Aa

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với chung cư: Làm gì để không "chết yểu" trên bàn giấy?

Thứ Bảy, 07/04/2018 - 06:01

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, áp dụng từ ngày 15/4/2018, nghị định này sẽ thay thế nghị định số 35/2003/NĐ-CP trước đó.

Theo đó, tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ. 

Thực tế, dù có quy định từ rất lâu nhưng cả chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân đều không mặn mà với bảo hiểm cháy nổ. Chỉ đến khi vụ cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM) xảy ra, nhiều cư dân và cả chủ đầu tư mới giật mình mới tìm hiểu về bảo hiểm này.

Vậy nghị định số 23/2018/NĐ-CP ra đời có những điểm mới đặc biệt gì, có khắc phục được tình trạng thờ ơ trước "giặc lửa" của nhiều chủ đầu tư và cư dân sống trong các tòa cao ốc? Và làm thế nào để nghị định thực sự mang hơi thở của cuộc sống chứ không đơn thuần được đưa ra rồi "chết yểu" trên bàn giấy?

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các vị khách mời: Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần bảo hiểm quân đội MIC, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci và ông Vũ Hồng Thành, Giám đốc Ban quản lý và vận hành tòa nhà Ecohome.

PV: Mới đây, nghị định số 23/2018/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, theo đó, từ 15/4/2018 tất cả nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ. Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến Nghị định này có những điểm mới, khác biệt nào so với trước?

Bà Nguyễn Thị Hải Yến: Nghị định 23/2018/NĐ-CP Chính phủ ban hành mới đây có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 một lần nữa quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư. Theo quy định trong nghị định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Trong nghị định này có nhiều điểm mới đã nêu rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp công trình chưa nghiệm thu PCCC, không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC, biên bản kiểm tra đã quá hạn 1 năm...

Tôi thấy có nhiều điểm thay đổi như: Quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng, nguyên tắc tham gia, bồi thường, mức thu và chế độ quản lý sử dụng đối với quỹ PCCC; Quy định cụ thể hơn về số tiền bảo hiểm: Đối tượng có nguy hiểm cháy nổ phải mua toàn bộ giá trị tài sản; Quy định tỷ lệ phí tăng cao cho những ngành kinh doanh nguy cơ cháy nổ; Mức khấu trừ quy định linh hoạt hơn.

Việc thực hiện nghị định này sẽ có vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn PCCC như:

Khi xảy ra cháy nổ, thông qua bồi thường bảo hiểm sẽ giúp các cơ quan tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục thiệt hại và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Góp phần nâng cao nhận thức và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ, tạo nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động nghiệp vụ tuyên truyền, đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC.

Khi mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhà chung cư sẽ được rất nhiều lợi ích và quyền lợi từ gói bảo hiểm này đem lại. Khi xảy ra sự cố thì sẽ được bảo hiểm tài sản, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm những tổn thất, thiệt hại về vật chất.

Khi có hỏa hoạn cũng như những sự cố cháy nổ xảy ra thì các thiệt hại về vật chất là không hề nhỏ. Do đó, việc mua bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư sẽ hỗ trợ chi phí sửa chữa cũng như xây mới cho căn hộ của mình.

Sau vụ cháy ở chung cư Carina, nhiều chung cư khác cũng xảy ra hỏa hoạn dù mức độ nhẹ hơn

Sau vụ cháy ở chung cư Carina, nhiều chung cư khác cũng xảy ra hỏa hoạn dù mức độ nhẹ hơn

PV: Dưới góc độ là chủ đầu tư, ông Vũ Hồng Thành đánh giá thế nào về tính khả thi của nghị định?

Ông Vũ Hồng Thành: Theo tôi, việc mua bảo hiểm cháy nổ theo nghị định số 23/2018/NĐ-CP Chính phủ là rất thiết thực vì đảm bảo quyền lợi cho cả cư dân và chủ đầu tư tránh được những tổn thất lớn nếu xảy ra sự cố cháy nổ. Khi có sự cố xảy ra, đơn vị bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại tùy theo cam kết trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị bán bảo hiểm cũng thường xuyên hỗ trợ tư vấn, giám sát tòa nhà trong việc thực hiện các quy định về PCCC và làm giảm thiểu các rủi ro liên quan đến công tác PCCC.

PV: Bà Nguyễn Thị Hải Yến và ông Vũ Hồng Thành đều nhìn nhận nghị định số 23/2018/NĐ-CP mới đưa ra là rất cần thiết trong bối cảnh công tác PCCC của các chung cư đang ở mức báo động. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, chủ đầu tư thì thờ ơ còn cư dân vẫn đang rất mơ hồ về vấn đề này, phải chăng từ nghị định đến cuộc sống là một khoảng trống quá lớn, thưa luật sư Nguyễn Văn Tú?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Ta có Luật PCCC năm 2001, sửa đổi năm 2013; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi năm 2010; Luật Xây dựng quy định về bảo hiểm công trình xây dựng. Tuy nhiên, để điều chỉnh quan hệ bảo hiểm ở công trình xây dựng chứa nguồn nguy hiểm cao độ như chung cư cao tầng lại chưa có quy định rõ ràng. Xét trong điều kiện bối cảnh này thì Chính phủ ban hành Nghị định 23 là cần thiết. Nghị định 23 tuy rằng có cụ thể hơn so với những quy định trước nhưng thực chất vẫn là hiện tượng chung chung, thiếu đồng bộ, chưa sát thực.

Khi áp dụng nghị định, các thiệt hại sẽ được bảo đảm hơn đó là cái tích cực. Tuy nhiên, mức độ bảo hiểm e rằng chưa thực sự bảo đảm.

Theo quy trình, một văn bản pháp luật trước khi đưa ra cần lấy ý kiến rộng rãi và phải nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến mới được ban hành. Tuy nhiên, các nghị định trước đây cũng như bây giờ về bảo hiểm cháy nổ chưa được người dân nắm bắt hết. Về nghị định 23 mới đây thì văn bản chưa tới tầm, chưa có nghiên cứu sâu sắc nên tôi nghĩ sẽ khó có thể thực hiện được một cách hiệu quả và phát huy hết tác dụng. Nghị định này mang tính chung chung, chưa vạch ra được nguyên tắc cụ thể về chi phí bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm. 

PV: Như luật sư Nguyễn Văn Tú vừa phân tích, những nguyên tắc về chi phí bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm trong Nghị định quá chung chung. Phải chăng vì thế nên những quy định về bảo hiểm PCCC chưa được người dân quan tâm, hay trong quá trình áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc ở khâu nào, thưa bà Nguyễn Thị Hải Yến? 

Bà Nguyễn Thị Hải Yến: Việc quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với chung cư có từ năm 2003, nhưng thực tế hầu như người dân chưa thực sự quan tâm để thực hiện, họ không hề biết họ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Khá nhiều tài sản có mặt trong công trình nhưng không được mua bảo hiểm và khá nhiều thiệt hại không được bảo hiểm. Khi không có hóa đơn thì không thể ấn định được phí tài sản như thế nào và sẽ không thể xác định được quyền lợi của người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Tú

 

Hiện nay, số lượng chung cư trên địa bàn các thành phố lớn khá nhiều nhưng số lượng người dân ý thức mua bảo hiểm cho căn hộ của mình rất ít (một số chỉ mua bảo hiểm trong trường hợp căn hộ thế chấp vay ngân hàng).

Theo tôi, người Việt Nam chưa có thói quen ở nhà cao tầng nên ý thức về an toàn, đặc biệt là PCCC ở chung cư chưa cao. Bởi vậy, nhiều cư dân chưa quan tâm đến loại hình bảo hiểm cháy nổ như một phương tiện bảo vệ an toàn tài chính cho bản thân và gia đình. Hầu hết mọi người vẫn nghĩ không cần thiết phải mua bảo hiểm cháy nổ và không nhận thức được mức độ thiệt hại, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra đối với các khu dân cư, tòa nhà cũng như không muốn bỏ ra chi phí để mua bảo hiểm. Cư dân chưa thẩm thấu được quy định bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ đối với phần diện tích riêng của tòa nhà. Chủ đầu tư chưa tuyên truyền mạnh mẽ khiến cư dân vẫn còn cảm thấy lạ lẫm đối với quy định.

Về phía chủ đầu tư, ban quản trị của tòa nhà cũng không tham gia bảo hiểm để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, trách nhiệm mua bảo hiểm trong rất nhiều các khu chung cư đang bị đùn đẩy giữa chủ đầu tư tòa nhà và hộ dân sinh sống tại đó. Các hộ gia đình thì chưa hiểu rõ được hết ý nghĩa của loại bảo hiểm cháy nổ này mà chủ đầu tư thì né tránh trách nhiệm mua bảo hiểm cho tòa nhà.

Bên cạnh đó, đã có quy định về chế tài xử phạt về việc giám sát, tuân thủ việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với các khu chung cư, tòa nhà. Tuy nhiên, việc quản lý và xử phạt của cơ quan chức năng vẫn còn chưa khắt khe vì thế mà tình trạng các đơn vị, cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mà vẫn chưa mua vẫn còn tồn tại.

Tôi nghĩ nghị định mới này là cần thiết nhưng để có hiệu quả, cơ quan quản lý cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn nữa để mọi người đều tuân thủ nghiêm chỉnh, tránh các trường hợp như trước đây, có Nghị định nhưng vẫn không thực hiện được. 

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

PV: Dưới góc độ đơn vị quản lý tòa nhà, theo ông Vũ Hồng Thành, vì sao các chủ đâu tư, ban quản lý lại "né" bảo hiểm như vậy?

Ông Vũ Hồng Thành: Thực tế khi bàn giao nhà, các chủ đầu tư thường chỉ định đơn vị quản lý vận hành để vận hành tòa nhà trong thời gian chưa thành lập ban quản trị. Do không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực vận hành tòa nhà nên một số chủ đầu tư thường phó mặc cho đơn vị quản lý vận hành thực hiện, do đó dẫn tới tình trạng tòa nhà không được mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định.

Mặt khác, việc mua bảo hiểm do các đơn vị quản lý vận hành thực hiện với nguồn chi phí mua bảo hiểm lấy từ phí dịch vụ thu từ cư dân, do đó việc một số tòa nhà không mua bảo hiểm theo quy định cũng có một phần lỗi rất lớn từ đơn vị quản lý vận hành.

PV: Hiện nay, các quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với chung cư đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, không phải cứ mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà chung cư là được công ty bảo hiểm bồi thường tất cả khi có sự cố xảy ra thưa bà Nguyễn Thị Hải Yến?

Bà Nguyễn Thị Hải Yến: Căn cứ vào yêu cầu của chủ đầu tư hoặc của cư dân, bảo hiểm sẽ trực tiếp đến địa điểm bảo hiểm được yêu cầu để thẩm định tài sản yêu cầu tham gia bảo hiểm qua chủ đầu tư, qua các chứng từ của chủ đầu tư thể hiện.

Qua thực tế tại địa điểm xây dựng trong quá trình công trình chưa đi vào nghiệm thu thì bảo hiểm sẽ tư vấn chủ đầu tư tham gia gói bảo hiểm xây dựng lắp đặt đồng thời có thể cấp bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo thời hạn từ khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong vòng 1 năm.

Còn trong trường hợp những bảo hiểm vẫn cố bán ra đối với tòa chung cư chưa nghiệm thu thì khi xảy ra hậu quả cháy nổ, trách nhiệm của bên bảo hiểm sẽ căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa hai bên, quy tắc bảo hiểm kèm theo các nghị định để thực thi. Trong trường hợp xảy ra tổn thất đối với tài sản bên trong ngôi nhà, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường theo giá trị tổn thất thực tế của ngôi nhà và tài sản trong nhà. Tuy nhiên, số tiền bồi thường sẽ không vượt quá giá trị tham gia bảo hiểm.

PV: Bản chất của câu chuyện mua bảo hiểm PCCC vẫn là để người dân nâng cao ý thức hơn cũng như khi xảy ra những rủi ro hỏa hoạn, sẽ giảm thiểu được một phần thiệt hại về tài chính. Vậy để nghị định đi vào từng tòa cao ốc chứ không đơn thuần nằm trên bàn giấy, theo luật sư Nguyễn Văn Tú, cần phải khắc phục những bất cập nào?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Theo tôi, để nghị định thực sự đi vào cuộc sống cần khắc phục những vấn đề sau:

Thứ nhất, mức bảo hiểm sẽ căn cứ vào phí bảo hiểm. Mà phí bảo hiểm lại tính dựa trên tài sản có hóa đơn đang có tại công trình. Đây là vấn đề nan giải vì Việt Nam ta vốn không phải có nền văn hóa hóa đơn. Mặt khác, Nghị định cũng loại trừ khá nhiều trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm bảo hiểm lẽ ra không nên miễn trừ. Ví dụ như miễn trừ các thiệt hại: Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ; Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính; Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai

Do vậy, khá nhiều tài sản có mặt trong công trình nhưng không được mua bảo hiểm và khá nhiều thiệt hại không được bảo hiểm. Khi không có hóa đơn thì không thể ấn định được phí tài sản như thế nào và sẽ không thể xác định được quyền lợi của người dân.

Thứ hai là, nghị định 23 và quy định pháp luật có liên quan đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (BHCNBB). Vì vậy, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân mua BHCNBB đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ngành các cấp, trong đó chú trọng một số vấn đề sau: Tăng cường tuyên truyền phổ biến về PCCC và bảo hiểm cháy nổ, tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thực hiện về quy định BHCNBB, tăng cường kiểm tra giám sát đối với doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHCNBB...

Ngoài ra, cần khắc phục việc nghị định đưa ra quá chung chung, mục đích thì tốt nhưng đến khi thực hiện thì không biết phải làm thế nào. Để nghị định trở nên thiết thực hơn thì cần nói cụ thể về nguyên tắc bảo hiểm, phí bảo hiểm... Và cần sự cụ thể để người dân cũng như chủ đầu tư nắm bắt và thực hiện tốt, tránh tình trạng Nghị định ban hành nhưng "chết yểu" trên bàn giấy. 

Thông tin từ Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, tính đến ngày 4/4, mới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố mua bảo hiểm cháy, nổ. Trong số 179 chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ, có khoảng hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp.

Tính đến ngày 2/4, địa bàn thành phố vẫn tồn tại 29 công trình vi phạm quy định về an toàn PCCC trong đầu tư xây dựng, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục. Cơ quan Cảnh sát PCCC thành phố nhận định, tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

PV: Xin cảm ơn các chuyên gia đã tham gia cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top