Dựa quá nhiều vào đất trong thu ngân sách mà lơ là nhiều lĩnh vực tiềm năng khác nên địa phương nghèo vẫn hoàn nghèo là thực tế mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định ngày 22/7 và cho rằng cần xem đây là bài học từ đất.
Đến thời điểm này, thu ngân sách của Bình Định đã đạt gần 80% dự toán của năm (5.906 tỷ đồng), tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Bình Định đạt 54%, trong khi bình quân cả nước chỉ đạt 34%. Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 63,6% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, cao hơn tỷ lệ 50,1% của cả nước và hơn các tỉnh có điều kiện tương đồng trong khu vực.
Bên cạnh đó, Bình Định quan tâm phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao gia tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình từ 15 - 20 triệu/năm...
Nhiều điểm sáng như vậy, nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương này trong 6 tháng qua lại thấp hơn bình quân của cả nước khi đạt 6,7%. Các nguyên nhân được nhắc đến, là tăng trưởng kinh tế của địa phương chậm do những hạn chế về cải cách môi trường đầu tư, thủ tục kinh doanh.
Chỉ số PCI của năm 2018 xếp vị trí 20/63, tụt 2 bậc so với năm 2017, chỉ số PAPI từ vị trí thứ 7 tụt xuống vị trí 61/63 địa phương. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu địa phương cần cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử mạnh mẽ hơn để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn...
Dẫn trường hợp Đà Nẵng cách đây nhiều năm cũng phụ thuộc vào tiền sử dụng đất, nhưng hiện nay, thu từ đất của Đà Nẵng chỉ còn chiếm 16% trong tổng thu ngân sách, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thu ngân sách trên địa bàn vẫn tăng lên nhờ các nguồn thu từ dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và cách quản lý hiệu quả các nguồn thu này. Tương tự là Nha Trang (Khánh Hòa)...
"Nói vậy để thấy Đà Nẵng hay Nha Trang (Khánh Hòa) là bài học quan trọng cho Bình Định vốn có nhiều lợi thế về phát triển dịch vụ, du lịch", ông Huệ nói, "Cần thoát ly tư tưởng thụ động dựa như hoàn toàn vào đất để có thu. Linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong phát triển kinh tế địa phương, như việc bắt tay ngay vào việc xây dựng đề án phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng sản phẩm du lịch, gắn du lịch biển với du lịch nông thôn, đặc biệt là hệ thống di tích văn hóa lịch sử tháp Chăm trên địa bàn".
Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực của Bình Định phát triển mạnh mẽ, như lĩnh vực du lịch, nhưng thu ngân sách lại vẫn chỉ dựa chủ yếu từ đất khiến tỉnh này cứ loay hoay trong ngưỡng cận nghèo.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, qua hơn nửa chặng đường của năm 2019, du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, với 2,6 triệu lượt khách tới Bình Định, tăng 22%, trong đó khách quốc tế tăng mạnh tới 49,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 220.000 lượt.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhận định, là địa phương nằm trong vùng trọng điểm du lịch, từ năm 2016 tới 2018, Bình Định đã thu hút 14.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng du lịch và tạo ra cơ hội phát triển cho ngành này ở Bình Định trong thời gian tới.
Ông Tùng khẳng định, phát triển du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tạo việc làm, an sinh xã hội ở địa phương. Vì vậy, Bình Định cần đặc biệt quan tâm tới đào tạo nhân lực chất lượng cao trong du lịch khi đội ngũ này còn yếu và thiếu, đồng thời đa dạng các sản phẩm du lịch.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, trong gần 6.000 tỷ đồng thu ngân sách của tỉnh thì số thu từ tiền sử dụng đất đã chiếm hơn một nửa nên thu ngân sách cũng như phát triển kinh tế của Bình Định khó bền vững.
Ông Trung cũng nêu, hiện nay một số địa phương có xu hướng tập trung khai thác quỹ đất để có nguồn lực đầu tư nhưng vấn đề này có hai mặt, lợi trước mắt nhưng lâu dài thì bất cập. Như Bình Định quỹ đất hạn hẹp, không còn nhiều, nhất là đất ven biển. Nếu quy hoạch, khai thác không hợp lý thì sẽ không thể phát triển bền vững.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nói, "Bình Định có nhiều lợi thế về tự nhiên, giao thông nhưng vẫn là một tỉnh "cận nghèo". Bình Định nên tập trung phát triển du lịch biển, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khu vực nông thôn sẽ tạo ra nguồn thu bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Để địa phương phát triển bứt phá và cân đối được thu chi ngân sách thì Bình Định phải thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp trên nền tảng lợi thế về hạ tầng cảng biển và Khu kinh tế Nhơn Hội. Trong thu hút các doanh nghiệp, dự án công nghiệp phải có chọn lọc, không để thâm dụng tài nguyên, lao động và ảnh hưởng tới môi trường và ảnh hưởng tới phát triển du lịch".