Nên nhìn bằng con mắt “thị trường”
Theo ông Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo, Trường Quản trị và Chính sách, Đại học Fulbright, nếu tìm trên Google, thông tin về việc mua bán nhà trên giấy rất nhiều nhưng có vẻ như là các thông tin đều nhìn việc mua bán này một cách rất tiêu cực. Ông Du nhấn mạnh rằng, mua bán nhà hình thành trong tương lai là một sản phẩm bình thường phát sinh từ cơ chế thị trường lành mạnh với những cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của mình nhưng lại tạo ra phúc lợi tối ưu cho cả nền kinh tế.
“Những người đi mua nhà trên giấy họ xem đó là một khoản đầu tư, mục tiêu của họ là suất sinh lợi. Do vậy, việc bán nhà trên giấy thực ra là một cơ chế góp vốn lành mạnh để tạo ra các sản phẩm bất động sản, đó là một cơ chế để đầu tư và tạo ra thêm cơ hội để đầu tư”, ông Du nói.
Vị này cũng cho rằng, khi đầu tư bất kỳ một sản phẩm tài chính nào thì luôn đi kèm với rủi ro. Chính vì thế mà không vì một vài trường hợp rủi ro xảy ra mà cấm hay phá bỏ nó. Thay vào đó, cơ quan chức năng cần khuyến khích phương thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai như một kênh đầu tư lành mạnh. Nếu lo ngại xảy ra rủi ro như những trường hợp trong quá khứ thì Nhà nước nên tạo cơ chế để có môi trường kinh doanh minh bạch và xử lý triệt để các trường hợp sai phạm.
Cùng chung quan điểm này, Tiến Sĩ Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng việc mua bán nhà hình thành trong tương lai giúp hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có quy định rất rõ về việc này nên ở góc độ pháp luật thì việc mua bán nhà hình thành trong tương lai là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Dù đã có quy định rõ ràng, song ông Tín cũng lưu ý người mua nhà cần lựa chọn dự án tốt để tránh rủi ro. Rủi ro ở đây chủ yếu là tính pháp lý của dự án và uy tín của chủ đầu tư. Do vậy, người mua cần phải chú trọng hai yếu tố này.
Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, muốn mua nhà ở hình thành trong tương lai có rất nhiều cách để tìm hiểu chứ không nhất thiết lợi nhuận cao thì rủi ro cao, không phải dự án nào cũng có rủi ro mà vấn đề là góc độ nhà đầu tư phân tích nó như thế nào, ông Tín nói.
Những con sâu làm rầu nồi canh
Đã có một số chủ đầu tư lợi dụng hình thức bán nhà trên giấy để huy động vốn nhưng không bàn giao nhà cho khách hàng. Tại TP.HCM, đình đám nhất có thể là câu chuyện tại dự án Petrovietnam Landmark (quận 2) do PVC Land làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2009 nhưng sau đó lại đứng im mặc dù đã thực hiện được khoảng 80% tiến độ. Hàng trăm khách hàng đã đóng trên 90% giá trị căn hộ nhưng suốt nhiều năm liền không nhận được nhà. Câu chuyên tương tự cũng xảy ra với hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án 584 Lilama SHB Building (Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú).
Ngoài những dự án trên thì cuộc chiến đòi nhà cũng diễn ra tại nhiều dự án khác như Cao ốc xanh, dự án Gia Phú hay Happy Plaza…Việc này đã mang đến những hậu quả nghiêm trong cho thị trường, khiến việc bán nhà trên giấy bị nhìn dưới góc nhìn tiêu cực, thậm chí đã có ý kiến đề xuất cấm hẳn hình thức này.