Aa

Bản tin BĐS 24h: "Khai tử" dự án đầu tư trung tâm thương mại 72 tầng

Thứ Ba, 24/11/2020 - 18:50

Hải Phòng "khai tử" dự án đầu tư TTTM 72 tầng; Bộ Xây dựng công bố báo cáo chi tiết, toàn diện về thị trường BĐS; giải mã 02 lý do khiến hiện tượng giá nhà tăng bất chấp là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h.

Hải Phòng "khai tử" dự án đầu tư trung tâm thương mại 72 tầng

Dự án Diamond 72 Tower tọa lạc ở vị trí đắc địa. (Ảnh phối cảnh của dự án)

UBND thành phố Hải Phòng vừa có Quyết định số 3525/QĐ-UBND ngày 23.11.2020 chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 2629/QĐ-UBND ngày 4.11.2019 của UBND TP. Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, quận Ngô Quyền.

UBND TP.Hải Phòng chấm dứt quyết định đầu tư dự án.

UBND TP giao các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, giải quyết các nội dung có liên quan (nếu có) khi chấm dứt hiệu lực của Quyết định số 2629 và báo cáo thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền.

Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương đầu tư tại Thông báo số 914-TB/TU ngày 31.10.2019; UBND thành phố Quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2629/QĐ-UBND ngày 4.11.2019.

Dự án có quy mô đầu tư Tổ hợp, khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao khoảng 70 tầng, dự kiến gồm 2 tầng hầm, 6 tầng đế và khối tháp cao 64 tầng, bao gồm cả tầng kỹ thuật và tầng lánh nạn với diện tích đất sử dụng 13.486,1m2…

Sau khi được UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, đến nay chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục để làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục của công trình Dự án gồm: Ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thuê đất thực hiện dự án tại Sở Tài nguyên và Môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công và cấp Giấy phép xây dựng công trình…

Bộ Xây dựng công bố báo cáo chi tiết, toàn diện về thị trường bất động sản

Báo cáo mới công bố của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý III/2020 bình quân trên cả nước tăng khoảng 10-25% so với quý II nhờ các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.

Về từng phân khúc, theo dữ liệu nghiên cứu của trang Batdongsan.com.vn, đối với nhà riêng để bán, mức độ quan tâm trong quý III/2020 tăng 25% so với quý II, nhà mặt phố tăng 19%. Tại các tỉnh phía Bắc, mức độ quan tâm đất thổ cư tăng 10%, đất nền dự án tăng 15%, trong khi nhà riêng giảm 12%.

Số liệu báo cáo từ 56/63 địa phương được Bộ Xây dựng tổng hợp cho biết, trong quý III/2020, toàn quốc có 36.884 giao dịch bất động sản thành công, trong đó TP.HCM đạt 6.722 giao dịch, tăng 70,6% so với quý II và Hà Nội đạt 2.966 giao dịch, tăng 119%. Tính theo khu vực, toàn miền Bắc có 10.220 giao dịch thành công, miền Trung là 14.582 giao dịch tại miền Nam là 12.082 giao dịch. Các giao dịch này tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân, còn lượng giao dịch bất động sản cao cấp giảm so với quý trước.

Đề cập cụ thể một số khu vực ở phía Bắc có diễn biến đáng chú ý, trang này cho biết, các khu đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng nổi bật theo vùng trong quý III là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý và tăng 2% theo năm; huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý và tăng 87% theo năm; huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng 9% theo quý và giảm 4% theo năm; huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý và tăng 66% theo năm; quận Dương Kinh (Hải Phòng) tăng 25% theo quý và tăng 19% theo năm; huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tăng 12% theo quý và tăng 61% theo năm… Tính chung, bất động sản Vĩnh Phúc được quan tâm nhiều nhất trong khu vực phía Bắc với tỷ lệ tăng 15% so với quý trước, tiếp theo là Quảng Ninh với mức tăng 9%, Hải Phòng có tỷ lệ tăng là 1%...

Thị trường không chỉ khôi phục về lượng giao dịch, mà tâm lý nhà đầu tư cũng đã vững hơn, thể hiện qua nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng nhanh cùng các hoạt động giới thiệu, ra mắt các dự án

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau 2 đợt giãn cách để phòng chống lây nhiễm Covid-19, từ đầu tháng 8/2020, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đã mở bán trở lại các dự án đã lên kế hoạch trước đó, đồng thời công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ mới và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho chiến lược lâu dài.

Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh tiềm năng của mảng bất động sản công nghiệp và xem đây điểm sáng nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới với nhiều yếu tố hỗ trợ như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và một trong số điểm đến là Việt Nam nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh…

Phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân cũng được đánh giá là giàu tiềm năng nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập của người dân ngày một cải thiện… kéo nhu cầu về nhà ở tăng cao.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cần chờ sang năm 2021 để thấy rõ hơn tín hiệu phục hồi, còn hiện tại là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch cho năm tới với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, thận trọng hơn theo diễn biến thị trường. Nhìn chung, với kỳ vọng những vướng mắc liên quan tới pháp lý tiếp tục được tháo gỡ, dịch bệnh Covid-19 kiểm soát tốt hơn, thị trường sẽ có nhiều triển vọng hơn.

Giải mã hiện tượng giá nhà tăng bất chấp

Lý giải vì sao giá nhà đất vùng ven đô tăng phi mã, các chuyên gia cho rằng, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì việc các chủ đầu tư các dự án này đưa ra mức giá như vậy là có lý do.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, thứ nhất, các dự án căn hộ này thuộc dự án quy mô lớn mà chúng ta thường gọi là đại đô thị được đầu tư các công trình tiện ích, dịch vụ, cảnh quan lớn phục vụ cho toàn dự án. Cư dân của các dự án căn hộ có thể được hưởng lợi từ việc đầu tư này.

Bên cạnh đó, sự khác biệt còn nằm ở chính công trình căn hộ, với những điểm nhấn về sự gia tăng thêm các tiện ích nội khu cũng như chất lượng hoàn thiện, hay điều kiện bàn giao. Thường thì các chủ đầu tư bàn giao dự án ở mức hoàn thiện cơ bản, nhưng với những dự án giá cao này, các chủ đầu tư có thể bàn giao thêm các điều kiện khác, chất lượng đồ tốt hơn.

Thứ hai, hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng từ khu vực trung tâm thành phố ra đến các dự án ven đô đang được cải thiện khá rõ ràng, khiến các chủ đầu tư có thể xem xét nhóm yếu tố này để đưa ra những mức giá đáng chú ý như vậy trên thị trường Hà Nội.

Theo các chuyên gia, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì việc các chủ đầu tư các dự án này đưa ra mức giá như vậy là có lý do. Ảnh: Tienphong

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 66 trong số 144 quốc gia về hạ tầng giao thông vận tải, và trong các nước ASEAN thì Việt Nam có mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng cao thứ hai chỉ sau Indonesia. Các mức giá đang được thông báo là mức dự kiến. Các chủ đầu tư sẽ cần thêm thời gian để quyết định có điều chỉnh hay giữ nguyên các mức giá này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý Bộ phận kinh doanh nhà ở, Savills Hà Nội cho rằng giá nhà ở tại các phân khúc đang ở mức tương đối hợp lý.

Trong tương quan với thị trường TP HCM, thị trường Hà Nội, thậm chí ở khu vực trung tâm, chưa từng ghi nhận mức giá lên đến 7.000 USD/ m2 hay 10.000 USD/ m2. Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường phục hồi dần dần, khách mua sẽ có tâm lý trông đợi các sản phẩm mới với các ưu đãi tốt về chính sách bán hàng. Vì vậy, dễ hiểu rằng phía các chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng đến chiến lược bán hàng nhìn trong các giai đoạn nhất định - từ 6 tháng, 1 năm đến 2 năm hoặc vài năm cho những dự án quy mô lớn. 

Lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản đang ghi nhận sự lệch pha cung cầu lớn trên nhiều phân khúc. Khảo sát cho thấy, đa phần nguồn cung tung ra thị trường đang bị tồn đọng lớn so với nhu cầu của khách hàng.

Sự lệch pha cung cầu thể hiện rất rõ trong phân khúc căn hộ. Điển hình như tại TP HCM, căn hộ vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống tức 25 - 30 triệu đồng/m2 gần như vắng bóng trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của người dân tại TP HCM với những sản phẩm này rất lớn.

Thị trường nhà ở ghi nhận tình trạng lệch pha cung - cầu lớn.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, hiện nay căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Song song đó, loại hình căn hộ hạng C hoặc căn hộ dưới 2 tỷ đồng đang ngày càng khan hiếm, phân khúc căn hộ hạng A và B trong quý III vừa qua chiếm phần lớn. Điều đó có nghĩa là cơ hội mua nhà của những người có nhu cầu ở thực với túi tiền vừa phải đang ngày càng xa hơn, khó khăn hơn. Về lâu dài, tình hình này nếu vẫn tiếp tục sẽ có nhiều ảnh hưởng không tốt cho thị trường và những mục tiêu nhà ở chung cho cả xã hội.

Báo cáo của DKRA cho hay, thị trường bất động sản vốn đã suy giảm từ cuối năm 2019. Đến năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và bất động sản cũng không ngoại lệ, thế nhưng giá bất động sản vẫn không giảm mà còn tăng cao. Đây có thể coi như một nghịch lý của thị trường.

Rõ ràng trong phân khúc căn hộ, biểu hiện lệch pha cung cầu rất lớn. Nếu như nhu cầu về căn hộ vừa túi tiền lớn thì nguồn cung lại khan hiếm. Ngược lại, thị trường lại ghi nhận lượng cung căn hộ trung và cao cấp quá lớn.

Nhận định về tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói: “Đây là biểu hiện lệch pha cung cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất”. 

Bất động sản tồn kho giảm dần

Tại báo cáo quý 3/2020, Bộ Xây dựng cho biết giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho bất động sản trong năm 2020 tính từ quý 1 đến quý 3/2020 đang giảm dần theo thống kê của Bộ Xây dựng.

Số liệu tồn kho được Bộ Xây dựng tổng hợp theo dõi tình hình thị trường bất động sản cũng như tổng hợp số liệu hàng tồn kho của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán và lượng hấp thụ các sản phẩm bất động sản mới trên tỷ lệ lượng cung sản phẩm bất động sản ra 2 thị trường bất động sản lớn (Hà Nội và TP.HCM) từ báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam.

Giá trị hàng tồn kho bất động sản đến hết năm 2019 ước tính khoảng 18.800 tỷ đồng. Con số này đến quý 3/2020 đã giảm dần.

Lý giải về việc tồn kho bất đốn sản giảm, Bộ Xây dựng cho rằng các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện và bối cảnh hiện nay; đồng thời bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Cùng đó, hiện các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã hoạt động trở lại. Tận dụng các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang lấy đà để phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.

Chính vì vậy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 3/2020 bình quân trên cả nước bằng khoảng 110-125% so với quý trước đó.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, lượng hàng tồn kho bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc căn hộ trung, cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư… được đầu tư xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top