Aa

“Soi” động lực tăng trưởng của các ngân hàng lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

Thứ Bảy, 08/02/2020 - 06:00

Ngoài những gương mặt cũ như Vietcombank, Techcombank thì câu lạc bộ ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng năm nay có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới như BIDV, VPBank,… Đâu là động lực tăng trưởng của nhóm này?

Đến thời điểm này, câu lạc bộ các ngân hàng cán đích lợi nhuận trước thuế trên chục nghìn tỷ đồng đã gọi tên lần lượt các ngân hàng gồm Vietcombank, Techcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank và MB.

Đứng đầu về lợi nhuận trước thuế năm 2019 trong nhóm này là Vietcombank với con số vượt mốc 1 tỷ USD. Vị trí Á quân thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với lợi nhuận trước thuế đạt 12,8 nghìn tỷ, tăng 31,5% so với 2018 và thu nhập hoạt động đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, nối tiếp chuỗi tăng trưởng doanh thu 17 quý liên tiếp. Vietinbank năm 2019 đứng thứ 3 với lợi nhuận riêng lẻ 11.500 tỷ đồng, tăng 83%. Xếp vị trí thứ 3 và thứ 4 là Agribank, BIDV với mức báo lãi trước thuế lần lượt hơn 11.000 tỷ đồng và 10.800 tỷ đồng.

Sau đó là VPBank với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2019 đạt mức cao nhất trong lịch sử 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018. Ngân hàng Quân đội (MB) lấy lại phong độ khi bước chân vào nhóm ngân hàng lãi khủng với lợi nhuận trước thuế vượt 10.036 tỷ đồng.

Giống nhau ở nỗ lực tăng trưởng của các chỉ số kinh doanh, tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại chọn cho mình một lợi thế cạnh tranh khác nhau.

Ảnh minh họa.

Tại MB, tính đến 31/12/2019, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 240.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15,5% so với năm 2018. MB tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân theo định hướng phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng 23%, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của ngân hàng. Tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng từ 36,0% năm 2018 lên 38,4% năm 2019.

MB là ngân hàng đi đầu trong việc kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu năm 2019 của ngân hàng đã giảm từ 1,22% năm 2018 xuống mức 0,98% năm 2019. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng cũng có sự tăng trưởng tốt. Huy động vốn của MB đạt mức 275.000 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với cuối năm 2018. Huy động vốn không kỳ hạn tăng trưởng cao trong quý 4 với tỷ lệ tăng từ 33,4% thời điểm cuối quý 3 lên 38,2%.

Năm 2019, MB ghi nhiều dấu ấn trong hoạt động kinh doanh nhờ tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án chiến lược thuộc các chuyển dịch then chốt bao gồm ngân hàng số, nâng cao quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty thành viên, ra mắt hệ sinh thái số dành cho doanh nghiệp...

Với VPBank, động lực chính giúp ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục là sự đột phá ở các phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó lý giải vì sao lợi nhuận từ ngân hàng mẹ ngày càng đóng góp tỷ trọng nhiều hơn vào lợi nhuận hợp nhất.

Bằng cách tập trung khai thác sâu tệp khách hàng cá nhân hiện hữu, song song với việc đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng hệ sinh thái thông qua những sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, lợi nhuận đến từ phân khúc khách hàng cá nhân đã tăng hơn 120% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận trong phân khúc khách hàng cá nhân của VPBank từ trước đến nay. Kết quả này đạt được sau nhiều năm tập trung đầu tư các hệ thống nền tảng theo hướng một ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Hoạt động kinh doanh trong các phân khúc khách hàng doanh nghiêp cũng đã bứt phá mạnh mẽ trong năm qua. Trong đó, lợi nhuận đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 36% và phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn cũng được cải thiện đáng kể so với năm 2018.

Trong khi thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu hợp nhất của ngân hàng, lãi thuần từ phí dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, 84,2%, trong năm 2019, đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là nếu tính về số tuyệt đối, VPBank là một trong những ngân hàng có doanh thu phí dịch vụ lớn nhất hệ thống. Tăng trưởng doanh thu từ phí dịch vụ chủ yếu hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh thẻ, hợp tác bán bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Một gương mặt cũ vẫn giữ phong độ về kết quả kinh doanh là Techcombank lại ghi dấu ấn ở con số thu nhập lãi thuần đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018. Thu nhập ngoài lãi tăng 23,4%2 so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6,8 nghìn tỷ đồng và chiếm 32,3% tổng doanh thu. Chi phí dự phòng giảm 50,3% nhờ chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập vẫn được kiểm soát tốt ở mức 34,7%, giữ vững theo mục tiêu ban đầu của ngân hàng. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản đạt 2,9%, là mức cao nhất trên thị trường và khẳng định thành công của chiến lược rủi ro thấp - lợi nhuận cao của Techcombank.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top