Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản công nghiệp lại... “nóng hầm hập“

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 29/06/2023 - 10:10

Nhà ở mở rộng cửa đón khách ngoại; Bất động sản công nghiệp lại... "nóng hầm hập"?... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Cần hạ lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội

Mặc dù gói 120 nghìn tỷ đồng đã được triển khai để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tuy vậy sau một thời gian, gói hỗ trợ này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Lý do được đưa ra là mức lãi suất cho vay vẫn cao (khoảng 8,2 - 8,7%/năm), và với mức lãi suất này rất khó để người mua nhà ở xã hội có thể đáp ứng khả năng chi trả.

Do đó, cần hạ mức lãi suất cho vay là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 28/6 dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều chuyên gia đề xuất cần phải giảm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng để người mua nhà ở xã hội có thể tiếp cận. (Ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia đề xuất cần phải giảm lãi suất gói 120 nghìn tỷ đồng để người mua nhà ở xã hội có thể tiếp cận. (Ảnh minh họa)

Thực tế sau gần 2 tháng triển khai, dư nợ gói 120 nghìn tỷ để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phát sinh chưa đáng kể. Nguyên nhân đầu tiên được cho là nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay quá ít, khách hàng không có nhiều sự lựa chọn mua nhà và ngân hàng cũng không thể giải ngân. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác rất đáng chú ý cũng được đưa ra là lãi suất của gói tín dụng này hiện quá cao khoảng 8,2 - 8,7%.

Lý giải về việc tại sao lãi suất gói tín dụng này lại được áp dụng như thế, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hoàn toàn là sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản công nghiệp lại... "nóng hầm hập"?

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa qua được dự báo sẽ kéo theo dòng vốn tỷ USD từ Hàn Quốc đổ vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, thổi thêm hơi nóng vào một lĩnh vực vốn đang ngày càng gia tăng sức ép cạnh tranh.

Như đã đưa tin, nhà sản xuất linh kiện điện tử LG Innotek, một thành viên của “gã khổng lồ” LG, vừa quyết định rót thêm 1 tỷ USD để tăng gấp đôi công suất tại Hải Phòng. Sau khi tăng vốn, LG Innotek dự kiến ​​tạo ra 2.600 việc làm mới, lợi nhuận ​​đạt 400 triệu USD/năm.

Đáng chú ý, quyết định nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD của LG Innotek diễn ra chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Tập đoàn LG, ông Koo Kwang-mo tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol sang thăm Việt Nam vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, cùng với các tên tuổi khác như Samsung, SK, Hyundai Motor, Hyosung, Lotte...

Trong khuôn khổ các hội nghị, ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung chia sẻ, sau hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động, Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm.

Trong thời gian tới, “ông lớn” đa ngành này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà ở mở rộng cửa đón khách ngoại

Luật Nhà ở đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng cởi mở hơn để người nước ngoài, Việt kiều dễ dàng sở hữu nhà tại Việt Nam.

Chính sách cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước bắt đầu được quy định tại Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội. Tiếp đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, không dễ để người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở trong nước. Ảnh: Lê Toàn
Hiện tại, không dễ để người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở trong nước. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không nhiều, khoảng hơn 3.000 căn. Phân khúc chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Người nước ngoài mua nhà chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia…

Do vậy, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, bên cạnh việc kế thừa luật cũ, cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Chẳng hạn, theo Bộ Xây dựng, không nên quy định người nước ngoài phải có quốc tịch Việt Nam mới được mua, sở hữu nhà ở, mà chỉ cần quy định “cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam” như dự thảo Luật. Đồng thời, không cần thiết phải quy định người nước ngoài phải mua nhà thông qua tổ chức trung gian.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM sẽ đột phá trong xác định giá đất, tính bồi thường

Trong Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua, lĩnh vực quản lý đất đai của Thành phố sẽ có 5 điểm mới.

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, thay thế cho Nghị quyết 54/2017. Nghị quyết vừa thông qua đưa ra các chính sách mới, lần đầu được áp dụng đối với các lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. 

Theo đánh giá, Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM sẽ tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn, giúp TP.HCM có cơ sở thực hiện những sáng kiến trong từng lĩnh vực, mang đến kết quả đột phá. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng loạt đường vành đai và cao tốc được triển khai, thị trường bất động sản hưởng lợi đến đâu?

Báo cáo cập nhật ngành bất động sản của VDSC đánh giá hàng loạt dự án đường vành đai và cao tốc được triển khai sẽ hâm nóng thị trường này, vốn đang trong tình trạng đóng băng từ năm 2022...

Chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật ngành bất động sản với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. 

Kể từ nửa đầu năm 2023, các đô thị loại đặc biệt ở Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM đã khởi động lại tiến độ xây dựng hệ thống đường vành đai và đường cao tốc, như một phần của chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đối với hệ thống đường vành đai 03 tại TP.HCM: Lễ khởi công đường vành đai đã diễn ra vào ngày 18/6, khi đã bàn giao hơn 81% diện tích đất cần cho đoạn tuyến của dự án (đoạn qua TP.HCM). Tổng chiều dài tuyến là 90km với chi phí đầu tư hơn 75,3 nghìn tỷ đồng (3,2 tỷ USD) sẽ kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Các tỉnh này cũng dự định động thổ vào cuối tháng 6 khi ~70% diện tích đất sẽ được bàn giao. Toàn dự án sẽ thông xe vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, điều này có thể thực hiện được nếu Chính phủ bố trí đủ nguồn lực (đặc biệt là cho khâu giải phòng mặt bằng).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top