Aa

“Bản thân cáp treo không có lỗi trong việc “xâm hại” di sản tự nhiên"

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 11/10/2017 - 06:01

Chia sẻ với Reatimes, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) cho rằng bản thân cáp treo không có lỗi trong việc “xâm hại” di sản tự nhiên. Ở đây, lỗi chỉ phụ thuộc vào con người, vào nhận thức của những người có quyền ra quyết định.

Xoay quanh câu chuyện tranh cãi xây dựng Cáp treo ở Sơn Đoòng (Quảng Bình), ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VHTTDL) cho hay: “Một khi Thủ tướng đã chính thức đồng ý về chủ trương cho xây dựng cáp treo thì đồng nghĩa với việc trước đó đã có những nghiên cứu, đề xuất phù hợp với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định pháp luật liên quan làm căn cứ. Tuy nhiên “chủ trương” không có nghĩa là “quyết định cho phép” mà “chủ trương” chỉ là “tín hiệu” cho phép tiến hành những nghiên cứu sâu hơn (tiền khả thi) trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”.

Quan điểm của ông Lương là nếu dự án cáp treo được triển khai sẽ đem lại cho du lịch Quảng Bình nói chung và Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng một sản phẩm du lịch mới, qua đó góp phần làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch ở khu vực này.

Tuy nhiên cần lưu ý, nếu tuyến cáp đi qua vùng lõi Vườn Quốc gia, tức là đã “phạm” vào Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong trường hợp này cần có ý kiến của Quốc hội. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đồng thời là “vùng lõi” của Di sản thiên nhiên Thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, vì vậy mọi hoạt động cũng cần tuân thủ những cam kết của Việt Nam đối với UNESCO.

Việc xây dựng cáp treo ở những điểm đến du lịch không có lỗi. Nhưng lỗi sẽ xảy ra nếu không tính toán tốt những phương án cụ thể trong quá trình xây dựng.

Xây dựng cáp treo, ở một địa điểm cụ thể ần phải tính toán kỹ lưỡng, chứ không chỉ dựa trên những lợi ích mà cáp treo có thể đem lại (Nguồn ảnh: Zing)

Bởi rất có thể dự án sẽ làm tổn hại đến giá trị tài nguyên du lịch khi có sự tập trung quá lớn lượng khách du lịch, vượt gấp nhiều lần “sức chứa” tài nguyên dẫn đến sự xuống cấp, suy thoái hệ thống hang động. Chính vì vậy, một trong những căn cứ rất quan trọng cần phải xem xét là tính toán xác định “sức chứa” các điểm tài nguyên du lịch điển hình ở khu vực này làm căn cứ đánh giá tác động, từ đó quyết định có hay không việc xây dựng tuyến cáp treo này. Và nếu có thì quy mô chuyên chở bao nhiêu khách là phù hợp.

Thực tế, thời điểm này rất nhiều dự án cáp treo đã được cho phép triển khai ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng  giúp cho một bộ phận du khách thoả mãn được mong ước đặt chân tới những địa danh này trong thời gian ngắn. Tuy nhiên những gì được cho là “tích cực” mới xuất phát từ một góc nhìn của nhà đầu tư chứ chưa phải đại diện cho đa số. Những người lên Yên tử bằng cáp treo đâu có được cảm xúc của người hành hương về với Phật sau chuyến leo núi bằng cả đức tin vào Đức Phật?...

Ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL). Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL). (Nguồn ảnh: TTXVN)

Vấn đề cốt lõi ở đây là xác định “sức chứa” các điểm tài nguyên mà khách du lịch sau khi đến Hang Én sẽ đến.

Đặc biệt, ông Lương nhất mạnh: “Làm cáp treo như thế nào thì đó là công việc của các nhà thiết kế và đã trở thành bình thường trong quy trình ứng dụng công nghệ. Điều này không còn là mới mẻ ở Việt Nam. Bản thân cáp treo không có lỗi trong việc có “xâm hại” di sản tự nhiên hay không. Lỗi đó chỉ phụ thuộc vào con người, vào nhận thức của những người có quyền ra quyết định. Nếu quyết định được đưa ra một cách khách quan, có căn cứ khoa học và không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chắc chắn sẽ không có câu chuyện tranh luận đặt ra trên đây”.

Theo đó, ông Lương chỉ ra rằng, việc xây dựng cáp treo (nếu được phép) vào vùng lõi của Di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng rất cần phải trả lời thoả đáng những câu hỏi về suy nghĩ của đa số khách du lịch đích thực và các nhà bảo tồn để du lịch có thể đem lại những trải nghiệm tốt nhất mà du khách kỳ vọng, đồng thời đóng góp tốt nhất cho bảo tồn các giá trị di sản, cho phát triển cộng đồng ở khu vực này. Tất nhiên chúng ta cần trân trọng và áp dụng những bài học thành công để đồng thời cùng “thắng” trên lĩnh vực kinh tế, bảo tồn - phát huy giá trị di sản và phát triển cộng đồng địa phương.

Đứng ở góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, trao đổi với Reatimes,  TS Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Nếu cứ đặt lợi ích kinh tế lên đầu tiên, lợi ích kinh tế là số một thì sẽ gây mất cân bằng đối với các lợi ích khác.

Cụ thể như nếu cứ khai thác kinh tế mà không quan tâm đến sự bền vững của môi trường, phá vỡ điều kiện không gian cảnh quan tự nhiên, kiến trúc không gian của môi trường là không được. Bởi môi trường một khi bị phá vỡ thì sẽ không thể sửa chữa được. Nhà đầu tư phải đặt câu hỏi liệu lợi ích kinh tế có làm nguy hại, tác động phá hoại đến giá trị của di sản hay không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top