Aa

Bán nợ xấu: Ngân hàng lo BĐS thế chấp bị định giá thấp, "khoảng tối" phía sau lại bị đánh giá cao

Thứ Sáu, 27/10/2017 - 23:31

Khi những khoản nợ "khủng" liên quan đến bất động sản được công bố, dư luận không khỏi đặt nghi vấn về những "khoảng tối" chưa được tiết lộ. Nhất là sau khi BIDV và Agribank... bán công khai các khoản nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản.

Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 8/2017, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng; tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thúc đẩy xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, 06 ngân hàng gồm: ACB, BIDV, Vietinbank, Sacombank, Agribank và Techcombank được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Ngay sau khi Nghị quyết 42 được thông qua, nhiều khoản nợ xấu đã được ngân hàng, VAMC mua lại từ các ngân hàng đã được công bố sẽ công khai bán đấu giá. Các chuyên gia được hỏi đều đồng tình rằng đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường dần minh bạch, nợ xấu ngân hàng sẽ nhanh chóng được giải quyết một cách quyết liệt hơn. Tuy nhiên, song song với đó, khi những khoản nợ xấu khủng liên quan đến bất động sản dần được "phơi dưới ánh sáng", dư luận không khỏi đặt nghi vấn về những khoảng tối chưa được tiết lộ. Nhất là sau khi BIDV và Agribank... công bố bán công khai nợ xấu bất động sản.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong xung quanh câu chuyện này. 

PV: Khi ngân hàng lớn công khai bán nợ xấu đã gây sốc cho thị trường. Mừng vì sự minh bạch, nhưng lại lo bởi những khoảng tối khủng khiếp hơn. Nếu “nghĩ cho” ngân hàng, theo ông nên mừng hay lo?

TS Nguyễn Minh Phong: Quy định về cho phép đấu giá công khai nợ xấu là quy định tốt, đúng nguyên tắc thị trường. Nợ xấu khi được công khai đấu giá là điều nên mừng vì từ đó thị trường sẽ minh bạch hơn. Tôi cho rằng, khi thông tin nợ xấu bị lộ ra sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế, chỉ có điều các ngân hàng cần kiểm soát tốt thông tin để không gây tác động đến chính mình. 

Thực ra, trước đây nhiều ngân hàng không muốn bán nợ xấu một phần do sợ lộ khoản nợ xấu khổng lồ. Nhưng việc đoán định đằng sau những khoản nợ còn những khoảng tối nữa đã xuất hiện trong tư duy logic của nhiều người. Và đến nay, khi công khai thông tin lộ ra chủ nợ và con nợ vẫn khiến thị trường sốc.

Ví dụ khi phát hiện ra khoản nợ xấu khủng của ngân hàng thì đó là nguồn tin xấu. Dư luận sẽ đồn đoán rằng, các ngân hàng nợ rất nhiều, có thể sập đến nơi, ngân hàng này đổ vỡ thì ngân hàng kia ngã theo do sở hữu chéo lớn... Tóm lại không tránh khỏi làn sóng lo lắng trong xã hội. Trường hợp xấu là toàn hệ thống khi đó sẽ xảy ra rúng động, lúc đó sẽ khó kiểm soát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Trấn an dư luận và để ngân hàng công khai bán nợ không rơi vào thế "ngồi trên đống lửa", liệu có giải pháp không thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Ngân hàng Nhà nước có lẽ nên bổ sung thêm một giải pháp nữa, tức là Ngân hàng Nhà nước kết hợp với kiểm toán, thanh tra đánh giá lại việc đấu giá xem tính đúng tính đủ hay chưa. Nếu khoản nợ quá lớn nhạy cảm thì phải tìm phương án cụ thể hơn. Nếu khoản nợ xấu quá khủng thì rất nguy hiểm về mặt thông tin uy tín của ngân hàng bán nợ.

PV: Dễ nhận thấy rằng, các khoản nợ xấu phần lớn đang được thế chấp bằng bất động sản. Tại thời điểm này, việc bán nợ xấu của ngân hàng liệu có thuận buồm xuôi gió, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Phong: Các khoản nợ xấu khi bán được giá sẽ giúp ngân hàng hoàn vốn, thu hồi nợ, thanh khoản tốt. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, các khoản nợ xấu của ngân hàng chủ yếu do bất động sản, do thế chấp.

Trường hợp thứ nhất có thể xảy ra là khoản nợ xấu càng tăng khi giá bất động sản bị sụt giảm. Giá trị bán thấp so với giá trị thế chấp. Khoản giải chấp thấp hơn nhiều so với khoản ghi sổ sách. Tài sản có giảm đi, nợ xấu tăng lên. Khi đó, năng lực vốn yếu đi sẽ bị tụt hạng, mất uy tín với đối tác.

Thứ hai, khi tất cả các ngân hàng cùng bán sẽ tạo ra làn sóng dư thừa mới, cung lại vượt cầu. Năm nay bất động sản có vẻ chững hơn năm ngoái. Đã chậm hơn mà giải chấp ào ạt thì lại tăng lượng cung lớn hơn. 

PV: Điều đó có nghĩa, thị trường bất động sản cũng bị tác động?

TS Nguyễn Minh Phong: Thị trường bất động sản chắc chắn chịu tác động. Bài học của Thái Lan cho thấy, năm 1998, khi Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp vay tiền giá rẻ đầu tư bất động sản, đến khi bán đi thì cả thị trường ào ạt sụt giá. Tất nhiên, ở Việt Nam hiện nay doanh nghiệp thận trọng hơn.

Ngoài ra, với những bất động sản thế chấp doanh nghiệp Nhà nước được cấp giá rẻ trước đây, nếu doanh nghiệp nước ngoài vào mua, thì sẽ xảy ra tình trạng vừa thất thoát tài sản công, vừa chiếm vị trí đẹp và vị trí nhạy cảm nguy hiểm. Đó là những cảnh báo cần nhận diện.

PV: Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài liệu có hào hứng với thị trường mua bán nợ không?

TS Nguyễn Minh Phong: Chắc có lẽ giới đầu tư ngoại sẽ không vào nhiều vì chưa có quy định pháp lý. Thứ hai là việc mua bán nợ xấu lần này chủ yếu là những khoản nợ rất xấu. Thứ ba là quy định sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài không được quyền mua toàn bộ các dự án giải chấp. Nếu chung nhau với nhà đầu tư trong nước họ cũng không muốn vì sau đó việc mua đi bán lại rất phức tạp.

Xin cảm ơn ông!

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Sở Giao dịch 2 đã có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản đảm bảo của một số công ty nhằm thu hồi nợ gần 1.091 tỷ đồng. Tài sản đấu giá là toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty Cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 tại BIDV – Chi nhánh Sở Giao dịch 2 tạm tính đến ngày 31/07/2017 là gần 1.091 tỷ đồng, bán gộp cùng lúc. 

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Agribank (Agribank AMC) cũng đang thông báo sẽ bán đấu giá tài sản đảm bảo là tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 129 A - 131 – 131 A – 133 – 135 A – 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đây cũng chính là dự án cao ốc V-Ikon đã xây dựng dở dang từ nhiều năm nay. Được biết, đây là lần thứ 5 tài sản này được Agribank AMC thông báo đấu giá với giá khởi điểm là 299,052 tỷ đồng, giảm 20% so với mức Agribank 373,5 tỷ đồng đưa ra ở lần rao bán đầu tiên hồi tháng 5/2017. Hàng loạt ngân hàng như Agribank, Maritime Bank, Techcombank.. đã bắt đầu rục rịch thông báo thu giữ tài sản bảo đảm để bán đấu giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top