Tại phiên thảo luận về quy hoạch đô thị, con đường của tương lai diễn ra tại Hội nghị Bất động sản IREC 2018, ông Soichrio Takamine, Phó Vụ trưởng, Ban Quy hoạch Đô thị, Cục Đô thị, Bộ Đất đai hạ tâng giao thông Nhật Bản đã có những chia sẻ về kinh nghiệm quy hoạch đô thị tại quốc gia mình. Theo ông, quy hoạch đô thị phải tuân theo sự phát triển của xã hội, tức là phải có sự hài hòa giữa một bên là sự phát triển của đô thị và một bên là sự phát triển của xã hội.
“Xét từ góc độ quy hoạch đô thị thì ở Nhật Bản, dân số đang phát triển ngày càng nhanh và chúng tôi đặt ra yêu cầu quy hoạch phải đảm bảo yếu tố môi trường với tầm nhìn dài hơi, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, trong quy hoạch, Nhật Bản chú trọng yếu tố bảo tồn và kiểm soát tốt việc bảo tồn các khu đã được lập quy hoạch bảo tồn", ông Soichrio Takamine nhấn mạnh.
Một yếu tố quan trọng chi phối sự phát triển bền vững của đô thị tại Nhật Bản đó là chính quyền địa phương tuân thủ quy định rất tốt về quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Theo ông Takamine, để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân tại Nhật Bản được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án với quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định sử dụng đất bắt buộc. Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo nhưng vẫn tuân thủ theo các quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Chính quyền đô thị tại địa phương triển khai các hạng mục trong quy hoạch được duyệt phù hợp với phân công về quản lý của Nhà nước. Hạ tầng đường sá với ít nhất 4 làn xe, các dự án cải tạo nâng cấp khu dân cư đô thị có quy mô ít nhất 50ha do cấp tỉnh quản lý.
Bên cạnh đó, theo ông Takamine, đô thị ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Với tầm nhìn dài hơi, Nhật Bản luôn xem trọng ứng dụng công nghệ quản lý tốt hạ tầng, tăng cường kết nối các mạng lưới, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng. Do đó, dù chịu nhiều thiên tai, hệ thống giao thông công cộng của Nhật cơ bản khắc phục nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch hướng tới sự phát triển bền vững nhất thiết phải có sự kiểm soát rất tốt giữa các không gian thuộc quản lý của khu vực công và khu vực tư nhân. Ông Takamine cho biết, tại Nhật Bản đã có cơ quan thẩm quyền giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, Nhật Bản còn chú trọng phát triển các hình thức kinh tế mới chẳng hạn như kinh tế chia sẻ, để tận dụng một cách tối đa các nguồn lực để phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, đồng thời giúp cho người dân có cuộc sống thoải mái hơn.
Hơn nữa, trước thực tế dân số ngày càng già hóa và những thay đổi trong sự phát triển xã hội, quy hoạch đô thị cũng phải linh hoạt thay đổi theo: “Điều mà chúng ta cũng phải tính đến là việc có những thay đổi trong thiết kế và quy hoạch đô thị trong tương lai bằng việc duy trì điều kiện tốt nhất của hạ tầng hiện tại đồng thời phải phát huy tối ưu cái công năng của nó trong tương lai”, ông Soichrio Takamine nhấn mạnh.
Một điểm đáng học hỏi nữa trong quy hoạch đô thị của Nhật Bản đó là việc phổ biến rộng rãi trước công chúng sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Mục đích của việc này là để các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng với quy hoạch đã đề ra. Có như vậy, quy hoạch đô thị mới có sự bền vững, hướng tới sự phát triển lâu dài trong tương lai./.