Gần 11 giờ trưa, trời nắng gay gắt, bà Kha vẫn cố nán lại bán nốt mẻ cốm rồi mới về nghỉ. Hà Nội trong những ngày mùa thu, chẳng thế mà tôi dễ dàng bắt gặp bà với thúng cốm ngay ở cổng làng Vòng. Bà Kha năm nay 80 tuổi, là người nhiều tuổi nhất trong số những người ngồi bán cốm quanh khu vực này. Cổng làng giờ được xây to, đẹp hơn nên việc buôn bán của người dân thôn Hậu (tên khác của làng Vòng) cũng nhờ thế thuận lợi hơn.
Không ai biết làng nghề nức tiếng đất Hà thành này có từ bao giờ, chỉ biết, khi xưa làng Vòng thuộc vùng ngoại thành phía Tây Hà Nội, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nay đã trở thành khu vực trung tâm nằm trên con phố Trần Thái Tông. Gọi là làng nhưng những đặc trưng của làng thì nay đã không còn, thay cho những ngôi nhà ngang mái ngói là các dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. “Gọi là làng nhưng có phải là làng nữa đâu, thành phố rồi!”, chị chủ quán tạp hóa nhỏ cạnh cổng làng vừa cười vừa nói.
Sau quá trình đô thị hóa, diện mạo ngôi làng nghề truyền thống trước kia dường như đã biến mất hoàn toàn. Bà Kha cho biết: “Ngày xưa, ở đây nhà toàn được lợp bằng rơm rạ, nhà nào giàu thì mới được lợp bằng ngói. Nhưng bây giờ xã hội tân tiến rồi, không còn những ngôi nhà như thế nữa, toàn những ngôi nhà cao to đẹp đẽ”. Bà kể, xưa kia ở đây chủ yếu là đồng ruộng, nhiều người làng sau này xây được nhà to là nhờ tiền đền bù ruộng đất, ngoài ra có không ít cư dân hiện giờ là dân tứ xứ đến mua, thuê nhà ở. Thế nên, nhà "mọc lên như nấm", nhưng dân gốc ở làng bây giờ hiếm khi gặp được nhau.
Nhắc đến nghề làm cốm, bà Kha thở dài rồi nói: “Bây giờ ở đây chỉ còn mỗi 5 nhà làm cốm thôi. Người ta đi làm ăn buôn bán bên ngoài hết, còn ai thích làm cái nghề này nữa đâu. Nhà tôi các cháu cũng đi làm cho công ty ngoài hết. Chứ chúng nó bây giờ mà phải dậy từ 2 giờ đêm đi mua lúa về làm thì vất vả lắm”.
Theo lời kể của bà, hàng ngày, người em họ ngoài 60 tuổi của bà vẫn đi lấy lúa non từ nơi khác đưa về để cùng bà làm cốm. Còn con cháu chỉ thỉnh thoảng phụ bà bán hàng và giao hàng cho khách. Bà nuối tiếc cho cái nghề đã từng gắn bó với tuổi thơ và đi cùng mình theo năm tháng. Cả một làng nghề nức tiếng mà nay chỉ còn 5 hộ gia đình giữ nghề. Chẳng biết vài năm nữa, liệu còn mấy người theo nghề?
Khi quá trình đô thị hóa tràn qua làng, nó mang đến nhiều cơ hội hơn cho lớp trẻ nhưng cũng cuốn đi nhiều giá trị truyền thống của một làng quê kiểu cũ, để lại không ít tiếc nuối trong lòng những người thuộc thế hệ trước. Bà Kha là một người gắn bó với làng Vòng từ khi sinh ra nên được chứng kiến nhiều thăng trầm của một ngôi làng đã từng rất bình yên. Bà tâm sự, cuộc sống bây giờ nhà nào biết nhà đấy. Về nhà thì mỗi người một việc. Ra đường người làng gặp nhau cũng chỉ chào nhau một tiếng rồi đi, ít khi mọi người trò chuyện với nhau như xưa. Thế nên, nếu không đi bán cốm, bà chỉ biết quanh quẩn ở nhà.
Làng Vòng ngày nay đã khác xa cái thời chỉ cần một ấm trà cũng nên câu chuyện rôm rả của những người cùng thế hệ với bà Kha. Nhịp sống thành thị đã ăn sâu vào đời sống của người dân nơi đây. Không còn là mớ rau, con cá, mẹt cốm như xưa, ngày nay, "tấc đất tấc vàng", người ta tận dụng từng mét vuông đất để làm nơi kinh doanh quán ăn, nhà nghỉ, cửa hàng tiện lợi, quán karaoke...
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cốm, bà Kha chỉ vào chiếc cân nhỏ cũ kĩ và nói đó là kỷ vật theo bà suốt 41 năm, "có người trả một tỷ cũng không bán", bởi bà đã từng cân cốm cho vợ nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bằng chiếc cân này. Bà nói, bà sống trong làng nghề nên những kỷ niệm đẹp nhất đều là gắn bó với nghề gia truyền. Mặc dù không dám khẳng định diện mạo làng Vòng sẽ còn thay đổi thế nào trong tương lai nhưng bà vẫn mong làng Vòng sẽ giữ mãi được cái “hồn”, giữ được nghề và không để nó bị mai một theo thời gian.