Aa

Bàn tiếp về Thông tư 06: Không nên giữ “an toàn” bằng cách chặn tín dụng theo kiểu “vơ đũa cả nắm”

Thứ Năm, 24/08/2023 - 06:00

Nếu ngành nào cũng lấy cái cớ chống gian lận và đảm bảo an toàn cho mình như Thông tư 06 của NHNN để chặn đường tiếp cận của doanh nghiệp, thì chính điều đó lại gây mất an toàn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Câu chuyện về Thông tư 06/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 06) cản trở doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng chưa biết sẽ được tháo gỡ thế nào, nhưng lý do mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra để “bảo vệ” Thông tư này thì thực sự không thuyết phục.

Số là sau khi nhận được phản ánh của các chủ thể chịu tác động và các cơ quan báo chí, các chuyên gia, ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tổ chức cuộc họp khẩn nghe báo cáo và nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong cuộc họp này, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, việc mở rộng những đối tượng không được cho vay tín dụng, trong đó có các đối tượng thuộc khoản 8, 9, 10 Điều 8 trong Thông tư, là để bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng và xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
đã chủ trì cuộc họp rà soát Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh VGP

Dư luận báo chí và các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản đã có nhiều phản ánh về sự bất hợp lý của Thông tư 06, tập trung ở khoản 8, 9, 10, Điều 8 của Thông tư này. Nội dung cụ thể đã được đề cập trong nhiều bài báo, ý kiến các chuyên gia và nhất là các văn bản của Hiệp hội Bất động sản, Hội Môi giới bất động sản… đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các nội dung hạn chế tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi xin không đi sâu vào việc phân tích những bất hợp lý của Thông tư 06, mà chủ yếu bàn về lý do mà Ngân hàng đưa ra để lý giải cho việc siết chặt tín dụng.

Có hai vấn đề đặt ra ở đây, đó là an toàn cho hệ thống tín dụng và xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo. Chúng tôi sẽ lần lượt trao đổi về hai vấn đề này.

Liệu chặn nguồn tín dụng có đảm bảo được an toàn?

Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nhưng vấn đề là kiểm soát dòng vốn, kiểm soát khách hàng chứ không phải là hạn chế khách hàng theo cách vơ đũa cả nắm. Tức phải dùng nghiệp vụ ngân hàng để lọc từng khách hàng cụ thể theo cách lâu nay ngân hàng vẫn làm, chứ không phải nhóm tất cả các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh để ngăn chặn tiếp cận tín dụng, dù trong đó có rất nhiều dự án tốt, đủ pháp lý và nhất là chủ đầu tư là khách hàng tin cậy của ngân hàng từ trước đến nay.

Bảo vệ an toàn cho nội bộ một ngành bằng cách vào hầm trú ẩn có thể giảm nguy cơ cho ngành đó, nhưng với một lĩnh vực nhạy cảm, đóng vai trò như nguồn oxy cho cả nền kinh tế, thì sự trú ẩn ấy trước mắt có thể giúp giảm nguy cơ cho ngành, nhưng lại làm tăng nguy cơ mất an toàn cho hệ thống doanh nghiệp, từ đó cũng tăng nguy cơ mất an toàn của cả nền kinh tế. Và khi nền kinh tế rơi vào đổ vỡ, không những ngành ngân hàng cũng không tránh được ảnh hưởng, mà thậm chí còn có thể thiệt hại lớn hơn.

Do đó, thay vì trú ẩn bằng cách không hành động, đóng băng nguồn tiền, nên chăng cùng chung sức để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, bằng cách cung cấp dưỡng khí, nâng cao sức khỏe cho các doanh nghiệp. Một khi các doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế cũng đứng vững và quay trở lại tác động tích cực đến ngành ngân hàng.

Thay vì trú ẩn bằng cách không hành động, đóng băng nguồn tiền, nên chăng cùng chung sức để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, bằng cách cung cấp dưỡng khí, nâng cao sức khỏe cho các doanh nghiệp

Chúng ta cũng hiểu, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ. Để giải bài toán giữa kiềm chế lạm phát và phát triển, nhất là giữa việc bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay, là vô cùng phức tạp và khó khăn. Chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể kéo theo sự đổ vỡ dây truyền theo kiểu domino.  

Tuy nhiên, chính vì thế mà chính sách tiền tệ càng cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển, thậm chí có người ví phải như người làm xiếc đi trên dây, để cân bằng giữa các mục tiêu, lợi ích mới có thể vừa đảm bảo an toàn tín dụng, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển. Trên cơ sở sức khỏe của doanh nghiệp được nâng lên sẽ tác động trở lại tăng sự an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Chẳng hạn, thay vì gói tất cả các đối tượng vào những quy định cứng như trong Thông tư 06 theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, có thể kiểm soát đối tượng vay bằng tính pháp lý của dự án, bằng uy tín của khách hàng và việc giám sát dòng tiền. Như vậy sẽ vừa đảm bảo việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khỏe mạnh, các dự án khả thi, đủ pháp lý, vừa khơi thông dòng tiền, cũng là giúp các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng, thanh khoản được nguồn tiền đã huy động hiện đang quá dồi dào mà chưa biết cho vay thế nào.

Chặn tín dụng có xóa được sở hữu chéo?

Vấn đề sở hữu chéo, “sân trước sân sau” vốn đã được nhận diện và bắt tay vào giải quyết từ lâu, nhưng dường như vẫn không hiệu quả. Đầu tiên là Luật các tổ chức tín dụng 2010, được tiếp tục sửa đổi năm 2017, không cho phép lãnh đạo các tổ chức tín dụng đồng thời là lãnh đạo các doanh nghiệp khác, rồi hạ tỷ lệ cổ phần nắm giữ… Nhưng rồi, Nhà nước và xã hội vẫn thấp thỏm lo âu về nguy cơ thao túng ngân hàng, cho vay tùy tiện trong cùng hệ sinh thái… dẫn đến tăng vốn ảo, đảo nợ… và mất an toàn hệ thống tài chính dẫn đến mất an toàn nền kinh tế.

Điều đó cho thấy, những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra chưa hiệu quả, mà nguyên nhân là chưa bắt đúng bệnh và “đánh” chưa trúng mục tiêu. Hay nói cách khác là mới chỉ nhằm vào hiện tượng, giải quyết hiện tượng, bề nổi mà chưa nhận diện và đi vào giải quyết từ gốc vấn đề. Có chuyên gia cho rằng, cách làm này càng làm cho “mục tiêu” trở thành di động và thậm chí là “tàng hình” và như vậy càng khó ngắm và “bắn” trúng đích. Vì khi ấy, như GS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, “các chủ nhà băng có thể phân thân thành cả phả hệ. Dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng như trở bàn tay”.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần nhận diện đúng bản chất để xác định đúng “mục tiêu”, từ đó tìm ra hướng giải quyết mới có thể xử lý được triệt để và hiệu quả; chứ không phải là thấy hiện tượng lộ ra chỗ nào, rò chỗ nào thì chỉ tìm cách bịt cái lỗ rò đó, càng không phải là bịt luôn cả những chỗ không rò để ngăn chặn từ xa như cách làm của Ngân hàng Nhà nước trong Thông tư 06.

Ngân hàng Nhà nước có cả hệ thống công cụ trong tay, từ cơ sở pháp lý đến hệ thống tổ chức và biện pháp kiểm tra, kiểm soát

Có người đặt câu hỏi: Tại sao Ngân hàng Nhà nước có cả hệ thống công cụ trong tay, từ cơ sở pháp lý đến hệ thống tổ chức và biện pháp kiểm tra, kiểm soát, nhưng bao nhiêu năm vẫn không làm rõ được tường tận vấn đề này, để rồi phải sử dụng biện pháp mang tính hành chính thô sơ là chặn khách hàng để hạn chế sở hữu chéo?

Có lẽ những người quan tâm đến vấn đề này không khó để chỉ ra có bao nhiêu ngân hàng sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước chắc càng biết rõ hơn ai hết, thế nhưng trong nhiều năm qua đều không chỉ rõ ra được sai phạm ở đâu, cụ thể như thế nào. Bởi nếu chỉ rõ được, "bắt tận tay day tận trán" thì đã xử lý rồi. Vậy thực chất câu chuyện này phải nhận diện như thế nào để có thể xóa bỏ, hay không giải quyết được tận gốc thì cứ siết chặt đối tượng vay để hạn chế sở hữu chéo, như là một giải pháp ngăn chặn từ xa để bảo đảm an toàn theo triết lý “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”?

Nếu chỉ cần biện pháp hạn chế vay như trong Thông tư 06 mà giải quyết được vấn đề sở hữu chéo, thì có lẽ “cuộc chiến” này đã không kéo dài và gian nan đến thế. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ khác, tỉ như điều kiện thành lập ngân hàng chẳng hạn, chứ không phải chỉ là điều kiện cho vay.

Hơn nữa, số ngân hàng sở hữu chéo chắc Ngân hàng Nhà nước không hề xa lạ, thậm chí các chuyên gia cũng đều có thể chỉ mặt vạch tên. Vậy vấn đề là kiểm tra, giám sát thế nào, nhất là sử dụng biện pháp hậu kiểm như thanh tra, kiểm tra để giám sát dòng tiền có lẽ sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Mặt khác, số ngân hàng này cũng không nhiều, vậy mà chỉ vì số ít ngân hàng có nguy cơ bắt tay với doanh nghiệp sân sau để che giấu nợ xấu, đảo nợ…, mà ngăn chặn cả cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, thì e không phải là giải pháp hợp lý, càng không phải là giải pháp tích cực cho cả doanh nghiệp và ngay cả với hệ thống ngân hàng thương mại.

***

Như vậy, một số biện pháp như trong Thông tư 06 quy định về một số trường hợp không được vay vốn, có thể nói không phải là biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn tín dụng, và cũng không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên, nó lại để lại hậu quả xấu cho doanh nghiệp khi bị ngăn chặn tiếp cận dòng vốn tín dụng, đồng thời cũng tác động tiêu cực đến ngay chính hệ thống ngân hàng bởi đang nắm giữ nguồn vốn rất lớn nhưng không thể cho vay mà có người ví như đang cầm hòn than cháy trên tay. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và thậm chí là cả nền kinh tế.

Vì vậy, rất cần sự nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, tích cực để sớm điều chỉnh Thông tư 06 theo hướng gỡ bỏ các thủ tục, điều kiện cho vay bất hợp lý, để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, góp phần khơi thông dòng tiền cho cả nền kinh tế và ngân hàng, từ đó giúp các doanh nghiệp và cả nền kinh tế từng bước phục hồi để tiếp tục phát triển. Chứ không phải bằng các biện pháp tiêu cực, để rồi kéo theo cả hệ thống cùng "chết chìm".

Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng nên lắng nghe và đặt mình vào địa vị của các doanh nghiệp, các ngân hàng để có cách giải quyết hợp tình hợp lý và mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế, thay vì chỉ đặt nặng tính an toàn cho nội bộ ngành mình.

Không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng, gỡ bỏ việc siết chặt điều kiện cho vay đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hay cấp phép xây dựng, là ngay lập tức phục hồi được thị trường bất động sản; nhưng ít nhất nó cũng không gây thêm khó khăn, như chất thêm gánh nặng lên cơ thể một con ngựa vốn đã kiệt sức này./.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8/2023 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Văn bản nêu rõ, trên cơ sở tờ trình số 120 của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành. 

Ngân hàng Nhà nước chủ động giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top