Aa

Bàn về "tháo vát"

Thứ Năm, 19/09/2019 - 06:49

Vụ cháy xảy ra mới rõ là ngay cả đến số lượng hóa chất độc là thủy ngân đã phát tán bao nhiêu cũng không xác định gần chính xác được. Doanh nghiệp nói 1, còn phán đoán là có thể gấp đôi...

Khoảng những năm 70, 80 của thế kỷ trước, có một nhà báo của Liên Xô cũ thường trú nhiều năm tại Việt Nam, tôi nhớ hình như là Scvorsov. Ông ta có kể chuyện này:

Ở Việt Nam, ông di chuyển bằng chiếc xe Comangca. Từ chỗ mới tinh, nó bị xuống cấp rất nhanh, do lái xe (người Việt) nhìn chung không nghĩ đến chuyện bảo dưỡng. Nó còn chạy thì lái đi, thế thôi. Một hôm, xe bị chết thẳng cẳng ở quãng đường rất vắng vẻ. Nếu hình dung Miền Bắc nước ta thời gian cách đây 40 năm hoặc còn hơn nữa, có thể cảm thấy nỗi vô vọng. Hai bên là cánh đồng. Thỉnh thoảng mới có bóng người. Lái xe bất lực. Khi đó phương tiện liên lạc như điện thoại di động không có. Scvorsov, với chút hiểu biết không chuyên của mình, kiểm tra xe và thấy nó hỏng ở khu vực khá phức tạp. Cần thợ sửa chữa và xưởng sửa chữa mà tất nhiên là chẳng thể tìm ra.

Scvorsov thấy lái xe nói gì đó với người làm ruộng. Một hai giờ sau xuất hiện một người đàn ông đi xe đạp đến. Anh ta mở cái bao tải đồ nghề mà liếc nhìn đã thấy chẳng có thứ gì chuyên dụng cả. Scvorsov không hy vọng gì vào “ông lang vườn” này.

Người đàn ông nở nụ cười bẽn lẽn với “ông Tây”. Rồi mở xe ra hí hoáy. Scvorsov cảm thấy bất an khi “ông lang” này có cách sử khá tùy tiện và kỳ lạ. Anh ta thậm chí còn lấy những ống, dây nào đó trong cái túi đồ lề của mình để đấu nối này nọ trong xe. Nhà báo Liên Xô cho là cuộc chữa chạy này chẳng đi đến đâu, như thể nó hỏng rồi người ta chữa kiểu cho nó hỏng hẳn.

Kỳ lạ là sau thời gian khá lâu, “ông lang” ra hiệu bảo đã chữa xong. Lái xe leo lên và… xe nổ máy.

Scvorsov nhận xét thế này: Các bạn Việt Nam là những người khá kỳ lạ. Khi chiếc xe còn mới, họ dùng nó như tàn phá, biến nó thành một đống sắt đồng nát trong thời gian ngắn kỷ lục. Khi nó đã là đống đồng nát rồi, thì họ là những thiên tài với kho mưu mẹo vô hạn để đống sắt ấy tiếp tục chạy theo kiểu nào đó. Phải nói là họ rất giỏi!

Đó là nhận xét của một người Nga. Trên thế giới chưa thấy ai nói sự cẩn thận, nề nếp là đức tính của người Nga. Ở châu Âu, người ta nghĩ người Nga có phần ẩu. Nhưng ngay người Nga cũng phải khâm phục dân ta trong cả hai khía cạnh: Ẩu và tháo vát sau khi ẩu.

Tôi cứ nghĩ về một điều: Sau gần nửa thế kỷ, “nét đặc trưng” dễ mến này của chúng ta đã hết chưa? Chắc là còn lâu mới hết. Khi có những cuộc thi quốc tế tay nghề thợ, người Việt thường đoạt giải. Nhưng chất lượng lao động xuất khẩu lại thường rất có vấn đề. Khéo léo, tháo vát khắc phục tình huống là kỹ năng được rèn luyện trong sản xuất thủ công. Nó rất quý - dĩ nhiên là thế. Nhưng ở dây chuyền công nghiệp cái cần nhất lại là tính kỷ luật, nề nếp, tuân thủ quy trình. Sáng kiến hay tháo vát là cái cộng thêm, chứ không thể là cái dùng để bù đắp thiếu hụt các phẩm chất cần thiết nọ.

Tuy nhiên, với người thợ có lẽ khắc phục đặc điểm cố hữu trên không khó, khi họ được rèn luyện trong môi trường quản lý, trong quy trình chặt chẽ.

Vấn đề là kiểu cẩu thả rồi tháo vát để bù đắp hậu quả nó đâu chỉ thể hiện trong lĩnh vực công việc người lao động. Nó thể hiện trong các lĩnh vực khác, ở các cấp độ khác nữa.

Một đơn vị chẳng hạn. Có cơ hội mở ra mảng hoạt động mới. Tuyển người, và có cơ hội rất lớn để có một đội ngũ mới tinh. Rồi tuyển và có thật một lớp người mới giỏi giang, nhiệt huyết, học hành bài bản, và cái chính là đang có khao khát trong sáng khẳng định mình trong công việc. Rồi những con người trẻ ấy bị ném vào một môi trường làm việc rất lủng củng về quy trình, không lành mạnh về tâm lý, đạo lý. Họ nhanh chóng bị cụt hứng, rồi nhiễm những cái tật xấu có xung quanh họ. Hoặc thành hãnh tiến, cầu cạnh. Hoặc thúc thủ, chán chường, mất niềm tin vào sự công bằng, mất động lực làm việc. Hậu quả tất nhiên sẽ dẫn đến đơn vị ì ạch và rệu rã. Khi đó thì sao? Thì hàng loạt biện pháp kêu gọi, tác động, phong trào này nọ để “nâng cao đạo đức, ý thức, trình độ”… Tất cả vào cuộc, từ doàn thanh niên đến công đoàn, các hội, rồi các loại nghị quyết, biện pháp… Bạn thấy bức tranh này có quen không? Với tôi thì khá quen thuộc đấy.

Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Quản lý một khu vực? Nói đâu xa, vụ cháy kho Rạng Đông vừa xảy ra. Bao nhiêu năm có quyết định của Chính phủ là phải di dời các cơ sở kiểu này ra khỏi vùng nội đô. Các quy định về quản lý hóa chất độc hại chắc chắn không thiếu. Vụ cháy xảy ra mới rõ là ngay cả đến số lượng hóa chất độc là thủy ngân đã phát tán bao nhiêu cũng không xác định gần chính xác được. Doanh nghiệp nói 1, còn phán đoán là có thể gấp đôi. Chứng tỏ việc kiểm soát chất độc hại này trong hoạt động bình thường của doanh nghiệp từ cơ quan nhà nước không ra sao cả. Từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân. Nói như thế khác nào bảo một người “Nom anh chắc chỉ trong tầm từ 30 đến 60 tuổi, không thể sai được!”. Khi hậu quả đã có rồi, thì khen nhau chuyện đã làm tốt “bốn này, ba kia”, nhờ tích cực tại chỗ nên dập được cháy. Nhưng nói chung riêng vụ này, sự tháo vát sửa hậu quả nghe chừng cũng ít. Nên bàn đến đó thôi.

Cũng chưa xa vụ Formosa xả thải làm biển khốn đốn. Xảy ra rồi mới thấy hầu như chẳng có cơ chế gì theo dõi kiểm soát hoạt động của cái nhà máy thép to đùng và hiển nhiên thuộc loại dễ gây hậu quả môi trường này. Thậm chí chẳng cơ quan trung ương hay địa phương nào có công cụ và đường tuyến quy trình nào để theo dõi. Xảy ra rồi thì sao? Một loạt chuyện tháo vát của các ngành. Từ ăn cá đến tắm biển. Dĩ nhiên đấu tranh buộc Formosa phải nhận lỗi là việc tốt. Một thành công. Nó có thể không phải cần đến nếu trước đó các nề nếp bình thường về giám sát được thực hiện.

Tôi nghĩ kể thêm ra những ví dụ thì dễ lắm.

Sai thì phải tích cực sửa. Đúng thế. Nhưng có lặp đi lặp lại quá nhiều không một loại sự việc: Rất cẩu thả trong quản lý, thiếu quy trình, hoặc nhiều hơn là có quy trình nhưng chẳng làm. Hậu quả xảy ra. Sau đó thì “cả hệ thống vào cuộc”, phát huy mọi tinh thần, mọi biện pháp, mọi cấp, mọi ngành, mọi sáng kiến, mọi nỗ lực, mọi hy sinh, mọi truyền thống… để khắc phục điều lẽ ra đã không xảy ra, nếu không cẩu thả.

Thôi hãy chỉn chu đi, để khỏi phải xoay sở tháo vát. Dĩ nhiên tháo vát cũng là cái hay, cái tốt, nhưng không phải là cách để thay thế cho sự nề nếp, chỉn chu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top