Aa

Đô thị thông minh và câu chuyện bản sắc đô thị

Thứ Hai, 04/03/2019 - 06:00

Xây dựng đô thị thông minh đang là giải pháp được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề đô thị đang tồn tại, hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo nhận định của KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp, cần phải nghiên cứu cặn kẽ để tìm ra hướng đi phù hợp, nếu không sẽ trở thành sự rập khuôn, mất bản sắc.

PV: Việt Nam có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh như một giải pháp để giải quyết các vấn đề đô thị hiện tại. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam đang chưa có sự thống nhất và chỉ mang tính phong trào. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Khoảng 2 năm trở lại đây, chúng ta bắt đầu nghe nhiều đến cụm từ đô thị thông minh và thực chất nó đang trở thành xu hướng phát triển đô thị. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa có một khái niệm thống nhất nào về đô thị thông minh. Khi không có khái niệm, không định nghĩa được thì việc triển khai cũng sẽ không thể định hình một cách đúng đắn.

Đô thị thông minh có thể được hiểu là một đô thị được ứng dụng công nghệ số và truyền thông nhằm số hóa các vấn đề trong quản trị đô thị. Đối với các nước phát triển như ở châu Âu, Bắc Mỹ hay châu Á, họ không sử dụng công nghệ nhiều cho việc quản lý hạ tầng (bởi cơ sở hạ tầng của họ đã rất đầy đủ) mà chủ yếu tập trung vào công nghệ mềm tức là quản trị thông minh, quản trị con người. Tất cả là để đạt được mục tiêu con người được sống tốt hơn. Đấy là việc xây dựng đô thị thông minh của các nước trên thế giới.

Còn ở Việt Nam, có thể thấy đang có nhiều rào cản để có thể hướng tới đô thị thông minh, bền vững theo đúng nghĩa của nó. Tốc độ đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra quá nhanh nhưng mạnh mún và thậm chí là bất hợp lý.

Đô thị thông minh đang là xu hướng phát triển của nhiều đô thị trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa.

Đô thị thông minh đang là xu hướng phát triển của nhiều đô thị trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ảnh minh họa.

Thực tế, đang có sự phân chia khoảng cách giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ, những đô thị ở đồng bằng và đô thị ở miền núi. Từ đó, tốc độ phát triển kinh tế cũng như kỹ thuật của từng đô thị đang có sự chênh lệch lớn, chất lượng cuộc sống của người dân cũng khác nhau. Đô thị hóa của chúng ta đã lên đến 30-40% nhưng dân số lại tập trung vào các thành phố lớn cụ thể như Hà Nội và TP.HCM chứ không phải những thành phố như TP. Lai Châu, TP. Sơn La, TP. Điện Biên… Bởi vì những thành phố này hầu hết cơ sở hạ tầng đều lạc hậu.

Khi các thành phố lớn được đầu tư phát triển hạ tầng thì đồng nghĩa với việc sẽ thuận lợi cho bất động sản phát triển. Và khi bất động sản phát triển thì trong một chừng mực nào đó, nó là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, hút luồng người nhập cư tập trung ở vòng lõi của đô thị. Bởi vòng lõi của đô thị là nền của đô thị. Ở đó có văn hóa, có điều kiện hạ tầng tốt, cơ sở vật chất tốt và dễ kiếm sống. Cho nên, mới có những câu ví von rằng ngồi vất vưởng ở vỉa hè các quận nội thành còn khá khẩm hơn làm giàu ở nông thôn. Tuy nhiên, lượng người tập trung quá nhiều ở vùng lõi đô thị lớn đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong sự phát triển của đô thị. Phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến...

Trước bối cảnh đó, việc xây dựng đô thị thông minh là đúng, là xu thế tất yếu nhưng phải hiểu cặn kẽ vấn đề để tìm ra hướng đi phù hợp, còn hiện tại chúng ta đang thiếu quy chuẩn chung, mỗi nơi thực hiện theo một hình thức khác nhau dẫn đến việc xây dựng đô thị thông minh vẫn là một bài toán khó.

KTS Phạm Thanh Tùng

KTS. Phạm Thanh Tùng

PV: Trước những rào cản đó, theo ông, việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cần phải chú trọng vào những yếu tố nào?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải tập trung vào việc thông minh hóa đô thị chứ không phải đô thị thông minh. Tại sao lại là thông minh hóa đô thị? Công tác quản lý về giao thông, quy hoạch đô thị của chúng ta còn rất kém, do đó, cần phải chú trọng vào việc đưa các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự kết nối dữ liệu chính xác vào công tác quản lý giao thông, làm quy hoạch và quản lý quy hoạch. Phải có quy hoạch thông minh mới có thể tiến tới quản trị thông minh. Còn chúng ta đòi hỏi những người quản trị đô thị phải nắm được kĩ thuật số từ công nghệ đám mây, công nghệ 4.0 để áp dụng vào trong quản lý đô thị trong khi chưa có quy hoạch thông minh thì đây là bài toán không tưởng, dù tốn kém thế nào cũng là không tưởng.

Trong khi hạ tầng của chúng ta chưa được bài bản thì việc điều tiết giao thông cũng rất quan trọng. Điều tiết giao thông ở đây ví dụ là sử dụng xe bus như thế nào cho tốt. Xe bus như ngày nay có phù hợp không? Hay là dùng xe bus mini – một loại xe bus chỉ 24 chỗ ngồi thôi trên con đường nhỏ hẹp? Thứ hai, taxi nhiều thế này có đúng không hay phải dùng taxi công nghệ? Những vụ kiện đối với Grab vừa qua là điều ở thế giới không xảy ra. Những vụ kiện kiểu này đang tạo ra sự đối chọi với công nghệ, không chịu đổi mới tư duy. Chính sự lười nhác trong sự đổi mới tư duy dẫn đến sự trì trệ và bảo thủ. Từ đó, dẫn đến sự phát triển không bền vững.

PV: Vậy ông có thể đưa ra một vài giải pháp cho việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Theo tôi trước khi làm đô thị thông minh thì hãy làm khu đô thị mới. Hãy đưa công nghệ vào quản trị đô thị, quản trị tòa nhà đó. Những tòa nhà đó phải quản lý thật tốt, từ chỗ để xe đến thang máy, phòng cứu hỏa… Chúng ta phải làm cho cư dân đô thị đó là cư dân thông minh để làm sức bật, điểm tựa, và sự lan tỏa cho các vùng dân cư khác. Còn nếu chúng ta chỗ nào cũng muốn xây dựng dự án đô thị thông minh với hàng nghìn tỷ đồng, mời nước ngoài vào đầu tư thì chúng ta sẽ trở thành “bãi rác” và nhận lại những thứ vô ích.

Quá trình điều chuyển sang đô thị thông minh không thể vội vàng, đốt cháy giai đoạn mà phải thực hiện từng bước, trong đó phải chú trọng giải quyết những vấn đề tồn đọng trước mắt. Chúng ta có thể sử dụng giải pháp công nghệ của nước ngoài nhưng đó chỉ là cái ngọn, còn gốc của vấn đề là phải sử dụng “mỏ vàng” ấy như thế nào. Nếu không giải được bài toán đó thì sẽ không tránh khỏi sự lúng túng.

Tóm lại, đầu tiên, chúng ta nên chọn mô hình khu đô thị mới để làm, thứ hai là có thể chọn những thành phố nhỏ, ổn định về dân cư để đầu tư. Tôi thấy Bình Dương có thể làm được. Chúng ta hãy thử làm thành công ở một vài thành phố như vậy để có thể rút ra bài học thay vì triển khai đồng loạt nhưng mỗi nơi làm một kiểu.

Những mô hình đô thị của nước ngoài rất đáng học hỏi nhưng nó chỉ phù hợp với điều kiện, con người ở nước đó, chưa chắc đã phù hợp với Việt Nam. Cho nên, lúc này làm đô thị thông minh phải nghĩ đến cả bản sắc từng dân tộc, từng đô thị. Nếu chúng ta trở thành thứ rập khuôn mất bản sắc, mà mất bản sắc thì dân tộc đó không tồn tại.

PV: Đối với riêng hai đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM thì sao, thưa ông?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng, trước mắt Hà Nội và TP.HCM cần giải quyết được các bài toán về giao thông, cấp thoát nước và môi trường. Ở các nước khác cũng có tắc đường nhưng họ đi rất trật tự. Thứ hai là không có rác ngoài đường, xử lý rác theo đúng quy định. Muốn đô thị thông minh thì trước hết cần phải có văn hóa.

PV: Vậy ông có cho rằng, con người là yếu tố trung tâm của việc phát triển đô thị thông minh?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Điều đó là tất yếu. Đô thị thông minh rồi tiến tới đô thị 4.0 thì mục đích đều xoay quanh cái lõi là con người, để làm sao cho con người được sống tốt và tài nguyên được giữ gìn, môi trường không bị ô nhiễm.

Đô thị phải là nơi mà người ta có thể sống thoải mái thay vì sự ngột ngạt, khó chịu để khi đi xa còn muốn trở về. Đô thị thông minh phải gắn liền với đô thị hạnh phúc, con người không phải lo cháy nổ, trộm cướp, hay phải mất cả mấy tiếng đồng hồ chịu khói bụi, tiếng ồn ngoài đường mới về được nhà.  

Muốn đô thị thông minh thì văn hóa của con người cũng phải đi lên, người ta không xô đẩy nhau, không đánh chửi nhau, không lấn chiếm, chạy vượt… Đó là nền tảng của đô thị thông minh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top