Aa

Từ một vụ cháy

Thứ Năm, 12/09/2019 - 06:30

Vụ cháy này đã làm bộc lộ ra một vấn đề lớn, là khủng hoảng về trình độ quản lý xã hội, trình độ ứng phó sự cố an sinh...

Những gì xảy ra sau vụ cháy ở kho Rạng Đông là khủng hoảng môi trường hay khủng hoảng truyền thông?

Khủng hoảng môi trường có thể được hiểu là khi môi trường sinh thái bị mất cân đối trầm trọng theo hướng có thể dẫn đến những tác hại cấp tính hoặc lâu dài cho cuộc sống con người. 

Vụ cháy ở kho Rạng Đông được đánh giá là một sự cố môi trường ở cấp độ trung bình. Các chuyên gia y tế thiên về đánh giá rằng với các số liệu quan trắc đo được, lượng thủy ngân phát tán không thể dẫn đến các tác hại ngay lập tức trên diện rộng đối với con người. Tiếp xúc dư lượng thủy ngân gấp hàng ngàn lần các số đo hiện có tại các điểm đã đo mới có thể làm con người bị nhiễm độc thủy ngân ngay lập tức. 

Tuy nhiên, vào thời điểm nào đó, với ai đó, nếu tiếp xúc với lượng thủy ngân phát tán do cháy nhưng chưa bị phân tán, là nguy hiểm. Do vậy, vẫn cần có một loạt những biện pháp phòng ngừa. Có nghĩa là sự cố này không thể gây hại diện rộng, nhưng không thể loại trừ có những người cụ thể bị nhiễm độc khi có mặt gần nơi cháy hoặc vô tình tiếp xúc với lượng thủy ngân khi nó đậm đặc, khi nó có thể “đọng lại” một cách tự nhiên ở những điểm bất kỳ nào đó. Cũng có nghĩa là thủy ngân khi phát tán rồi có thể theo nguồn nước lan truyền và ảnh hưởng đến các nguồn thức ăn kể cả nơi xa đám cháy.

Khủng hoảng truyền thông là khi mất cân đối trầm trọng giữa nhu cầu được cung cấp thông tin xác thực và nguồn cung cấp thông tin xác thực. Từ đó có thể xuất hiện các thông tin mâu thuẫn, có thể gây trạng thái hoảng loạn. Trạng thái này có thể thành yếu tố chủ đạo ngay cả khi thông tin xác thực đã có nhưng muộn màng.

Không cẩn là chuyên gia cũng thấy sự hoảng loạn trong tâm lý người dân cư trú gần đám cháy và sự lo lắng của những người dân Hà Nội là có thật. Sự thiếu vắng thông tin xác thực trong nhiều ngày là có thực.

Như vậy, một cuộc khủng hoảng truyền thông rõ ràng là đã và đang có.

Nhưng thật phiến diện nếu cho rằng đây đơn thuần là khủng hoảng truyền thông. Thật bất công nếu chê trách người dân đã lo lắng thái quá.

Người dân phải lo cho con cái mình, cho bản thân mình. Đó là quyền đầu tiên của họ. Không có nỗi lo lắng nào là vô lý cả.

Một lần đến nhà người bạn, tôi ngạc nhiên khi thấy bàn ghế, tủ, giường… trong nhà anh, toàn bộ đều thuộc dạng đắt tiền, cầu kỳ, nhưng các góc đều bị cưa để tròn lại một cách rất vụng về. Cảm giác như đồ đạc bị sứt mẻ lộn xộn. Chính chủ nhà đã làm điều đó, vì trong nhà có đứa bé hai tuổi, và anh sợ nó ngã va đầu vào các cạnh góc sắc của đồ đạc. Có thể đứa bé chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngã va đầu vào các thành góc cạnh sắc, nhưng sự lo lắng của anh bạn có thái quá không? Tôi nghĩ rằng hoàn toàn không. (Sau này tôi thấy có những cửa hàng bán các bọc cạnh bằng nhựa mềm. Sẽ không cần phải cưa gọt các góc cạnh của đồ gỗ nữa). Hoàn toàn không có gì là thái quá, khi các ông bố bà mẹ của 320 đứa trẻ tại trường Tiểu học Hạ Đình quyết định xin cho con nghỉ học để sơ tán. Đó là con của họ, họ rứt ruột đẻ ra, họ không thể không lo lắng và không hoảng sợ.

Lãnh đạo phường Hạ Đình, ngay khi chưa hề có một số liệu quan trắc nào về độc hại hóa chất sau vụ cháy, đã cảnh báo người dân những biện pháp bảo vệ khỏi nhiễm độc. Cần phải nói rằng các cảnh báo ấy chắc chắn họ không tự nghĩ ra mà đã có những tư vấn của người làm khoa học am hiểu vấn đề. 

Theo nguyên tắc đã văn bản hóa của các tổ chức y tế thế giới, khi xảy ra sự cố kiểu này, quy trình phòng ngừa phải được khởi động luôn, không đợi các kết luận khoa học. Lãnh đạo phường này đã hành động đúng về khía cạnh khoa học, đúng về khía cạnh đạo đức công vụ, đúng cả về khía cạnh con người thông thường – như anh chủ nhà đề phòng cưa các góc nhọn của những bộ đồ nội thất đắt tiền vì lo cho con cái. Thật mỉa mai là vì điều đó, sém chút nữa lãnh đạo phường này bị kỷ luật.

Bộ đội hóa học dùng mặt nạ phòng độc khi tham gia xử lý hậu quả vụ cháy.

Sau vụ cháy, người dân thấy điều gì? Họ thấy:

Hóa ra là, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh di dời tất cả các cơ sở công nghiệp có nguy cơ phát tán độc hại khỏi nội thành, nơi đông dân cư. Và lệnh ấy chưa hề được thực hiện.

Hóa ra là, khi sự cố xảy ra, không thể hy vọng “chủ nhà” đám cháy (ở đây là Công ty Rạng Đông) cung cấp trung thực các thông tin về khả năng nguy hại có thể có. Thậm chí họ còn có thể đã nói dối.

Hóa ra là, khi người dân hoang mang, họ không thể nhận được một khuyến cáo rõ ràng, kịp thời từ chính quyền (Ở đây trước hết là cấp quận, nơi nói là sẽ đợi kết quả quan trắc. Sau đó là cấp thành phố, nơi sau cả tuần mới thấy lên tiếng).

Hóa ra là, có rất nhiều các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý hùng hậu, nhưng thông tin về mức độ độc hại, về chuyện an toàn hay không an toàn, lại chậm trễ và thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Quận vừa thông tin các cơ quan khoa học và y tế có số liệu quan trắc an toàn, chỉ vài giờ sau chính một cơ quan quan trắc đã bác bỏ. Thứ trưởng Bộ chuyên trách vừa công bố chỉ số quan trắc này, thì một đơn vị khác lại đưa ra con số quan trắc khác. Về mặt khoa học có thể hiểu được sự khác nhau này, về mặt tâm lý, sự khác nhau ấy làm tăng lo lắng.

Hóa ra là, một sự cố “cỡ trung bình” mà hàng tuần trôi qua, các cấp các ngành vẫn ì ạch và không có một cấp nào, không có một người có trách nhiệm và quyền lực nào trả lời được câu hỏi cho bố mẹ của 320 em học sinh kia: "Có cần thiết phải cho con đi sơ tán không hay nên để con cái đi học bình thường?". Người ta không thể không đặt câu hỏi: "Nếu là sự cố không phải là trung bình mà nghiêm trọng hơn thì sẽ trông cậy vào ai hay phải tự mình xét đoán?".

Hóa ra là, một hệ thống truyền thông nhà nước đồ sộ nhưng cũng lúng túng không kém người dân. Cũng phải thôi vì họ biết nói gì cho chính xác khi nguồn tin và cách xử trí của các cấp quản lý còn chưa rõ ràng?

Người ta còn có thể kể ra nhiều cái “Hóa ra là...” nữa.

Và việc mang mặt nạ phòng độc và khẩu trang khi thị sát trước đó cũng thành một đề tài "khủng hoảng".

Không có nghĩa tách bạch riêng ra các đơn vị và các cấp không có những nỗ lực. Nhưng lực lượng hùng hậu về khoa học và quản lý như các ngón tay tõe ra, không tập trung vào thành nắm tay. Cho nên tựu trung thì: Hóa ra là, không thấy một quy trình rõ ràng xử lý tình huống có sự cố an sinh, mặc dù lực lượng cho chuyện đó thì không thiếu.

Vậy thì đây không đơn giản quy về là một cuộc khủng hoảng truyền thông. Kể cả nếu sự cố môi trường vừa qua (hy vọng) không lớn đến mức quá nguy hiểm, thì nó vẫn khiến bộc lộ ra một vấn đề lớn, là khủng hoảng về trình độ quản lý xã hội, trình độ ứng phó sự cố an sinh.

Không khắc phục được chuyện này, thì hậu quả là khủng hoảng niềm tin. Khắc phục nó khó hơn rất nhiều so với khắc phục hậu quả của bất kỳ vụ cháy nào.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top