Aa

"Vẫn trèo, nhảy, bò thì đến bao giờ du lịch mới phát triển được"

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 25/09/2017 - 06:01

Đó là quan điểm của PGS.TS Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học). Theo ông Bình, việc xây dựng cáp treo sẽ góp phần rút ngắn thời gian cho các chuyến tham quan, thu hút khách du lịch, kéo theo là sự phát triển các ngành dịch vụ, các ngành hỗ trợ khác làm tăng nguồn thu cho địa phương.

Ở Việt Nam đã có gần chục công trình cáp treo được xây dựng tại các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho khách du lịch tới tham quan. Đến nay, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng rằng, nếu tính toán được đầy đủ các yếu tố trong thiết kế thì xây dựng cáp treo ở vùng di sản là một điều cần thiết và rất tốt.

Cụ thể, cáp treo góp phần rút ngắn thời gian cho các chuyến tham quan, thu hút khách du lịch, kéo theo là sự phát triển các ngành dịch vụ, các ngành hỗ trợ khác làm tăng nguồn thu cho địa phương. Với du khách, việc đi cáp treo tham quan di sản giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức hơn.

Tuy nhiên, xây dựng cáp treo trong bất cứ một khu du lịch nào cũng đã từng gặp phải những ý kiến trái chiều. Vì lẽ đó, việc xây dựng hệ thống cáp treo sẽ cần phải nghiên cứu một cách thận trọng để hạn chế những tác động tổn hại di sản.

Xây cáp treo

Xây cáp treo là bàn đạp phát triển kinh tế địa phương (Nguồn ảnh: Zing)

Chia sẻ với Reatimes, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho hay, nếu thuần túy đứng ở góc nhìn bảo tồn văn hóa di sản thiên nhiên cũng như con người thì rõ ràng ai cũng muốn duy trì nguyên bản nguyên sơ, nguyên mẫu, điều đó là rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên từ đó lại đặt ra câu chuyện, nếu duy trì nguyên dạng nguyên sơ của di sản thì khả năng tiếp cận của cộng đồng nội địa cũng như các khách du lịch nước ngoài là rất hạn chế. Bởi một quãng đường di chuyển rất xa và khó đi sẽ đưa đến các bất cập về mặt sức khỏe, cung ứng hậu cần, kỹ thuật...

Cho nên trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố như sức hủy hoại, làm biến đổi thiên nhiên đến đâu để đưa ra một bài toán cụ thể rằng vẫn có thể đưa cáp treo vào các khu di sản thiên nhiên là điều quan trọng. Phải tính toán tỉ mỉ để phần trăm tác động đến thiên nhiên và môi trường là thấp nhất, theo xu hướng không làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan thiên nhiên. Mặt khác, cũng phải tính toán đến yếu tố con người làm sao để tránh xô bồ, đi lấy được khi có cáp treo.  

PGS. TS Trịnh Hòa Bình

PGS. TS Trịnh Hòa Bình

Nói về câu chuyện xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Trịnh Hòa Bình cho hay: “Theo tôi với tuyến đường dài vào di sản Sơn Đoòng, cần có các yếu tố hiện đại kỹ thuật, nên làm cáp treo và tính toán đầy đủ các yếu tố trên thì điều đó là tốt. Bởi nó sẽ đẩy mạnh hơn nữa, năng lực thu hút du lịch ngoài nước, đồng thời người dân Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận di sản nhanh hơn, rộng hơn và có đủ thời gian để chiêm ngưỡng cảnh quan. Việc chúng ta vẫn trèo, nhảy, bò thì không biết đến bao giờ du lịch mới phát triển được.

Tôi nhớ lại ngày xưa làm đường mòn Hồ Chí Minh cũng có những phàn nàn như là không lấy ý kiến cộng đồng nhân dân. Nhưng trên thực tiễn thì thấy đường món đó xuyên qua rừng quốc gia thì cũng đâu có phá hoại gì ghê gớm, tất nhiên là nó cũng có biến đổi nào đâu đó nhưng về cơ bản mà nói đó là cú huých rất hay”. 

Theo ông Trịnh Hòa Bình, cáp treo ở Sơn Đoòng cũng vậy thôi, nếu chúng ta tính toán đầy đủ để có được một con đường cáp treo vào di sản thì sẽ nâng cao năng lực du lịch, tạo được cơ hội cao nhất cho cộng đồng nội địa và quốc tế sớm đến với Sơn Đoòng và có thể giới thiệu được cảnh quan du lịch kì vĩ của Việt Nam đến với nước bạn. Nên nhớ rằng, nếu đông đảo con người tác động thì cũng làm biến đổi cảnh quan chứ không cứ là khi có các yếu tố vật chất kỹ thuật thì nó mới biến đổi.

Rõ ràng nhìn từ cáp treo Bà Nà có thể thấy đã đưa đến cho chúng ta rất nhiều kỷ lục nhất trên thế giới nhưng nó vẫn rất ổn, có làm thay đổi khí hậu và cảnh quan đâu. Ở đó là bài học cần thiết để xây cáp treo ở Sơn Đoòng. Tuy nhiên, cũng có những di sản đoạn ngắn, chúng ta chấp nhận hiểm trở để du khách khắp nơi đến để mạo hiểm. Nhưng đó cũng không phải là loại hình du lịch hấp dẫn nhiều người vì nó tốn nhiều thời gian bào mòn sức khỏe con người, dẫn đến sự mất an toàn cho khách du lịch.

Hãy nhìn nhận, cáp treo cũng là một phương tiện đều chỉ là yếu tố gia tăng để đẩy tới hơn nữa sự phát triển du lịch.

GS.TS Ngô Đức Thịnh

GS.TS Ngô Đức Thịnh

Cùng quan điểm, GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian nhận định, Sơn Đoòng là một viên ngọc rất quý của tỉnh Quảng Bình. Để người dân Việt Nam và quốc tế biết đến thì nhiều khi phải xây cáp treo. Bởi không có cáp treo thì không thể phát triển được. Một sản phẩm như thế không đưa đến mọi người thì rất lãng phí.

“Như đã thấy, đến được Sơn Đoòng chỉ là những người rất trẻ, rất khỏe mới tới chiêm ngưỡng được, thế cuối cùng những người khác thì thế nào? Làm cáp treo mà hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, đưa ra phục vụ được con người là tốt. Chứ bảo di sản đó quý nhưng đóng khung để đó, không cho ai vào thì không được”, ông Thịnh khẳng định.

Nhìn một cách toàn diện về câu chuyện phát triển và bảo tồn di sản, TS Nguyễn Sỹ Toản, Trưởng khoa Di sản văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho hay: Phần lớn các di sản gắn với du lịch hiện nay đã và đang có thể khai thác được thì nhìn dưới góc độ khách quan chúng ta chưa bao giờ “đóng cửa cài then”. Chỉ là mỗi di sản được khai thác ở quy mô, hình thức, tính chất, phạm vi khác nhau nên tưởng chừng như "đóng cửa" mà không phải như vậy.

Nhà đầu tư phải đặt câu hỏi liệu lợi ích kinh tế có làm nguy hoại, tác động phá hoại đến giá trị của di sản hay không, làm thui chột, mai một hay biến dạng di sản hay không. Phát triển được kinh tế nhưng làm méo mó môi trường và di sản thì sẽ gây tranh cãi. Bài toán ở đây là làm được kinh tế mà vẫn tôn được di sản, phát triển di sản thì khuyến khích làm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top