Aa

Bài 3: Bài học về quản lý trong việc xử lý sai phạm nhìn từ Công ty Mạnh Đức

Thứ Hai, 15/05/2023 - 13:55

Đẩy nhanh việc thanh kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại của người dân đồng thời đưa ra kết luận rõ ràng, sớm nhất là giải pháp mà chuyên gia đề xuất đối với dự án phát triển kinh tế “biến tướng”.

Lời toà soạn: 

Ngày 1/11/2021, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) chính thức trở thành TP. Từ Sơn. Là cửa ngõ của tỉnh Bắc Ninh và là trung tâm thứ hai về hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dịch vụ của tỉnh, TP. Từ Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong hành trình chuyển mình lên thành phố, Từ Sơn đã có chính sách phát triển sáng tạo, góp phần tạo ra sự đổi thay đáng kể trong đời sống – xã hội – kinh tế. Thế nhưng, cũng trong hành trình đó, đã có những dự án ra đời, song hành cùng tiến trình chuyển mình của Từ Sơn, đến nay vẫn còn là sự nhức nhối khi những lá đơn khởi kiện của người dân vẫn bỏ ngỏ. Đâu là khởi nguồn của những lá đơn? Đâu là bài học sau giai đoạn phát triển các dự án kinh tế tại Từ Sơn?

Theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, kinh tế của thị xã Từ Sơn liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đặc biệt là địa bàn các xã phường khu vực 2 bờ kênh Ngũ Huyện Khê, nơi tập trung các làng nghề truyền thống.

 Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ trương thu hồi một phần diện tích đất tại các xã, phường: Hương Mạc, Phù Khê, Châu Khê, Đồng Kỵ và giao khu đất này cho các chủ đầu tư thuê để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án kinh doanh khu dịch vụ thương mại và làng nghề.

Thế nhưng, trong quá trình phát triển hơn 1 thập kỷ qua, có nhiều dự án phát triển kinh tế đã và đang để lại “vết sạn” khi lá đơn của người dân vẫn được gửi tới cơ quan chức năng để chờ làm sáng tỏ “đen – trắng”. Trong phạm vi tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá, Reatimes đăng tải tuyến bài Khi dự án phát triển kinh tế biến tướng: Nhìn từ câu chuyện phát triển của TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) nhằm khảo sát, đánh giá lại thực trạng phát triển một số dự án kinh tế trên địa bàn, trên cơ sở đó rút ra bài học, đồng thời đề xuất giải pháp đóng góp cho quá trình trình phát triển của TP. Từ Sơn.

Đẩy nhanh việc thanh kiểm tra, xử lý đơn khiếu nạn của người dân đồng thời đưa ra kết luận rõ ràng, sớm nhất là giải pháp mà chuyên gia đề xuất đối với dự án phát triển kinh tế “biến tướng”. Với tinh thần “không hợp thức hoá sai phạm”, tạo minh bạch cho thị trường và gây dựng niềm tin của người dân vào pháp luật là điều cần làm trong bối cảnh hiện nay.

Bất cập “nóng” từ dự án phát triển kinh tế “biến tướng”

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi trốn thuế, tự ý điều chỉnh quy hoạch và xây dựng không theo quy hoạch… là những phản ánh từ đơn tố cáo cũng như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Đắc Phương, Đàm Tiến Dũng… - những hộ dân của phường Hương Mạc, TP. Từ Sơn về dự án hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề Phù Khê - Hương Mạc của Công ty Mạnh Đức. Đến hiện tại, những sai phạm của dự án này và chủ đầu tư có liên quan vẫn đang được xác minh và xử lý.

Mạnh Đức
Khách hàng của Công ty Mạnh Đức vẫn 'miệt mài" đi tìm công lý. (Ảnh: Người dân cung cấp)

Song, từ dữ liệu thu thập và khảo sát, dưới đây là một số vấn đề bất cập chính đưa ra.

Thứ nhất, rõ ràng rằng, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề Phù Khê – Hương Mạc nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của TP. Từ Sơn. Nhưng đến nay, với khảo sát thực tế cũng như phản ánh của người dân, quy hoạch hạ tầng đã có rất nhiều thay đổi. Bức tranh về khu làng nghề phát triển với công viên, bến xe như bản quy hoạch giai đoạn 2012-2013 đã không trở thành hiện thực.

Thậm chí, trong Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 Hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề Phù Khê – Hương Mạc. Trong Điều 2 quy định: Nghiêm cấm chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp sử dụng đất với hình thức nhà ở. Nhưng thực tế, nhiều lô đất được xây dựng nhà khang trang. Điều đáng nói, khi xây dựng nhà ở, những người dân này “mặc định” vẫn có thể dùng cho mục đích để ở.

Thứ hai, theo phản ánh của người dân, họ đã có tới hơn 40 lần gửi đơn đến cơ quan chức năng trong khoảng thời gian kéo dài 4 - 5 năm nhưng đến nay, vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Mới đây nhất, ngày 12/4, UBND thành phố Từ Sơn mới chính thức có trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Yên và một số công dân cư trú tại phường Hương Mạc, Phù Khê.

Theo đó, UBND thành phố Từ Sơn còn cho rằng: “Việc một số công dân phản ánh Công ty Mạnh Đức triển khai dự án chưa thực hiện đúng quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là có cơ sở”.

Xác nhận của UBND thành phố Từ Sơn cho rằng, phản án của người dân là có “cơ sở”. Điều này cho thấy trách nhiệm của UBND thành phố Từ Sơn trong việc quản lý quy hoạch dự án khi để tình trạng phá vỡ quy hoạch kéo dài. Phải đến khi người dân có đơn phản ánh mới đưa ra kết luận.

Như vậy, có thể thấy, về hiệu quả kinh tế, dù chưa có số chính xác đo đếm tác động của dự án đến đóng góp vào phát triển kinh tế. Song nhìn ở góc độ phản ánh của người dân và thực tế, dự án đã đi chệch mục tiêu ban đầu.

Về xã hội, dự án đã phát sinh khiếu kiện của hàng chục hộ dân, trong nhiều năm, khiến cho nhiều người dân bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào quá trình thanh tra, xử lý của một số cơ quan chức năng. Bởi vì thiếu tin tưởng nên những người dân đã gửi đơn đến các cấp Trung ương. Chưa kể, quá trình kéo dài xử lý đơn khiếu kiện cũng khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật.

Bài học và giải pháp

Không đạt được mục tiêu kinh tế đề ra, nảy sinh bất ổn bằng lá đơn khởi kiện… là hệ luỵ của sự phát triển những dự án kinh tế “biến tướng” mà đơn cử là dự án của Công ty Mạnh Đức. Điều đó cũng cho cho thấy sự lãng phí về tài nguyên đất, bất ổn trong quản lý, thanh tra và giám sát của cơ quan quản lý chức năng trong việc để doanh nghiệp tư nhân “tự xoay chiều gió” cho dự án.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân từng thẳng thắn nói: “Nhiều mảnh đất công đem cho tư nhân thuê và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau sẽ tạo ra một sự lộn xộn trong phát triển. Mặt khác, đất công do Nhà nước cho thuê lại với giá rất thấp nhưng chậm triển khai dự án, dẫn đến lãng phí hoặc rơi vào tay tư nhân. Thậm chí dẫn đến sự bất bình cho những người dân trước bị thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng rồi lại không thấy dự án đâu. Chính sự bất bình đó sẽ làm mất đi sự tin tưởng của người dân và sẽ khó khăn trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án khác sau này”.

Cũng theo GS.TS. Hoàng Văn Cường: “Việc thanh tra là nên làm, cần thiết nhưng cần phải đi đúng hướng, đúng mục đích, đúng đối tượng, năng lực của nhà phát triển để đưa ra hiệu quả tốt nhất cho người dân và cho toàn xã hội”.

Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, với dự án có dấu hiệu sai phạm, cần hết là sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng. Cần có hạn mức thời gian rõ ràng để chỉ rõ sai phạm hiện hữu, các vấn đề cần xử lý đồng thời có thông báo rõ ràng.

Đặc biệt, tinh thần không hợp thức hoá sai phạm được đưa ra từ những người lãnh đạo Chính phủ. Trước đó, trong Thông báo số 133, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhấn mạnh lại về “tinh thần không hợp thức hoá sai phạm” trong các dự án địa ốc.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, những lỗ hổng trong pháp luật đã khiến nhiều dự án trước đó không thông qua đấu giá mà chỉ định hoặc dựa trên đề xuất của doanh nghiệp. Thế nên, việc sửa đổi các lỗ hổng trong quy phạm pháp luật của Luật Đất đai và các bộ luật có liên quan cần đẩy mạnh. Cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top