Bất động sản bán lẻ sôi động
Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam vẫn đang trong chiều hướng ổn định. Trong đó, nguồn cung tương lai hứa hẹn sẽ có nhiều điểm sáng.
Theo Colliers, trong bối cảnh thị trường địa ốc rơi vào trầm lắng ở nhiều phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự…, bất động sản bán lẻ vẫn khá sôi động, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên tới 97%.
Báo cáo của Savills cho biết, nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm tăng 1% theo quý và theo năm. Việc khai trương tòa nhà Cobi Tower và 4 tầng còn lại của Thiso Mall Sala (TP. Thủ Đức) đã đóng góp chính vào nguồn cung của quý I.
Một số dự án đã được tái khởi động sau thời gian dài trì hoãn. Trong đó có khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP. Thủ Đức, TP.HCM) với diện tích sàn lên đến 48.000m2. Dự án đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Ngoài ra, dự án Parc Mall (quận 8) cũng được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào quý IV năm nay. Đây là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hồi phục và thu hút nhà đầu tư của thị trường bán lẻ tại TP.HCM.
Xem thông tin chi tiết tại đây
3 luật “liên thủ” gỡ vướng đấu thầu nhà ở xã hội
Để hiện thực hóa Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong 7 năm tới đòi hỏi Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, các địa phương phải đẩy mạnh tạo lập quỹ đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Hiệu quả của lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội không chỉ là câu chuyện của Luật Nhà ở (sửa đổi) mà còn liên quan mật thiết đến Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Sự sửa đổi các luật phải có sự thống nhất, đồng bộ, tránh hiện tượng “gỡ ở luật này nhưng siết ở luật kia”.
Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Chính phủ (Tờ trình số 26/TTr-BXD ngày 08/4/2023). So với bản dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thức ưu đãi về đất đai đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có sự thay đổi: Thay vì được giao đất không thu tiền sử dụng đất như dự thảo cũ, dự thảo mới quy định chủ đầu tư “được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Sự thay đổi này là để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Theo đó, thay vì được giao đất không thu tiền sử dụng đất, dự thảo được chỉnh sửa theo hướng chủ đầu tư được giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo pháp luật đất đai.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hơn 400 cư dân sống trong khu tập thể cũ nguy hiểm
Khu tập thể C5 hiện có 80 hộ dân với hơn 400 khẩu. Các căn hộ ở đây không bếp nấu ăn, nên người dân đặt bếp và nơi rửa bát ngay hành lang. Mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh chung nên cảnh xếp hàng diễn ra hàng ngày.
Khu nhà tập thể C5 Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đưa vào sử dụng từ năm 1960. Khu nhà này cao 4 tầng, đây vốn là khu tập thể dành cho cán bộ công nhân viên của Nhà máy cơ khí công trình và Công ty vật tư 401. Theo thiết kế, mỗi căn hộ có diện tích 19,2m2, không có bếp và nhà vệ sinh.
Có nhiều gia đình sinh sống ở đấy gồm 4 thế hệ với 8 -10 nhân khẩu, hộ ít cũng 4-5 người. Cả khu tập thể C5 này hiện có 80 hộ dân với hơn 400 khẩu. Các căn hộ ở đây không bếp nấu ăn, nên các hộ dân đặt bếp và nơi rửa bát ngay ngoài hành lang. Mỗi tầng của khu nhà chỉ có một nhà vệ sinh chung nên cảnh xếp hàng chờ đến lượt thường xuyên diễn ra.
Thực tế cho thấy, khu nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, với mái ngói tầng 4 bị xô đẩy, vỡ dột, tường gạch bong tróc, nhiều vết nứt dọc ngang; trần bị sụt nhiều mảng, dầm chịu lực nứt toang hở cả lõi sắt…
Xem thông tin chi tiết tại đây
“Khoác áo mới“ cho biệt thự cổ tại Hà Nội: 14 tỷ đồng và những điều bỏ ngỏ
Công trình biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được kỳ vọng sẽ trở thành công trình mẫu đầu tiên cho việc tu sửa biệt thự cổ Hà Nội một cách bài bản và khoa học. Tuy nhiên sau khi "khoác áo mới" công trình này lại nhận về những ý kiến trái chiều từ dư luận. Và có lẽ một phần băn khoăn không nhỏ xuất phát từ con số đầu tư 14 tỷ đồng.
Những ngày giữa tháng 4, câu chuyện về một căn biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội được "khoác áo mới" bỗng trở thành chủ đề "nóng" nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân Thủ đô cũng như trên cả nước.
Ngược dòng thời gian, căn biệt thự cổ nằm tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Pháp ở Việt Nam và vẫn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc đến tận ngày nay. Công trình tọa lạc trên lô đất "kim cương" của Thủ đô, rộng 993m2 với hai mặt tiền. Trước đây, căn biệt thự này đã từng có một khoảng thời gian dài bị bỏ hoang, nhiều hạng mục gần như hỏng hoàn toàn.
Trước tình hình đó, cuối tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi công dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài". Dự án nằm trong thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2022 - 2025 giữa TP. Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Để 120.000 tỷ đồng lan tỏa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng; làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng… áp dụng điều kiện cho vay và lập quỹ dự phòng rủi ro, không đánh đồng giữa các doanh nghiệp.
Để triển khai hiệu quả, Chính phủ nên xây dựng một hệ thống cho phép xác định số tiền cần thiết cho đơn xin hỗ trợ tài chính và hỗ trợ nhà ở trong danh sách chờ... Từ đây, người thu nhập thấp sẽ biết khi nào họ có thể tiếp cận nhà ở; Bộ Xây dựng nắm rõ hơn về nhu cầu nhà ở cũng như phân bổ ngân sách cần thiết.