Tranh cãi đầu tư trong hay ngoài trung tâm
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội đang có khuynh hướng trái ngược nhau.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, Hà Nội chào bán 26.800 căn, tăng 37% so với cùng kỳ, tổng lượng bán được 21.271 căn, tăng 21% so với cùng kỳ, với giá bán thị trường sơ cấp tăng nhẹ 3%, trung bình 1.337 USD/m2 (31 triệu đồng/m2).
Trong khi đó tại TP.HCM, lượng cung chào bán chỉ 21.619 căn, giảm 3% so với cùng kỳ nhưng tiêu thụ tăng 2%, với 23.922 căn, mức giá bán bình quân trên thị trường sơ cấp 1.851 USD/m2 (43 triệu đồng/m2), tăng 15% so với cùng kỳ 2018.
Đại diện CBRE Việt Nam cũng đưa ra dự báo thị trường bất động sản năm 2020 xoay quanh 4 yếu tố: Thị trường sẽ có thêm nhiều dự án, hình thành các đô thị lớn khu vực cận trung tâm TP.HCM như Bình Chánh, Nhà Bè… Nhiều công trình hạ tầng liên tỉnh đang hoàn thiện giúp TP.HCM và khu vực lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… phát triển các khu đô thị mới và thu hút vốn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để cạnh tranh, các chủ đầu tư phải đưa ra nhiều sản phẩm mới theo hướng tập trung vào tiện ích của người dân và tối đa hóa diện tích sử dụng.
Nhiều diễn giả tham gia Hội thảo Bất động sản Forbes Vietnam năm 2019 cho rằng, những quỹ đất “sạch” về pháp lý, đã bồi thường và giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại tại trung tâm ngày càng khan hiếm.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tài chính Doanh nghiệp, Novaland, cũng nhìn nhận các công ty bất động sản đang phải vừa tìm kiếm quỹ đất tốt vừa phải chào bán ra thị trường với mức giá chấp nhận được.
Còn ông Will Học Nhân, Phó Giám đốc cấp cao Kinh doanh và Marketing, Alpha King, cho rằng giá bán cũng là vấn đề lớn, người dân muốn mua nhà để ở sẽ khó thể đáp ứng được.
Để giải bài toán khó tiếp cận quỹ đất ở trung tâm các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, nhiều công ty bất động sản đang chủ động tiếp cận các quỹ đất mới theo hướng mở rộng ra các khu vực ngoại vi.
Ngược lại, với quan điểm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ông Ivor Cosimo Jencks, Tổng Giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh bất động sản thương mại khu vực Nam Á, HongKong Land, lại khẳng định, HongKong Land không có kế hoạch đầu tư ra ngoài TP.HCM, bất chấp những khó khăn đang phải đối mặt như vấn đề tiếp cận quỹ đất và xin cấp phép dự án.
“Chúng tôi có chiến lược rất rõ ràng, thành phố vệ tinh không phải là điều chúng tôi tìm kiếm. Tôi nghĩ các công ty phát triển bất động sản nước ngoài khác cũng sẽ không đi ra ngoài thị trường tuyền thống ở khu vực trung tâm”, ông Ivor Cosimo Jencks nhấn mạnh
Ba dự báo cho thị trường
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Dragon Capital, đưa ra 3 dự báo trong ngắn hạn cho thị trường bất động sản cao cấp, trung cấp và các công ty kinh doanh bất động sản.
Ở phân khúc đầu tiên - bất động sản cao cấp, sức nóng vẫn tiếp tục nhưng có thể giảm dần trong tương lai. Gần như các dự án hiện có trên thị trường đều được bán hết. Tuy nhiên, mức giá giữa 2 thị trường bất động sản sơ cấp và thứ cấp đang có chênh lệch lớn, ở mức 20 - 30%.
Đối với thị trường bất động sản tầm trung, tăng trưởng ổn định sẽ là xu thế trong dài hạn. Mức thu nhập bình quân đầu người tăng, và số lượng tầng lớp trung lưu tăng nhanh đột biến sẽ tạo ra nguồn cầu dồi dào. Vấn đề còn lại nằm ở các nhà đầu tư liệu có đủ nguồn cung cho khách hàng hay không.
Cuối cùng, ông Tuấn nhận xét các doanh nghiệp bất động sản có thể đã gặp khó khăn khi huy động vốn trong khoảng 2 - 3 năm qua vì ngân hàng siết tín dụng. Nhưng giai đoạn khó khăn đã qua, và tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp có thể nghĩ tới việc phát hành trái phiếu như một hình thức huy động vốn hợp lý.
Các sếp muốn đầu tư vào đâu?
Căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ ở các khu đô thị lõi và thậm chí là đầu tư vào các công ty công nghệ… là lựa chọn đầu tư theo quan điểm cá nhân của các lãnh đạo công ty bất động sản.
Chẳng hạn, theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT, Cengroup Holdings, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ khó khăn trong 2 - 3 năm tới. Quan điểm của ông Hưng về sự lựa chọn là sẽ đầu tư vào bất động sản du lịch, nhất là các dự án du lịch trải nghiệm.
Ông Võ Sỹ Nhân, Giám đốc điều hành, Empire City, cho rằng sẽ thận trọng với các dự án đầu tư mới vì thị trường vẫn chưa thật sự khởi sắc. Do đó, quan điểm của ông Nhân là sẽ đầu tư vào các dự án đang tạo ra nguồn thu. Ông Nhân cũng cho biết đầu tư vào công ty công nghệ là lựa chọn thứ hai của ông sau các dự án bất động sản vì mức độ tăng trưởng của nhóm này trong thời gian qua khá ấn tượng.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Wyeren Yap Vooi Soon, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Gamuda Land, cho rằng ông vẫn hứng thú với các dự án phức hợp trong khu trung tâm. Bởi quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam là xây dựng một khu dân cư mà gia đình nhiều thế hệ có thể sống và phát triển bền vững. Nếu dư dả hơn, ông sẽ mua thêm dự án căn hộ nghỉ dưỡng.
Còn theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Bất động sản An Gia, ông sẽ chọn các dự án đầu tư nằm trong tầm kiểm soát rủi ro vì trong bất động sản không biết trước được điều gì, ứng với mỗi loại hình bất động sản sẽ có mức hấp dẫn và độ rủi ro khác nhau. Theo ông Sáng, cách tốt nhất là đừng "bỏ trứng vào một rổ" trong thời gian tới.