Aa

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc mặt bằng các dự án truyền tải tại Đồng Nai

Thứ Tư, 10/08/2022 - 17:47

EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đưa các dự án trên vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để quan tâm hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thành lập tổ công tác, để đóng điện các dự án đúng tiến độ...

Ngày 9/8/2022, tại Đồng Nai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Phạm Lê Phú đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Cao Tiến Dũng bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặ bằng (BT-GPMB) đối với các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh.

Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, kiêm giám đốc SPMB Trương Hữu Thành báo cáo tại buổi làm việc.

Tham gia đoàn công tác có ông Nguyễn Ngọc Tân – Thành viên HĐTV EVNNPT, ông Trương Hữu Thành – Phó Tổng giám đốc EVNNPT kiêm Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB), lãnh đạo các Ban chuyên môn của EVNNPT.

Về phía UBND tỉnh Đồng Nai có đại diện các Sở Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương liên.

4 dự án cấp bách cần sớm tháo gỡ mặt bằng

Ông Trương Hữu Thành – Phó Tổng giám đốc EVNNPT kiêm Giám đốc SPMB cho biết: Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai, EVN/EVNNPT đang đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng để triển khai các dự án truyền tải điện trên địa bàn. Trong đó có 4 dự án cấp bách phải hoàn thành đóng điện trong năm 2022.

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú nêu các kiến nghị tại buổi làm việc.

Trong đó đường dây 500kV Long Thành – rẽ Phú Mỹ - Sông Mây (theo kế hoạch đóng điện tháng 9/2022). Chiều dài toàn tuyến 16,4 km, gồm 45 vị trí móng. Đến nay, huyện Trảng Bom đã bàn giao mặt bằng thi công được 18/20 vị trí móng và còn nhiều vướng mắc ở hành lang tuyến. Tại huyện Long Thành đã bàn giao 25/25 vị trí móng nhưng 11 hộ dân ở xã Bình An đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn cản trở không cho kéo dây.

Trạm biến áp 500kV Long Thành và các đường dây đấu nối (theo kế hoạch đóng điện tháng 9/2022), đến nay đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trạm biến áp. Phần đường dây 220kV đấu nối đã vận động bàn giao 41/56 vị trí trụ.

Trạm biến áp 220kV Tam Phước (theo kế hoạch đóng điện tháng 11/2022). Đến nay UBND thành phố Biên Hòa mới phê duyệt phương án bồi thường 2/18 hộ, hiện còn 16 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường. Đối với 3 vị trí đường dây đấu nối còn lại (03 hộ) và phần diện tích hành lang ảnh hưởng (07 hộ) UBND thành phố Biên Hòa chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Đường dây 220kV Sông Mây – Tam Phước gồm 40 vị trí móng có chiều dài 13,67 km qua địa bàn thành phố Biên Hòa (29 vị trí móng) và huyện Trảng Bom (11 vị trí móng). Theo kế hoạch, dự án đóng điện tháng 11/2022, tuy nhiên đến nay dự án vẫn còn nhiều vướng mắc vị trí móng trụ và hành lang tuyến ở cả 2 địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Cao Tiến Dũng (ảnh phải) và Tổng Giám đốc EVNNPT – Phạm Lê Phú.

Để đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, EVNNPT đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một loạt các dự án khác để đẩy nhanh thi công trong thời gian tới như: Trạm biến áp 220kV Định Quán; Kéo dây mạch 2 đường dây 220kV Bảo Lộc - Sông Mây; Đường dây 220kV đấu nối Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - TBA 500kV Long Thành, Trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Nhơn Trạch và đường dây đấu nối, Đường dây 500kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 - rẽ Phú Mỹ - Nhà Bè.

Ngoài ra EVNNPT đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn tỉnh gồm: Đường dây 220kV TBA 500kV Long Thành - Công nghệ cao; Trạm 500kV Bắc Châu Đức và đấu nối; Trạm 500kV Đồng Nai 2 và đấu nối; Trạm biến áp 220kV Thống Nhất và đường dây đấu nối.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương

Tại buổi làm việc, ông Phạm Lê Phú – Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết: Các dự án truyền tải điện trên nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung và đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Đồng Nai nói riêng. Chính vì vậy, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đưa các dự án trên vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để quan tâm hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thành lập tổ công tác, để đóng điện các dự án đúng tiến độ đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo EVNNPT.

Trong đó cần tập trung vào cuộc quyết liệt để bàn giao mặt bằng Đường dây 500kV Long Thành – rẽ Phú Mỹ - Sông Mây, các đường dây đấu nối của trạm biến áp 500kV Long Thành trong tháng 8/2022. Đối với trạm biến áp 220kV Tam Phước và đường dây 220kV Sông Mây – Tam Phước hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 9/2022 để các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Đối với Trạm biến áp 220kV An Phước mặc dù đã đóng điện tháng 6/2022, nhưng đến nay chưa hoàn tất đường vào trạm để phục vụ vận hành. EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương giải quyết những vướng mắc còn lại để EVNNPT hoàn thành dự án.

Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, lãnh đạo EVNNPT kiến nghị các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai sớm thông qua phương án vị trí TBA và hướng tuyến đường dây đấu nối, làm cơ sở để UBND tỉnh chấp thuận. UBND các huyện có dự án đi qua bố trí quỹ đất đồng thời giúp bổ sung quy hoạch sử dụng đất năng lượng cấp huyện.

Thi công đường dây 500kV Long Thành – rẽ Phú Mỹ - Sông Mây.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Cao Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của EVNNPT/SPMB trong thời gian qua đã bám sát các sở, ngành, địa phương của tỉnh Đồng Nai để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác BT-GPMB. Qua báo cáo có thể thấy EVNNPT đã rất chủ động trong việc đầu tư các dự án điện trên địa bàn tỉnh để đảm bảo “điện đi trước một bước”. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phát triển nhiều khu công nghiệp, các dự án lớn như sân bay Long Thành, cụm cảng Nhơn Trạch... chính vì vậy việc đầu tư các dự án truyền tải điện có ý nghĩa rất quan trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần vào cuộc quyết liệt để sớm tháo gỡ mặt bằng 4 dự án cấp bách phải hoàn thành trong năm 2022 đúng tiến độ theo kiến nghị của EVNNPT. Đối với các dự án đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, các sở ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành mặt bằng cho chủ đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top