Bản sắc đô thị và câu chuyện gìn giữ
Khó có thể tưởng tượng được viễn cảnh tương lai nếu như không còn những dấu ấn của bản sắc đô thị. Đó có chăng là những ngày tháng nhạt nhoà, lạnh lẽo hay vô hồn trong một "rừng bê tông" phủ kín.
Lang thang Hà Nội, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là các khu đô thị hiện đại đang mọc lên ngày càng nhiều. Rất sang trọng, lộng lẫy. Mỗi khu đô thị như gói gọn cả một thế giới dịch vụ tiện ích thoả mãn đa đạng các nhu cầu của người dân.
Sự thay đổi của diện mạo đô thị đang cho thấy tốc độ phát triển không ngừng của thành phố, chất lượng cuộc sống của người dân theo đó cũng được nâng cao. Tuy nhiên, đi dọc các con phố của Hà Nội, từ khu phố cổ đến những con phố mới, những gì gọi là bản sắc, gọi là linh hồn của Thủ đô dường như đã không còn rõ nét.
Cũng chẳng rõ, đó là xu hướng hội nhập, sính ngoại hay là kiểu kết hợp Á Âu, Đông Tây, nhưng có một điều đang dần được khẳng định chắc chắn là những di sản cũ, bản sắc Việt đang dần bị mờ nhạt theo sự xám ngắt, lạnh lẽo, vô hồn của những khối bê tông cao tầng mọc lên chen chúc, dày đặc trên các con phố Hà Nội.
Là một kiến trúc sư (KTS) luôn có nỗi niềm trăn trở trước những yếu tố bản sắc, giữa cái cũ và cái mới, PGS. TS. Khuất Tân Hưng (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) đã nhiều lần đi tìm lời giải cho câu chuyện này. Để hiểu rõ về vấn đề, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với ông.
PV: Thưa KTS, quá trình đô thị hóa một cách nhanh chóng với việc mọc lên các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, trên thực tế đã góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô một cách hiện đại và khang trang hơn. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ văn hoá thì điều này có tạo ra mặt trái gì hay không?
KTS. Khuất Tân Hưng: Chúng ta phải thừa nhận rằng, việc phát triển quá nhanh bất cứ điều gì cũng sẽ đem đến những hệ lụy nhất định. Bên cạnh những lợi ích mà chúng ta thấy được, sở hữu được như nhà ở khang trang, đường phố sạch sẽ, cuộc sống tiện ích hiện đại thì cũng còn rất nhiều mặt trái đi kèm.
Phát triển quá nhanh, quá nóng mà không có một kế hoạch cho thực tại và tương lai thì yếu tố văn hoá, có lẽ là yếu tố sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Bởi, quá trình phát triển đô thị là quá trình mà chúng ta sử dụng các quỹ đất nông nghiệp vốn thuộc về làng xóm ven đô để thay thế bằng các toà cao tầng. Khi xảy ra sự thay thế đó, đồng nghĩa với việc văn hoá truyền thống của quần cư xóm làng sẽ bị thay đổi ít nhiều. Không nói gì xa xôi, những làng nghề truyền thồng sẽ dần mất đi, những công việc sinh nhai từ đời cha truyền con nối cũng bỗng dưng không còn.
Từ đó nảy sinh ra hai vấn đề. Một là, người dân mất đất, mất nghề. Dù được đền bù nhưng họ sẽ không biết phải làm gì với số tiền đó, bởi kế sinh nhai bị thay đổi đột ngột và phần lớn chúng ta lại không chuẩn bị cho họ những phương án dự phòng để phù hợp với cuộc sống mới.
Thứ hai là, tạo nên một bức tranh tương phản gay gắt giữa một bên là các khu đô thị mới và một bên là các khu đô thị cũ, những quần cư cũ. Từ đó, nếu không có cách ứng xử hài hòa thì giữa khu dân cư mới và khu dân cư gốc dễ nảy sinh nhiều bất cập, những xung đột là tất yếu.
Hơn nữa, những phong tục tập quán, lối sống của đô thị và các làng xóm là khác nhau. Những khu vực đô thị khi phát triển sẽ dần tạo ra một hàng rào ngăn cách như những ốc đảo. Vô hình chung là tạo ra sự tách biệt giữa hai thế giới riêng, tránh sự xung đột, nhưng về lâu về dài đây không phải là một giải pháp tốt.
Đặc biệt, đô thị hoá quá nhanh mà không có một kịch bản cụ thể sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng trong ứng xử. Bởi những làng xóm cũ có những di tích, văn hoá như đền, chùa... thì cư dân đô thị mới hoàn toàn có thể được sử dụng nhưng những tiện ích trong khu đô thị mới thì người dân ở xóm cũ chưa chắc được dùng. Chính sự không công bằng đó dần dần sẽ tạo ra một hệ lụy tương phản giữa hai lớp cư dân khác nhau, hai nét văn hoá, kiến trúc khác nhau, cái mới lấn át cái cũ, cái cũ dễ bị lãng quên mà mất hút theo tháng năm.
Quá trình đô thị hoá một cách nhanh chóng một mặt đã góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô nhưng mặt khác cũng đem đến nhiều "biến dạng" dưới góc độ kiến trúc, quy hoạch. (Ảnh: IT)
PV: Đúng như KTS nói, đô thị hoá quá nhanh thì điều đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là yếu tố văn hoá. Và một trong những thực trạng chúng ta có thể thấy là các đô thị mới mọc lên nhưng không có tính liên kết với các đô thị cũ, mỗi đô thị là một màu sắc khiến các con phố Hà Nội dường như không còn ăn nhập vào nhau.
KTS. Khuất Tân Hưng: Đúng vậy, vấn đề bản sắc đô thị đang ít được quan tâm trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam giai đoạn gần đây. Hiện trạng các đô thị cho thấy sự tách biệt, rời rạc không còn ăn nhập và hoà quyện vào nhau. Mỗi khu đô thị mọc lên là một sự khác biệt về đường nét, về kiến trúc. Đây là biểu hiện của những dấu vết kiến trúc quá khứ đã và đang bị xóa mờ hoặc đặc trưng nơi chốn của chúng đã không được kế thừa trong sự phát triển tiếp nối.
PV: Bản sắc văn hoá không phải tự nhiên mà có, đó là quá trình tích luỹ hàng nghìn năm thế nhưng trong thời hiện đại, việc phát triển kinh tế dường như đang lấn át khiến bản sắc văn hoá nói chung và bản sắc đô thị nói riêng đang dần lùi lại phía sau. Ông nghĩ sao về điều này?
KTS. Khuất Tân Hưng: Như bạn đã nói ở trên, bản sắc đô thị không tự nhiên sinh ra. Nó là quá trình tích lũy, bồi đắp và cả đào thải, với sự đóng góp của nhiều thế hệ. Đứng trước một đô thị truyền thống, chúng ta chỉ là một gạch nối nhỏ trong tiến trình phát triển của nó. Do vậy chúng ta cần phải tôn trọng những giá trị của quá khứ, tôn trọng những ký ức đô thị và khéo léo bổ sung những thành phần và yếu tố mới.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy thay vì lưu giữ, bằng một cách nào đó, vô tình hay cố ý chúng ta đang dần làm mất đi những bản sắc này.
Điều này là do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, chúng ta đang phát triển quá nhanh, không kịp nhận ra rằng, để tạo ra môi trường sống tốt, hiệu quả, hoà nhập được với cảnh quan, làng xóm cũng như không gian cư trú từ lâu đời thì một trong các khía cạnh là cần gìn giữ các bản sắc văn hoá và kế tục, phát huy truyền thống đó.
Các mô hình đô thị mới, chung cư cao tầng cũng chỉ mới xuất hiện gần đây, không quá lâu nhưng không có nghĩa là văn hoá ở không được kế tục, phát huy. Ở không gian đô thị cao tầng nhưng vẫn có thể tạo ra các không gian giao tiếp giống như không gian truyền thống. Đó là những điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu như quan tâm nhiều hơn đến yếu tố bản sắc văn hoá trong kiến trúc.
Nhưng đáng tiếc rằng, điều này đã không được quan tâm, nếu có quan tâm cũng chỉ là sự quan tâm hình thức, một phần rất nhỏ trong việc kế tục những yếu tố truyền thống.
PV: Dưới góc nhìn của một KTS, theo ông Hà Nội hiện nay có phải là một đô thị có bản sắc? Nếu có thì đó là gì?
KTS. Khuất Tân Hưng: Nói đến TP. Hà Nội, chúng ta phải công nhận, đó là một đô thị hấp dẫn, có phong cách riêng, lối sống riêng và dưới con mắt của những nhà văn hoá hay người nước ngoài thì đó là đô thị có bản sắc.
Tại sao lại khẳng định như vậy? Bởi Hà Nội có một truyền thống nghìn năm văn hiến rất lâu đời. Trong đó là những không gia cư trú, những kiến trúc nghệ thuật, những quần cư làng xóm đã hình thành từ xa xưa.
Tuy nhiên, thực sự mà nói, bản sắc này chỉ có ở một số khu vực và không đồng đều trên toàn thành phố. Đặc biệt, nhìn theo tốc độ phát triển đô thị, bản sắc Hà Nội đang dần mờ nhạt đi, đôi lúc khiến chúng ta không còn nhận ra.
Đơn giản như bạn chụp một bức ảnh không gian cao tầng trong Thủ đô, khi nhìn lại bạn sẽ khó nhận biết được đó là ở đâu. Bởi nó cứ na ná giống nhau, không còn nét riêng, sự khác biệt, hay nói cách khác là nó không kế tục, tiếp thu những nét văn hoá truyền thống đã có ở khu vực trung tâm.
Kiến trúc hiện nay đang rất pha tạp, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư, muốn làm gì thì làm. Ngoài ra, họ xem kiến trúc như là một thứ đánh vào thị hiếu trước mắt, hình thức hào nhoáng bên ngoài. Điều này đang đi ngược lại bản chất của bản sắc văn hoá - một quá trình vận động tích luỹ không ngừng nghỉ.
Nhìn theo tốc độ phát triển đô thị, bản sắc Hà Nội đang dần mờ nhạt đi, đôi lúc khiến chúng ta không còn nhận ra (Ảnh: IT)
Ngược lại, nếu chúng ta biết cách khai thác các yếu tố truyền thống, đồng thời biết tận dụng những ưu thế của địa điểm để kết hợp ra một hình thức giúp kiến trúc gắn bó với địa điểm (địa điểm ở đây là cảnh quan, điều kiện tự nhiên và lối sống) thì chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa được bản sắc đã có và một mặt phát triển để tạo ra những bản sắc mới. Từ đó những nét mới này hoàn toàn không phải là sao chép hay sự nhặt nhạnh, pha tạp ở đâu đó mang về.
Có vậy, bản sắc Hà Nội mới khác TP.HCM, Đà Nẵng… nhưng vẫn toát lên được hồn cốt rất riêng của đất Việt, người Việt.
PV: Thử tưởng tượng về tương lai, khi tốc độ phát triển đô thị tăng cao, kinh tế được đặt lên hàng đầu nhưng lại quên mất yếu tố bản sắc, yếu tố di sản hay chính là linh hồn Việt thì sẽ để lại hậu quả như thế nào, thưa ông?
KTS. Khuất Tân Hưng: Nhiều người thường nhìn những yếu tố bản sắc, di sản dưới góc độ là sự trở ngại cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn, họ chỉ muốn thay thế nó bằng các công trình mới. Nhưng thực chất, chính các công trình này mới làm nên sức hấp dẫn của địa điểm, là "linh hồn" đô thị.
Chúng ta sẽ không thể hình dung được, du khách đến Hội An để làm gì nếu như không còn phố cổ Hội An, hay đến Hà Nội có gì thích thú nếu như không còn phố cổ Hà Nội, mặc dù kiến trúc của nó cũng đang bị mờ nhạt dần. Tuy nhiên, không gian phố cổ cộng với cuộc sống con người cùng cách thức bán hàng, không gian giao tiếp trên đường phố và những công trình tôn giáo tín ngưỡng… vẫn sẽ tạo nên một bản sắc riêng biệt khó có thể lẫn lộn vào đâu. Đó chính là những yếu tố di sản, nét văn hoá đã thu hút và tạo nên sự hấp dẫn cho địa điểm, khu đô thị.
Như vậy, rõ ràng yếu tố văn hoá, di sản là một tài sản rất lớn mà chúng ta có thể khai thác một cách bền vững để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Trước mắt, chúng ta khó có thể nhìn thấy được giá trị của nó nhưng không có nghĩa nó không có giá trị. Vì vậy, không nên nhìn các yếu tố văn hoá, di sản dưới một con mắt thực dụng. Bởi điều đó sẽ khiến chúng ta mất đi những gì gọi là bản sắc, gọi là "linh hồn" của dân tộc.
PV: Như KTS chia sẻ, rõ ràng phát triển kinh tế, phát triển đô thị phải gắn liền với câu chuyện giữ gìn và kế thừa bản sắc Việt. Vậy theo ông, câu chuyện gìn giữ và kế thừa ở đây phải bắt đầu từ vấn đề gì?
KTS. Khuất Tân Hưng: Gìn giữ bản sắc Việt trong đô thị là gìn giữ bản sắc đô thị vốn có. Đó là giữ gìn cái tinh thần của địa điểm, được tạo thành bởi sự tổng hòa của các thuộc tính trong đô thị đó. Sự biến đổi hay mất mát của một hay một vài thuộc tính đô thị sẽ dẫn đến sự nhạt nhòa bản sắc hoặc trên lý thuyết có thể tạo ra bản sắc đô thị mới.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, việc tạo dựng bản sắc mới sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vậy nếu đô thị đã định hình được bản sắc, thì bản sắc đó cần được ưu tiên gìn giữ trong quá trình phát triển đô thị. Những khía cạnh mới của bản sắc chỉ nên là những yếu tố bổ sung cho bản sắc đã có, đã được khẳng định hoặc thay thế những yếu tố cũng là bản sắc nhưng đã lạc hậu và không còn phù hợp.
Để giữ được tinh thần của địa điểm, việc đầu tiên cần làm là phải giữ gìn được những thuộc tính đô thị của địa điểm đó. Đó có thể là cấu trúc đô thị và kiến trúc đặc trưng, là sự sống động của các không gian mở như đường phố, các công trình kiến trúc đặc trưng cho các giai đoạn phát triển của lịch sử, là cảnh quan sông nước trong mối quan hệ hữu cơ với đô thị hay sự đa dạng, sống động với lối sống của người dân bản địa. Thiếu vắng chỉ một thuộc tính, ký ức đô thị có thể sẽ bị lạc lối, phôi phai và đô thị có nguy cơ rơi vào tình trạng mất bản sắc.
Việc tiếp theo là chọn lọc và kế thừa những nét tinh túy đã làm nên sắc thái tinh thần của địa điểm và tích hợp hoặc bổ sung những yếu tố mới cho các khu vực phát triển mới của đô thị. Khi phát triển những khu vực mới, tùy thuộc vào từng địa điểm mà có thể học hỏi những kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới như đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, hay đô thị nghệ thuật…, nhưng nhất thiết phải tôn trọng và khai thác những yếu tố bản địa bởi đó là cơ sở cho việc tiếp tục định hình và khẳng định bản sắc đô thị trong tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, không phải bất cứ yếu tố nào của quá khứ cũng có giá trị cho hiện tại, vì vậy chúng ta cũng không thể khư khư giữ lại tất cả của quá khứ, đặc biệt trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hoá, di sản.
Việc gìn giữ, kế thừa cần được thông qua công tác đánh giá. Cụ thể, ở đây là đánh giá các giá trị, công trình di sản trong mối quan hệ với tổng thể. Trên cơ sở đó, sẽ xác định được những khu vực nào nên được giữ gìn, cụ thể hơn nữa công trình nào nên được giữ gìn nguyên trạng, công trình nào nên giữ gìn ở hình thức bên ngoài còn bên trong cho phép thay đổi để phù hợp, đáp ứng được điều kiện mới, nhu cầu phát triển kinh tế mới. Hay những công trình nào cần phải thay thế hoàn toàn để đảm bảo cho sự phát triển các đô thị hiện đại.
Ngoài ra, việc tạo các không gian chuyển tiếp giữa khu làng xóm cũ và khu đô thị mới để tạo nên không gian chung sẽ góp phần tạo nên sự hoà hợp và ăn nhập vào nhau. Ví dụ như không nên xây các tòa cao tầng áp sát đột ngột các khu làng xóm, thay vào đó là sự chuyển tiếp dần dần từ cao đến thấp để tạo hình thức kiến trúc có tính kết nối hài hoà.
PV: Vậy theo ông, chính quyền đô thị cần làm gì để đảm bảo việc gìn giữ, kế thừa cũng như kết hợp giữa phát triển đô thị, kinh tế xã hội và các yếu tố bản sắc?
KTS. Khuất Tân Hưng: Thật ra câu chuyện phát triển đô thị định hướng "dân tộc và hiện đại" đã được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, cách thức quản lý ra sao, quy chế như thế nào vẫn chưa thực sự được rõ ràng và phù hợp.
Việc phát triển này là một việc lâu dài, không thể ngày một ngày hai. Bởi vì tạo dựng một bản sắc đô thị là một quá trình liên tục từ quá khứ đến hiện tại nhưng chúng ta không làm thì chúng ta không đạt được điều đó và đến lúc nó nhếch nhác, nham nhở như một số đô thị Việt Nam hiện tại thì rất khó để “chữa lành”.
Vì vậy, vấn đề cuối cùng ở đây chính là liên quan đến quản lý đô thị, vai trò của chính quyền đô thị trong việc kết nối giữa đô thị mới và đô thị cũ, giữa hiện đại và quá khứ để gìn giữ những giá trị văn hoá trong phát triển kinh tế.
Và như tôi nói ở đầu, cần tạo ra những không gian chuyển tiếp giữa không gian định cư truyền thống, hay chính là không gian cũ và không gian đô thị mới để tạo sự hoà nhập; cần nhất thiết đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống bản địa trong việc định hình và phát triển đô thị tương lai.
Ngoài ra, chính quyền đô thị cần coi trọng vấn đề đánh giá các di sản, các giá trị bản địa để có một cơ sở rõ ràng trong công tác gìn giữ và kế thừa.
- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của ông!