Thông tin này được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận Thanh tra số 785/KL-TTCP, về việc Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; Công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang đất kinh doanh, xây dựng nhà ở; Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011 - 2019.
Cụ thể, kết luận thanh tra nói rằng, về thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Sở Xây dựng và một số Sở ban ngành liên quan không đạt yêu cầu trong việc chuyển đổi vị trí công tác liên quan đến phòng chống tham nhũng.
Cụ thể, trong kỳ thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương ban hành nhiều Kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Kết quả kiểm tra: hầu hết các địa phương đơn vị được kiểm tra đều triển khai, thực hiện việc báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng theo Thông tư 03/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, nhiều đơn vị, địa phương không ban hành các kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, không báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Quyết định số 3822/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ về việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng (theo NĐ số 158/2007/NĐ-CP; NĐ 150/2013/NĐ-CP) còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, trong kỳ thanh tra, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 1.042 trường hợp. Qua kiểm tra tại 20 đơn vị, địa phương, kết quả cho thấy các đơn vị, địa phương có tổ chức thực hiện nhưng chỉ mang tính hình thức, còn nhiều tồn tại.
Nhiều đơn vị hàng năm hoặc không xây dựng kế hoạch chuyển đổi hoặc xây dựng không đầy đủ, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (95%); không công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (85%).
Các trường hợp được chuyển đổi không thực hiện thông báo trước 30 ngày đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (85%). Nhiều đơn vị không báo cáo người có thẩm quyền đối với các trường hợp không chuyển đổi được vi phạm khoản 5 Điều 1 Nghị định 150/2013/NĐ-CP (85%). Nhiều đơn vị không ban hành quyết định chuyển đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (70%).
Nhiều trường hợp thực hiện việc báo cáo không đầy đủ hoặc không báo cáo, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 158/2007/NĐ-CP (60%).
Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các địa phương, đơn vị thực hiện pháp luật trong việc chuyển đổi vị trí công tác liên quan đến phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu gồm: Sở Xây dựng; Sở Nội vụ; Sở Y tế...
Đối với tuyển dụng viên chức, Thanh tra Chính phủ kiểm tra 9 đợt tại 4 đơn vị, kết quả: việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng cơ bản thực hiện theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn còn một số tồn tại, đó là không lập danh sách hoặc không có tài liệu chứng minh việc niêm yết đầy đủ danh sách người đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 29/2012/NĐ-CP (66,7%); Không công khai đầy đủ hoặc không có tài liệu chứng minh việc niêm yết kết quả tuyển dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 29/2012/NĐ-CP (55,6%); Không công khai theo các quy định khác tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 15/2012/TT-BNV; Điều 1 Thông tư 04/2012/TT-BNV (33,3%).
Đối với tuyển dụng công chức cấp xã, qua kiểm tra 9 đợt tại 8 địa phương còn một số tồn tại. Cụ thể, Bình Dương thực hiện không đầy đủ việc thông báo tuyển dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 112/NĐ-CP (44,4%); không lập hoặc không có tài liệu chứng minh việc công khai danh sách người đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/NĐ- CP (100%). Tỉnh cũng chưa công khai kết quả thi tuyển chưa đầy đủ (không công khai trên cổng thông tin điện tử...) theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 112/NĐ-CP (66,7%).
Về việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch thủ tục hành chính, Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành được UBND tỉnh công bố và tổ chức công khai là 1988 thủ tục hành chính. Trong đó, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành là 1536, UBND cấp huyện là 277; UBND cấp xã 137; các cơ quan khác là 38 thủ tục hành chính.
Về công khai, minh bạch trong mua sắm và đầu tư xây dựng cơ bản, qua kiểm tra về công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản tại 11 sở, ngành và 9 đơn vị cấp huyện với 70 gói thầu (trong đó có 31 gói xây dựng cơ bản thuộc 31 dự án).
Kết quả, các chủ đầu tư cơ bản thực hiện việc công khai, minh bạch theo quy định như đăng thông báo mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu... của Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc công khai minh bạch trong quá trình triển khai mua sắm và thực hiện dự án còn một số tồn tại ở tất cả các đơn vị được kiểm tra, cụ thể (Phụ lục 07- BD-TTTN) có 87,1% (27/31 dự án) chưa thực hiện công khai theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật số 27/2012/QH13; có 15,7% hồ sơ mời thầu (HSMT) vi phạm quy định tại điểm i khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013; có 20% gói vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Luật Đấu thầu 2013./.