. Điều quan trọng là xây dựng cơ chế phù hợp để các nguồn thu sẽ quay trở lại bảo tồn sinh thái.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top