Aa

Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu: "Chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi"

Nguyễn Hà/ Ảnh: Quốc Phú
Nguyễn Hà/ Ảnh: Quốc Phú lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 11/06/2020 - 12:00

Đó là một trong những lời giải cho bài toán phát triển nguồn thu của các cơ quan báo chí được nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Tổng biên tập: "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" diễn ra sáng nay (ngày 11/6).

Diễn đàn Tổng biên tập: "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” được tổ chức tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là tọa đàm mở cho các nhà quản lý báo chí và các cơ quan báo chí truyền thông luận bàn về những khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay, những giải pháp gỡ khó để báo chí hoạt động hiệu quả và các bệ đỡ từ chính sách Nhà nước trong bài toán phát triển nguồn thu của báo chí.

Báo chí sau cơn bão Covid -19: Bài toán nguồn thu càng trở nên cấp bách

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguồn lực báo chí và những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh.

“Với 900 cơ quan báo chí ở cả ba loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của truyền thông chính thống”, ông Phúc nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận cho hay, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã trở thành bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với các cơ quan báo chí.

Theo nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, phần lớn các tòa soạn bị giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí, vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.

“Làm thế nào để tìm kiếm nguồn thu mà vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giúp báo chí ổn định và phát triển thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời”, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy khẳng định.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay cũng bày tỏ, có lẽ chưa bao giờ ngành báo chí rơi vào khó khăn như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 giống như một giọt nước tràn ly khiến ngành báo chí nước nhà không tránh khỏi những mất mát đầy tiếc nuối. Báo in giảm phát hành, báo điện tử thì mặc dù lượng đọc tăng nhưng quảng cáo gần như không có bởi doanh nghiệp khó khăn. Ngay cả các hợp đồng truyền thông đã ký trước đó cũng bị đình lại.

“Các đơn vị đã phải tạm đình bản, rất nhiều các cơ quan báo chí phải thực hiện những quyết sách rất đau lòng đó là cắt giảm chi phí, điều chỉnh lương, nhuận bút, thậm chí sa thải bớt lao động”, nhà báo Lưu Quang Định cho hay.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, doanh thu thuần túy từ hoạt động báo chí đã không còn đủ trang trải cho tờ báo trong nhiều năm nay: “Buộc chúng tôi phải chuyển hướng tìm kiếm những nguồn thu khác, như hội nghị, hội thảo, đầu tư tài chính, công ty truyền thông nhưng đều không đáng kể. Để giải quyết bài toán tồn tại hay không tồn tại, báo Tiền Phong buộc phải làm một việc không mong muốn là cho phép phóng viên được tham gia trực tiếp làm kinh tế báo chí, mời gọi các hợp đồng quảng cáo và truyền thông".

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, nếu kịch bản ảnh hưởng hậu Covid-19 xảy ra theo hướng xấu, báo Tiền Phong có thể cạn nguồn dự trữ tích lũy được trong nhiều năm. “Một kịch bản gần như không thể tránh khỏi là phải xem xét cắt giảm thu nhập của phóng viên vào cuối năm nay, khi mức thu nhập bình quân vốn dĩ đã không cao”.

“Chức năng của báo chí cách mạng là rất lớn, trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp thông tin nhiều chiều mang tính phản biện, thẩm định những thông tin “mênh mông” của mạng xã hội. Vậy làm sao để báo chí tồn tại và hoàn thành những nhiệm vụ đó trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”, nhà báo Lê Xuân Sơn đặt câu hỏi.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong.

Chính sách ổn định - “bà đỡ” cho kinh tế báo chí

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Nhà nước nên làm rõ các chính sách về kinh tế báo chí, liên quan đến hoạt động kinh doanh trong mặt báo và ngoài mặt báo. Bên cạnh đó, Nhà nước phải duy trì việc đặt hàng các báo trong việc tuyên truyền chính sách và trả phí cho việc tuyên truyền đó. Đây là việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng và khẳng định vai trò của báo chí.

“Tất cả những kế hoạch, hướng đi mà cơ quan báo chí đề ra chắc chắn sẽ không thể thành công nếu không có một “môi trường” thích hợp. “Môi trường” đó chính là những chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề báo chí làm kinh tế. Các chính sách liên quan đến vấn đề này hiện nay đang thiếu hoặc không rõ ràng”, nhà báo Lưu Quang Định nói.

Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cũng đề nghị, cần có chính sách bắt buộc các nhà mạng chia sẻ các nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, cần có quy định bảo vệ bản quyền cho báo chí. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, bản quyền đang là vấn đề sống còn.

"Các trang tin điện tử “ăn trên lưng” của báo chính thống. Những bài báo chất lượng vừa mới “ra lò” đã bị các công cụ quét của các trang tin điện tử lấy về. Đó là những “cửa hàng bách hóa” tổng hợp những sản phẩm tốt, khách hàng sẽ đến đó chứ không đến nhà mình. Vậy ai sẽ đọc những bài báo tốt đó ở trên các trang báo chí chính thống?", lãnh đạo một cơ quan báo chí chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & đô thị, các cơ quan báo chí không thể tự bảo vệ bản quyền cho mình được, cần phải có cơ quan chuyên trách bảo vệ bản quyền cho bảo chí. “Lúc đó, vấn đề vi phạm bản quyền, “ăn cắp” thông tin của các cơ quan báo chí mới có thể giảm”.

Bên cạnh đó, theo ông Đức, Chính phủ phải có nghị định, quy định về chi ngân sách dành cho truyền thông báo chí. Cần một chỉ thị mới mang tính chất bao trùm, phù hợp về việc cần phải có định mức tài chính chi cho báo chí, truyền thông.

Các tổng biên tập cũng cho rằng, cần xem báo chí là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Do đó, trong bối cảnh khó khăn, báo chí vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình và tự chủ kinh tế để chăm lo cho CBNV, nhiều tổng biên tập đề nghị nên miễn, giảm thuế, phí cho cơ quan báo chí.

“Nhà nước cần xem xét ưu tiên miễn giảm một số loại thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế gia trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... để các cơ quan báo chí có điều kiện chăm lo cho đời sống CBNV và “may ra” có một phần tích lũy để tiếp tục phát triển. Đây cũng là hình thức Nhà nước đầu tư phát triển sự nghiệp báo chí một cách công bằng nhất”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam kiến nghị.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam 

Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn cũng đặt vấn đề, “có nên đánh thuế thu nhập doanh nghiệp báo chí hay không khi những tổn thất mà báo chí đấu tranh thu về cho các cơ quan Nhà nước là rất lớn?"

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư.

Giải pháp nào để gia tăng nguồn thu?

Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí truyền thông, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí cần phải có chiến lược phát triển lâu dài, có thể đứng vững trước những “cơn bão” càn quét mang tính toàn cầu.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi cho biết, ở thời điểm hiện tại “Nội dung vẫn là vua còn công nghệ là nữ hoàng, các cơ quan báo chí ngoài việc phát triển nội dung thì rất cần phải quan tâm đến yếu tố kỹ thuật”. Nếu không có công nghệ, một tờ báo lớn thậm chí có thể thua các blogger về độ lan tỏa thông tin.

Cũng theo vị này, quảng cáo báo chí hiện nay chưa được minh bạch hóa, thậm chí có sự hỗn loạn, chưa có sân chơi lành mạnh cho cơ quan báo chí. Miếng bánh quảng cáo đang bị chia ra rất nhiều, nhiều trang tin điện tử, trang mạng đã “sống ký sinh” trên cơ thể các cơ quan báo chí nên dù nhiều tờ báo có nội dung tốt nhưng vẫn không có nguồn thu và rất khó khăn. Do đó, buộc các cơ quan báo chí phải chủ động tạo nền tảng công nghệ cho mình để đảm bảo việc tiếp cận công chúng một cách hiệu quả.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo.

Về câu chuyện này, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp mà cũng là câu chuyện của cơ quan báo chí. Phát triển báo chí điện tử, xây dựng các trang fanpage trên Facebook, lập các kênh Youtube đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là hướng đi có thể giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là kinh phí đầu tư ở đâu khi đang phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được tình hình mới.

Do đó, vị này cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng vững chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông công nghệ... đào tạo “phóng viên đa nhiệm”, làm việc hết mình chứ không hết giờ cũng là vấn đề mà các cơ quan báo chí cần quan tâm lúc này.

Liên quan đến giải pháp tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ, vấn đề kinh tế báo chí với bài toán tạo lập, phát triển nguồn thu là nỗi lo thường trực với hầu hết những người làm lãnh đạo các cơ quan báo chí từ nhỏ đến lớn trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xả ra khiến cho nền kinh tế đất nước và thế giới chao đảo.

“Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn, trăn trở đó. Tuy nhiên, chúng tôi xác định tinh thần chung là cần phải tìm cho mình một hướng đi riêng, linh hoạt ứng phó với thực tế và chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi”.

Theo nhà báo Phạm Nguyễn Toan, chủ động thay đổi và đa dạng các nguồn thu là cách mà Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam duy trì hoạt động và đảm bảo thu nhập tương đối tốt cho CBNV và có một phần tích lũy. Theo đó, các giải pháp phát triển nguồn thu mà Tạp chí đang thực hiện đó là quảng cáo, truyền thông cho doanh nghiệp (chiếm 40%); xuất bản các ấn phẩm, đặc san, báo cáo chuyên đề; tổ chức sự kiện như diễn đàn, hội thảo, tọa đàm... Mỗi năm, Tạp chí tổ chức từ 10 - 12 sự kiện lớn nhỏ và 2 - 3 đề tài khoa học tập trung vào phản biện, đánh giá, xếp hạng, phản biện và quảng bá tiềm năng cho thị trường bất động sản Việt Nam. Hoạt động này chiếm 30% doanh thu và lợi nhuận của Tạp chí.

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng, với một cơ quan báo chí tự chủ thu chi, nguồn thu vẫn nằm chủ yếu từ quảng cáo đến từ các doanh nghiệp và các tổ chức, bên cạnh nguồn thu từ phát hành và một số hoạt động ngoài mặt báo khác. Vậy mấu chốt của phát triển nguồn thu là phát triển các mối quan hệ bền chặt với cộng đồng doanh nghiệp hay nói cách khác là có sự đồng hành khăng khít hơn. 

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư.

Theo đó, để đi cùng được với nhau lâu dài, chỉ có thể chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện để đảm bảo cân đối thông tin, phát hiện và nêu được những câu chuyện hấp dẫn về làm ăn chân chính, hiệu quả, đóng góp của doanh nghiệp cho xã hội, đồng thời là tiếng nói để các doanh nghiệp chấn chỉnh cái sai nhưng không triệt tiêu sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam cũng đồng tình, các cơ quan báo chí cần đổi mới cách "kiếm tiền" theo hướng đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Ông Văn lấy dẫn chứng về sai phạm thiếu giấy phép của doanh nghiệp và hàng loạt các thủ tục khác mà doanh nghiệp phải trải qua khi tiến hành phát triển các dự án: “Đó là một khó khăn lớn của họ. Tại sao các cơ quan báo chí không hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong việc chất vấn các cơ quan Nhà nước tháo gỡ các thủ tục hành chính mà lại đi “hành” doanh nghiệp, soi mói những sai phạm không mong muốn?”.

“Nếu đổi mới tư duy đồng hành cùng với doanh nghiệp thì sẽ giải quyết được nhiều câu chuyện chứ không chỉ là câu chuyện nguồn thu, câu chuyện kinh tế”, ông Văn nói.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho rằng, thực tế nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành... Dù thế nào thì việc sút giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua. 

"Vòng xoáy cơm áo gạo tiền sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo. Do đó, báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, tạo dòng chảy chính của thông tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem", ông Phúc khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top