2 khu vực ven trung tâm Sài Gòn có giá bất động sản tăng chóng mặt
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Collier Việt Nam cho hay, nếu thị trường bất động sản khu Đông có nhiều diễn biến sôi động vài năm vừa qua thì khu Tây (Q.Bình Tân, Q.8, Q.6, Q.12…) lại khá trầm lắng về nguồn cung.
Báo cáo thị trường quý 1/2021 của Colliers Việt Nam dự báo, sẽ có khoảng 40.000 căn hộ được tung ra tại thị trường TP.HCM trong năm nay nhưng đa phần chỉ tập trung ở TP.Thủ Đức, khu Tây gần như vắng bóng dự án mới. Điều đáng nói là khu Tây có số dân đông bậc nhất tại TP.HCM, nhu cầu ở thực là rất lớn.
Đại diện đơn vị này chỉ ra, điểm sáng về sức cầu bất động sản đang thể hiện khá rõ nét tại các dự án tọa lạc tại khu vực gần đường Võ Văn Kiệt – tuyến đường nối khu Đông và khu Tây TP.HCM. Tại khu vực này, hiện khá ít dự án căn hộ mới được chào bán, đa phần là các dự án đã dược mở bán trước đó, đang trong giai đoạn xây dựng hoặc sắp bàn giao. Ghi nhận cho thấy, sức cầu các dự án căn hộ tại đây khá tốt.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tiến độ và chất lượng sửa đổi Luật Đất đai tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Từ giữa năm 2020 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã và đang gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải chịu khó khăn kép khi bên cạnh dịch bệnh, những tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách vẫn chưa thể “mở” như kỳ vọng, dù đã liên tục được “cởi”, do những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai 2013.
Bất động sản là lĩnh vực đặc thù, bị chi phối bởi rất nhiều luật liên quan. Do đó, chính sách đất đai nói chung có tác động rất lớn đến sự tồn vong, phát triển của doanh nghiệp và thị trường. Luật Đất đai ra đời năm 1997 đến nay đã hơn 30 năm, trải qua 5 lần sửa đổi, bổ sung, khi đi vào thực tiễn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn những nhiều khó khăn, chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương khiến không ít dự án đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp cũng gặp khó theo.
Một trong những vướng mắc lớn của Luật Đất đai 2013 là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất. Đây cũng là khâu khó nhất, kéo dài trong quá trình thực hiện một dự án.
Bên cạnh đó, những tồn tại liên quan đến bảng giá và khung giá đất cũng đã được nhiều chuyên gia đề cập để gỡ khó cho doanh nghiệp. Một sản phẩm bất động sản luôn có 2 giá là giá theo quy định của Nhà nước và giá giao dịch thực tế, việc xử lý khoảng cách này làm sao để giá đất “mang hơi thở của cuộc sống” cũng sẽ phải đợi Luật Đất đai 2013 được sửa đổi trong thời gian sắp tới.
Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm là việc tồn tại song song hai quy hoạch có giá trị pháp lý như nhau là quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Trong một báo cáo tổng hợp của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã chỉ ra đây là bất cập phổ biến khiến nhiều địa phương áp dụng quy định pháp luật gặp khó khăn trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cũng như trong vấn đề thu hồi đất tại các quận, huyện.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngấm đòn trong đại dịch, thị trường khách sạn lại tạo sóng trong các thương vụ M&A
Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa ước đạt 2,78 triệu lượt, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 7,78 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; công suất sử dụng phòng khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 28,1%. Lượng khách giảm mạnh kéo theo kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc rao bán khách sạn được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn.
Trái ngược với lo lắng của người kinh doanh khách sạn, các chuyên gia du lịch lại cho rằng, khách sạn là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất khi thị trường nội địa khởi sắc trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Về mặt tích cực, trong vòng hai năm tới, nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế mới sẽ gia nhập thị trường, giúp thu hút khách quốc tế khi du lịch mở cửa trở lại. Các thương hiệu lớn sẽ gia nhập thị trường gồm Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink Hotel.
Riêng tại Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2023, xấp xỉ 3.000 phòng từ 14 khách sạn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó năm 2021 sẽ có thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao với trên 400 phòng. Trong số 14 dự án khách sạn trong giai đoạn này, khu vực nội thành đóng góp gần 1.500 phòng hay 52% nguồn cung tương lai, theo sau bởi khu vực phía Tây với 33%. Phân khúc 5 sao dẫn đầu nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chiếm 80%”.
Ngoài ra, ghi nhận từ Savills Việt Nam cũng cho thấy có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đang tìm mua khách sạn. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua các khách sạn từ 4 - 5 sao hoặc những khu đất có thể phát triển loại khách sạn này tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp TP.HCM “chết mòn“ vì chính quyền tiền hậu bất nhất
Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ban ngành về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách và triển khai nhiệm vụ diễn ra ngày 12/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sốt ruột về mức độ quyết liệt của các sở, ban, ngành trong quá trình giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hàng tuần, ông nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại bức xúc từ các doanh nghiệp. Nhiều trường hợp có hồ sơ hoàn chỉnh, doanh nghiệp sẵn sàng đóng tiền sử dụng đất nhưng giấy tờ còn tồn đọng ở Sở Xây dựng. Trong đó, dòng tiền mỗi ngày của doanh nghiệp có một phần từ vay ngân hàng. Sự chậm trễ của các cơ quan chức năng sẽ ảnh hưởng đến sự chống chịu lãi suất hàng ngày của doanh nghiệp.
“Ngày này kéo sang ngày kia thì làm sao chịu nổi. Chúng ta thử đặt mình vào doanh nghiệp xem có chịu được không?”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói và đề nghị thủ trưởng các đơn vị cần rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Lập quy hoạch chi tiết cải tạo chung cư cũ 60 Thổ Quan
Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 4870/VP-ĐT báo cáo Thành ủy về việc cải tạo xây dựng lại khu chung cư cũ 60 Thổ Quan, quận Đống Đa.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, cùng Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa, các đơn vị và công ty có liên quan rà soát, tổng hợp kết quả quá trình nghiên cứu khảo sát, điều tra xã hội học, lập ý tưởng quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại Khu chung cư cũ 60 Thổ Quan; căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố và quy định pháp luật hiện hành, tham mưu đề xuất UBND thành phố về việc triển khai thực hiện dự án, dự thảo văn bản của Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 31/5.
Xem thông tin chi tiết tại đây