Aa

Ngăn giới đầu cơ “thổi“ giá đất, TP.HCM chỉ đạo khẩn

Chủ Nhật, 23/05/2021 - 17:30

Nhằm ngăn chặn tình trạng giới đầu cơ lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá đất cũng như đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo khẩn các sở ngành và UBND các quận, huyện.

Giá đất “ăn theo” quy hoạch  

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM trải qua hai đợt “sốt” đất. Giai đoạn đầu năm, khi TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, giá đất tại khu vực phía Đông TP.HCM đã có xu hướng tăng rõ rệt. 

Ở phân khúc căn hộ chung cư, sự khan hiếm nguồn cung dự án và số lượng nhà ở cao cấp chiếm tỷ lệ lớn dẫn đến thị trường sát lập mặt bằng giá mới. Khảo sát cho thấy, dù nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nhưng để tìm căn hộ có giá bán dưới 40 triệu đồng/m2 tại TP. Thủ Đức như “mò kim đáy bể”. 

Trước và sau thời điểm TP. Thủ Đức chính thức thành lập, thị trường giao dịch nhà đất tại đây diễn ra khá sôi động. Nhà đầu tư đổ về “săn” đất để đón đầu đợt tăng giá mới, tập trung ở phân khúc bất động sản liền thổ. 

TP. Thủ Đức được thành lập kéo theo giá đất tăng cao. 
TP. Thủ Đức được thành lập kéo theo giá đất tăng cao. 

Theo khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, TP. Thủ Đức trở thành “điểm nóng” mới của nhà phố và biệt thự. Trong năm 2020, khu vực này chiếm đến 80% giao dịch bất động sản liền thổ. 

Đợt "sốt" đất gần đây tại TP.HCM đến từ xây dựng đề án chuyển đổi 5 huyện ngoại thành (Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè) lên quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 – 2030. Tuy đây mới chỉ là bước chuẩn bị nhưng thông tin này lập tức tác động đến giá đất khu vực vùng ven. 

Khu vực giá đất tăng “nóng” nhất phải kể đến là huyện Cần Giờ, tập trung ở Thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hoà. Theo ông T, một “cò đất” địa phương, từ thông tin Cần Giờ sắp lên thành phố, nhiều người có đất đổ xô rao bán, giá cả cũng rất đa dạng.

Huyện Cần Giờ nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian làm việc để tham gia giao dịch, môi giới, mua bán đất đai. 
Trước thực trạng "sốt" đất, Huyện Cần Giờ nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thời gian làm việc để tham gia giao dịch, môi giới, mua bán đất đai. 

Như một lô đất 600m2 trên đường Giồng Ao, Thị trấn Cần Thạnh đang chào bán 15 tỷ đồng, tương ứng 25 triệu đồng/m2. Cũng trên tuyến đường này, lô đất rộng 180m2 đang được chủ đất rao bán giá 19 triệu đồng/m2 và vẫn còn thương lượng. 

Trong khi đó, đất vườn có giá rẻ hơn. Một chủ đất ở Thị trấn Cần Thạnh có 6.400m2 đất vườn giáp biển Cần Giờ đang rao bán giá 11 triệu đồng/m2. 

Ông T. cho biết, vì không nằm gần dự án lấn biển hơn xã Long Hoà nên đất tại Thị trấn Cần Thạnh rẻ hơn đôi chút. Tuy vậy, mức giá này đã tăng từ 20% - 50% so với năm trước. Cứ cuối tuần, nhà đầu tư khắp nơi đồ về mua đất. 

Ngăn giới đầu cơ thổi giá đất 

Về thực trạng giá nhà đất tăng cao, Chuyên gia kinh tế - TS.Lê Bá Chí Nhân cho rằng, giai đoạn 2018 – 2019, giá nhà đất tại TP.HCM có thể nói ở mức trung bình, thậm chí còn thấp hơn năm 2017. Đến năm 2020, khi TP. Thủ Đức rục rịch thành lập, giá đất khu Đông tăng rất cao. 

“Nắm bắt thông tin này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tham gia vào thị trường khiến cho giá đất bị đẩy lên cao, có nơi gấp 2, gấp 3 lần. Nhưng giá này là giá ảo vì nhà đầu tư đang té nước theo mưa. Họ đổ xô vào đầu cơ kiếm lợi bởi nghĩ rằng giá đất sẽ còn tăng thêm nữa. Đây là tâm lý chung nên có tình trạng người người đổ xô đi mua đất”, TS.Lê Bá Chí Nhân nói. 

Theo vị chuyên gia này, giá đất khu Đông cũng như các huyện vùng ven TP.HCM tăng cao như hiện nay nhưng đến một ngưỡng nào đó sẽ đứng lại và thậm chí quay đầu. Bởi không chỉ dựa vào việc thành lập địa giới hành chính, giá đất có tăng hay không còn phụ vào yếu tố quy hoạch cụ thể từng khu vực và các giá trị cộng hưởng của bất động sản như kết nối, tiện ích, dịch vụ…

UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn các sở ngành và địa phương ngăn tình trạng đầu cơ thổi giá đất. 
UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn các sở ngành và địa phương ngăn tình trạng đầu cơ "thổi" giá đất. 

Nhằm tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất, ngày 21/5/2021, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo khẩn đến sở ngành liên quan và UBND TP.Thủ Đức và các quận – huyện. 

UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các địa phương công khai quy hoạch để người dân được tiếp cận thông tin chính thống. Từ đó, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng “thổi” giá, đẩy giá đất và giá bất động sản lên cao để thu lợi bất chính. 

Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai và các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định về đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để kiểm soát các giao dịch ảo, đẩy giá bất động sản. Tuân thủ các quy định pháp luật đất đai về tách thửa đất. 

Sở Xây dựng được giao kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản. Tăng cường quản lý dự án bất động sản, nhất là nhà ở hình thành trong tương lai, đảm bảo việc đưa bất động sản vào kinh doanh phải tuân thủ các điều kiện theo quy định. 

UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành và địa phương khẩn trương thực hiện những nội dung trên và báo cáo kết quả cho Sở TN&MT trước ngày 31/5/2021. Từ đó, đơn vị này tổng hợp, tham mưu để UBND Thành phố báo cáo Bộ TN&MT theo đề nghị. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top