Aa

Bất động sản 24: Giới đầu cơ chiếm lĩnh thị trường nhà đất Đông Anh

Chủ Nhật, 03/11/2019 - 10:43

Giới đầu cơ chiếm lĩnh thị trường nhà đất Đông Anh; FDI vào bất động sản leo thang và nỗi lo “cá lớn nuốt cá bé”... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Giới đầu cơ chiếm lĩnh thị trường nhà đất Đông Anh

Đầu tháng 10, liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã chính thức động thổ dự án thành phố thông minh có quy mô lớn nhất cả nước và cũng là lớn nhất Đông Nam Á tại Đông Anh (Hà Nội).

Được biết, dự án thành phố thông minh có quy mô 272ha, tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD, được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài với chiều dài khoảng hơn 11 km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Siêu dự án trải dài trên địa phận các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (Đông Anh), dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028.

Ngay sau khi siêu dự án động thổ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá đất tại Đông Anh liên tục nhảy múa. Hàng loạt thông tin rao bán đất tại 3 xã có dự án tọa lạc đều "ăn" theo công trình này. So với cuối năm ngoái, rất nhiều lô đất có mức tăng 50-60%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

FDI vào bất động sản leo thang và nỗi lo “cá lớn nuốt cá bé”

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng vừa cho biết, trong 10 tháng năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ.

Tính từ đầu năm đến nay, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) nổi lên như một điểm sáng trên thị trường; trong đó, khối ngoại tiếp tục chiếm ưu thế với hàng loạt thương vụ đình đám.

Trong số các thương vụ M&A bất động sản đình đám phải kể đến việc CapitaLand hoàn tất mua lại Ascendas and Singbridge Pte. Ltd để trở thành một trong những tập đoàn bất động sản đa ngành lớn nhất châu Á với hơn 123 tỷ đô la Singapore giá trị tài sản quản lý.

Nổi tiếng không kém là sự kiện Tập đoàn Hòa Bình bán cổ phiếu cho Hyundai Elevator thông qua việc phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu với giá chào bán 23.000 đồng/cổ phiếu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dòng vốn của khách Hà Nội đang hướng vào bất động sản nghỉ dưỡng

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2019 của Batdongsan.com.vn cho thấy với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, bên cạnh sức hút của những thị trường truyền thống, phân khúc này đang chứng kiến sự trỗi dậy của những thị trường mới nổi.

Cụ thể, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu là 3 địa phương đứng đầu về mức độ quan tâm của người tìm kiếm và số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước. Phú Yên, Bình Thuận và Phú Quốc xếp ở các vị trí kế tiếp về mối quan tâm của người dùng. Không khó để nhận ra, những thị trường truyền thống là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc vẫn nằm trong top đầu tìm kiếm của người dùng. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của những thị trường mới nổi như Phú Yên, Bình Thuận và Vũng Tàu.

Số liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy có trên 130 dự án condotel, biệt thự biển, nhà phố thương mại tại hơn 10 tỉnh/thành phố được rao bán trong quý III/2019. Hầu hết các dự án condotel, biệt thự biển được quan tâm nhất tập trung ở miền Trung và miền Nam. 5 tỉnh thành có condotel được quan tâm cao nhất trong quý là Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Yên và Quảng Ninh. 5 tỉnh có biệt thự biển, nhà phố thương mại được quan tâm nhất trong quý III là Bình Thuận, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Thanh Hóa.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Nghẽn" chấp thuận đầu tư dự án: Bức tranh thị trường bất động sản 2020 ra sao?

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ hiếm dự án được triển khai mới mà không ít dự án đang thi công cũng bị dừng tiến độ, thậm chí một số dự án đang đi vào bàn giao cũng bị tạm hoãn. Lượng sản phẩm được chào bán ra thị trường giảm mạnh, kéo theo sự chững lại về giao dịch.

Theo ghi nhận từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính đến tháng 9/2019, thị trường TP.HCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư (00 dự án); chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Tại Hà Nội, theo công bố của Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 26 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán, với tổng số lượng hơn 17.400 sản phẩm cả chung cư và nhà thấp tầng. Đặc biệt, trong số các dự án đủ điều kiện mở bán này, chỉ có 5 dự án mới xuất hiện từ đầu năm trở lại đây.

Tương tự, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE, JLL, hay Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 6 dự án mới thuộc phân khúc căn hộ tham gia vào thị trường Hà Nội, còn lại chủ yếu là các dự án cũ mở bán các đợt tiếp theo, hoặc mở bán nốt những căn xấu còn sót lại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Không nên hạn chế đầu tư bất động sản ở nước ngoài

Theo Luật Đầu tư sửa đổi thì kinh doanh bất động sản (BĐS) là ngành nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Song nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này nếu thông qua thể hiện việc không bình đẳng trong cuộc chơi toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài, trong đó có lĩnh vực BĐS là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường nói chung, bởi đây là cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

“Việc đầu tư hay không đầu tư là do kinh tế thị trường quyết định, và cụ thể nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư ở đâu có thể mang lại lợi nhuận thì họ có quyền quyết định đầu tư. Cấm cản hay hạn chế thậm chí sẽ phát sinh làm chui và khi đó việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn, ngoại tệ thất thoát sẽ nhiều hơn” – ông Đính phân tích.

Hơn nữa, trong khi các nước đều khuyến khích các doanh nghiệp, người nước ngoài đầu tư vào nước họ, nhưng chúng ta lại hạn chế cũng có nghĩa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nội bị co hẹp, gây khó khăn cho công dân, doanh nghiệp Việt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top