Ban thờ tổ tiên là biểu hiện cho lời dặn dò con cháu ngàn đời: "Ly hương bất ly tổ" của người Việt.
Trong một chuyến qua Lào, tôi mới ghé thăm nhà anh Chu Hồng Quảng. Biết bố mẹ anh Quảng ở với anh bên này nên chúng tôi đến nhà riêng của anh để thăm ông bà cụ. Từ hôm trước, tôi ở khách sạn của anh, sáng dậy đi sớm không ghé thăm được ông bà nên hôm sau tôi mới đến thăm.
Anh Quảng và anh em đến ở Viêng Chăn, Lào đã gần 20 năm.
Sáng đó tôi nhờ anh Kiên, em anh Quảng chở tôi. Đến nơi, tôi được mời ngồi nơi sảnh ngoài ngôi nhà, ở đây anh đặt bộ bàn ghế gỗ tạc từ gốc cây theo lối tự nhiên. Mấy phút sau thì anh Quảng ra và mời tôi vào phòng khách chính.
Đập vào mắt tôi khi bước vào phòng khách là gian thờ tổ tiên. Tôi rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến ban thờ tổ tiên trang nghiêm và bề thế nơi nhà anh. Ban thờ tổ tiên được anh đặt trang trọng ngay chính gian nhà giữa, nơi phòng khách lớn.
Nơi đất khách Lào, thế mà anh đã sắm sửa một ban thờ thờ tự tổ tiên đầy đủ, bề thế và trang nghiêm như thế này, không thể nói là vì nhà khá giả hay có điều kiện được, mà chính là ở cái tâm của anh với tổ tiên.
Trên đất nước Việt Nam, hay đến quê người nơi xứ lạ, khi người Việt xây dựng ngôi nhà cho mình, dù bề thế đến đâu, nhìn vào ban thờ tổ tiên ta mới biết được ý thức người chủ Việt xem nơi ở đó là tạm hay lâu dài. Nếu xem đất Lào, chỉ là nơi kiếm tiền, là tạm, tôi nghĩ, anh Quảng đã không thiết lập một ban thờ như vậy.
Khi trò chuyện nhiều với anh, mới biết anh đã mua cả phần đất lo hậu sự cho ông bà cụ và gia đình anh ở Lào. Như vậy, anh đã xem đây là quê hương thực sự. Anh đã có lý do để gắn bó với vùng đất mới này, không chỉ dừng lại ở đời anh. Anh cũng đã đưa bố mẹ anh qua đây sống cùng ở ngôi nhà này trên đất Lào.
Ngôi nhà người Việt, dù được xây dựng đơn sơ hay bề thế thì người Việt cũng ý thức rất rõ, nơi ngôi nhà mình vừa xây dựng lên đó, không chỉ có chủ nhân là mình tồn tại, cư ngụ trong đó. Nơi đó, còn có cha và mẹ đang sinh tiền, nếu không ở cùng thì mình cũng mong được đón cha mẹ về chơi và sống cùng dăm ba bữa hay tuần lễ, để trước là mình có dịp gần và chăm sóc cha mẹ, sau là các cháu được chơi với ông bà.
Ngôi nhà của người Việt, tất cả, đều được xây dựng lên trong tâm tưởng đó. Và nơi đó, còn một đối tượng nữa, vô cùng quan trọng, không thể thiếu, đó là tổ tiên của người chủ nhà.
Nơi anh Quảng sống, có thể được gọi là tiện nghi, anh tự thấy mình có điều kiện hơn ngày trước, anh nghĩ ngay đến làm sao để cha mẹ anh được cùng hưởng.
Người Việt, khi thành công hay có chút ăn chút để, họ nghĩ ngay đến cha mẹ mình trước. Đó là cội nguồn gần nhất của họ, của người chủ nhà, là anh hôm nay. Nhưng trên ông bà thân sinh của anh, cội nguồn của cha mẹ anh, còn ai nữa và họ ở đâu?
Trên ta, tổ tiên hay cội nguồn gần nhất là cha và mẹ. Trên cha và mẹ, ta có ông và bà. Ông bà thì có nội ngoại... Cứ như vậy hình dung lên, người Việt thấy cội nguồn mình, giống nòi mình từ gần đến xa xưa, được biểu thị và tôn thờ, hiện hữu thiêng liêng nơi ban thờ tổ tiên.
Trước ban thờ thờ phụng tổ tiên, khi thắp một nén nhang, dâng một đĩa hoa, đĩa quả hay ngọn nến đèn dầu... họ thấy mình được kết nối với tổ tiên, thấy gần gũi trong huyết thống giống nòi dân tộc niềm biết ơn sâu xa.
Ly hương. "Hương", anh Quảng đã "ly". Anh đi xa để tìm nơi mình có thể sinh sống và tồn tại, nuôi dưỡng được con cái, hỗ trợ được anh em... Nhưng "tổ", dù ở nơi đâu, anh cũng không rời, "không ly".
Truyền ngôn muôn đời của giống nòi Việt, rất rõ: Ly hương chứ không ly tổ. Ban thờ tổ tiên anh để tâm huyết để thiết đặt nơi ngôi nhà anh giữa đất Lào xứ người, là tổ, là cội nguồn mà anh ý thức rất rõ để nhớ ơn, để tự hào mình có gốc rễ.
Đó là văn hóa, là bản sắc để đánh dấu dấu ấn văn hóa của một người gọi là người Việt: “Có thờ có thiêng".
Ban thờ tổ tiên nơi xứ xa đất khách, người Việt ngoài ý nghĩa biết mình mang ơn giống nòi nguồn cội, còn muốn thừa hưởng năng lượng hùng hậu của tổ tiên từ Việt Nam vạn cổ anh linh che chở.
Đó cũng là nói lên đạo lý của người Việt. Người Việt đi qua quá trình lập quốc, hình thành giống nòi đã tạo nên nền đạo lý vô cùng nhân văn cho dân tộc mình. Đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn"!