Aa

Bài toán "khát vốn" và những chiếc “bánh vẽ” siêu lợi nhuận

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 06:01

Những “lá phổi xanh” của đô thị đang ngày càng thiếu hụt, không theo kịp tốc độ đô thị hóa, khi nơi bị “bê tông hóa”, nơi đắp chiếu bỏ hoang, có nơi lại biến tướng thành nhà hàng, quán nước…

Trong bài toán quy hoạch đô thị nhằm hướng tới sự phát triển bền vững không thể thiếu quy hoạch mảng xanh, hạ tầng xanh. Bởi yếu tố này có vai trò rất lớn trong việc điều hòa không khí, ngăn bụi, giảm tiếng ồn và nâng cao môi trường sống, chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị.

Dẫu vậy, sự phát triển của hạ tầng xanh lại đang đi ngược lại với nhu cầu của xã hội và tốc độ đô thị hóa khi hàng loạt dự án cây xanh mặt nước nhiều năm qua vẫn trong tình trạng bỏ hoang, đắp chiếu; nhiều dự án dù đã hoàn thiện nhưng không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn; nhiều dự án lại bị biến tướng thành ki-ốt, nhà hàng…

Trong khi đó, ở quanh những khu đất được quy hoạch xây dựng dự án công viên, hồ nước, lại mọc lên dày đặc hàng loạt cao ốc “ăn theo” quy hoạch, khiến cho không gian sống ở đô thị ngày càng ngột ngạt. Tất cả đang tạo nên một nghịch lý trong bài toán phát triển không gian xanh của đô thị, vẫn chưa tìm ra lời giải.

KHI ĐÔ THỊ "THÈM KHÁT" MẢNG XANH

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã có 17 ao hồ bị san lấp hoàn toàn, tổng diện tích mặt nước sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2.

Tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Và Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010), chỉ còn 460ha.

So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, hồ nước tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất thấp, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn của Liên Hợp quốc là 10 - 12m2/người và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

“Hà Nội trước kia vốn rất đẹp và thơ mộng nhưng ngày nay thì đang mất dần. Điều này cảnh báo chúng ta về không gian xanh đang bị thiếu trầm trọng và tính xanh của đô thị bị giảm đi rất nhiều. Chúng ta không xây dựng khu đô thị vệ tinh với tính toán quy hoạch thật chuẩn của một đô thị văn minh mà chúng ta lại “chui vào lõi để xây ra”, tập trung phát triển nhà cao tầng ở vùng lõi đô thị, nhưng lại không chú trọng đến việc phát triển mảng xanh tương ứng. Tới đây, hậu quả sẽ rất lớn, đô thị sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu hồ nước, công viên”, TS. KTS. Ngỗ Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.

f

Hiện trạng của công viên, hồ điều hòa Phùng Khong sau gần 3 năm triển khai. Ảnh: Trần Tiến.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có thể trồng thêm 1 triệu cây xanh và có thêm 20 - 25 công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… Đây là một định hướng đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mảng xanh của đô thị khi “cơn khát” đang dần lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế triển khai, lại thấy một sự thật đáng buồn là bên cạnh những hồ nước bị “bê tông hóa”, lại có những dự án thành phố chủ trương đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó có cả đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, qua nhiều năm thực hiện, đến nay vẫn chỉ là những… chiếc “bánh vẽ”, mặc cho người dân trông ngóng từng ngày.

Có thể điểm qua một số dự án như: Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính; dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt; dự án Công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội; dự án cải tạo hồ Linh Quang, dự án công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang; dự án khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông, dự án công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy… Những dự án này, có nơi vẫn là ao bèo và rác thải, có nơi vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, có nơi lại nhường chỗ cho các nhà hàng, quán ăn, bãi đỗ xe…

Chính những bất cập trong quy hoạch và quản lý đã dẫn đến một bức tranh về quy hoạch không gian xanh và hạ tầng đô thị không đồng đều, không gian xanh ngày càng thiếu hụt, chất lượng không đảm bảo. Đó là chưa kể đến những thất thoát lớn về nguồn lực đất đai, đặc biệt là những dự án triển khai theo hình thức hợp đồng BT.

NGHỊCH CẢNH XUẤT PHÁT TỪ BÀI TOÀN LỢI ÍCH

Chính quyền “khát” vốn để đầu tư xây dựng không gian xanh còn doanh nghiệp thì “khát” quỹ đất phát triển bất động sản để kinh doanh. Tưởng chừng như câu chuyện này sẽ được giải quyết một cách dễ dàng khi nhà nước đổi đất cho tư nhân để lấy vốn xây dựng hạ tầng thông qua các dựa án BT. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, do thiếu sự minh bạch nên các dự án BT chưa mang lại lợi ích tối đa trong việc phát triển hạ tầng xanh của thành phố.

“Thực tế, các dự án này đang đem lại “siêu lợi nhuận” cho nhà đầu tư nhờ hưởng chênh lệch địa tô cực lớn do đất thanh toán không được định giá, không thông qua đấu giá . Ngoài ra, còn có những “mập mờ” trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi phần lớn đều thông qua chỉ định thầu. Một số dự án công viên theo hình thức BT đang thực hiện dang dở do việc lựa chọn nhà đầu tư không đủ nguồn lực, hay thực hiện không hiệu quả gây lãng phí. Dẫn đến việc nhà nước bị thất thoát nguồn lực không nhỏ về đất đai”, TS. KTS. Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) khẳng định.

Theo ông Quảng, nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư các công trình hạ tầng xanh chưa hiệu quả, dẫn đến những thất thoát là bởi “miếng bánh lợi ích” có được từ việc đầu tư dự án công viên, hồ nước là quá lớn nên các bên liên quan đang chỉ chăm chú vào “miếng bánh” đó mà quên đi trách nhiệm phải xây dựng hạ tầng xanh để trả lại cho thành phố.

“Phải khẳng định rằng, các dự án bất động sản liền kề với những khu công viên cây xanh, mặt nước thì giá trị về đất đai, về nhà ở sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi những yếu tố cảnh quan môi trường, khí hậu hay nói cách khác là dự án đó đang có một vị trí đắc địa.

Chính vì thế mà các chủ đầu tư có dự án liền kề công viên thường vì lợi ích mà họ tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng xung quanh lên. Giả sử được phép xây dựng 30 tầng, nhưng người ta lại “cố” xin để xây lên 50 tầng chẳng hạn, hay khi phê duyệt dự án chỉ cho phép xây dựng với mật đô 50 - 60% thì lại xây lên 80% để bán được nhiều bất động sản hơn.

Vì cái lợi ích là quá lớn nên phát sinh nhiều mâu thuẫn trong các dự án hạ tầng xanh có nguồn vốn xã hội hóa. Hiện tại chưa có một chính sách, cơ chế nào buộc doanh nghiệp phải đóng góp hay trả tiền cho phần thụ hưởng đó nên doanh nghiệp cứ vô tư được hưởng lợi, hưởng phần chênh lệch giá trị bất động sản”, ông Quảng nhấn mạnh.

Phía trước Dự án Goldmark City là Công viên – Hồ điều hòa phía Bắc và mở rộng khu phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, quy mô hơn 15ha. Ảnh: Trần Tiến.

Phía trước Dự án Goldmark City là Công viên – Hồ điều hòa phía Bắc và mở rộng khu phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, quy mô hơn 15ha. Ảnh: Trần Tiến.

TS. KTS. Ngô Doãn Đức cho biết thêm: “Tất cả các dự án được duyệt đều ghi rõ thời hạn triển khai, nếu quá thời hạn doanh nghiệp không triển khai, thì cơ quan quản lý Nhà nước có quyền thu hồi dự án và thu hồi quy hoạch. Tuy nhiên, công tác quản lý của các cơ quan chuyên ngành còn bị buông lỏng, dẫn đến nhiều quy hoạch đã quá thời hạn triển khai vẫn vô tư tồn tại.

Nhà đầu tư vẫn chỉ nhăm nhe xây dựng nhà ở vào chỗ đất trống kiếm lợi. Còn việc xây dựng công viên, hồ nước và diện tích mảng xanh trong dự án lại được triển khai rất ì ạch, thậm chí là “bỏ quên”. Và một điều lạ là Hà Nội đang dễ dàng quá mức trong việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược, là gia tăng mật độ, gia tăng diện tích xây nhà cao tầng và cắt giảm diện tích không gian xanh, hồ nước, trong khi lẽ ra phải điều chỉnh theo hướng giảm. Đó là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp”.

Theo các chuyên gia quy hoạch, việc xã hội hóa không gian xanh vốn dĩ rất tốt và cần được khuyến khích nhưng thực tế, sự buông lỏng quản lý và sự dễ dãi trong việc chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi quy hoạch ban đầu chính là nguyên nhân dẫn đến những bất cập hiện có.

“Nên xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng công viên, hồ nước nhưng không nhất thiết phải “trải thảm đỏ” để mời các nhà đầu tư vào đầu tư xã hội hóa sau đó để họ làm mưa làm gió, thậm chí tự làm quy hoạch theo ý mình mà cần phải có sự điều tiết của quy hoạch tổng thể đã được chính quyền đô thị phê duyệt”, TS. KTS. Trương Văn Quảng nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top