Aa

Bất động sản 24h: "Bơm" 150.000 tỷ đồng vào thị trường BĐS

Thứ Năm, 02/03/2017 - 14:01

FDI vào BĐS công nghiệp xếp đầu bảng; 5 dự án nhà giá dưới 15 triệu đồng/m2 tại Hà Nội; VNREA: Giao dịch BĐS sụt giảm, nhưng giá tiếp tục tăng; "Bơm" 150.000 tỷ đồng vào thị trường BĐS; Điểm mặt các tòa cao ốc, chung cư coi nhẹ… an toàn lao động;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

"Bơm" 150.000 tỷ đồng vào thị trường BĐS

Báo cáo đánh giá tình hình thị trường BĐS của Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), vừa đưa ra những con số tổng quan về tín dụng trong lĩnh vực BĐS.

HoREA cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2016, cả nước đạt khoảng 18,71%. Dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. HCM đạt hơn 1.374.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 19,3%, cao nhất nước. Tuy nhiên, với quy mô tăng trưởng tín dụng lớn trong năm nay cũng đã tiềm ẩn nguy cơ tăng tỷ lệ nợ xấu có thể xảy ra trong trung hạn và dài hạn cần được tiếp tục giám sát chặt chẽ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ nợ xấu toàn thành phố hiện nay vào khoảng 3,79% (nếu loại trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, thì nợ xấu tín dụng của thành phố chỉ là 2,03%).

Trong đó, tín dụng vào thị trường BĐS thành phố đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,6% tổng dư nợ tín dụng của thành phố và chiếm tỷ lệ 35,2% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước (426.000 tỷ đồng), đạt mức tăng trưởng 14,2% so với năm 2015 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng BĐS của cả nước, chỉ đạt 8,5%); nợ xấu BĐS thành phố chỉ khoảng 2,6% (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu bất động sản 3,93% của cả nước).

Xem chi tiết tại đây.

5 dự án nhà giá dưới 15 triệu đồng/m2 tại Hà Nội

Hà Nội hiện có hàng loạt dự án nhà ở thương mại giá rẻ chỉ từ 9 đến 15 triệu đồng/m2, tương đương giá cho mỗi căn 60-70 m2 ở mức dưới 1 tỷ đồng.

Xem chi tiết tại đây.

FDI vào BĐS công nghiệp xếp đầu bảng

Xu hướng đầu tư vào BĐS hạ tầng khu công nghiệp và kho vận tiếp diễn từ cuối năm 2016, khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện, được nhiều tổ chức đánh giá là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dự báo, triển vọng thị trường BĐS Việt Nam năm 2017, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho rằng, đây sẽ tiếp tục là một năm phát triển cho thị trường BĐS  Việt Nam. Kinh tế Việt Nam liên tục được cải thiện với các chỉ số kinh tế  tích cực và được công nhận là một trong những thị trường triển vọng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Dự án VSIP III tại Bình Dương dẫn đầu danh sách thu hút FDI vào khu công nghiệp trong tháng 2/2017.

Dự án VSIP III tại Bình Dương dẫn đầu danh sách thu hút FDI vào khu công nghiệp trong tháng 2/2017.

“Thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận các hoạt động tích cực trên các phân khúc căn hộ, văn phòng, thị trường khách sạn và thị trường khu công nghiệp. Dựa trên nguồn cầu mà chúng tôi nhận được từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi tin rằng, năm 2017 sẽ là năm kỷ lục cho hoạt động mua, bán và sáp nhập trên thị trường BĐS Việt Nam”, ông Stephen Wyatt nói.

Theo ông Alex Crane, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam, trong điều kiện thị trường và kinh tế vĩ mô hiện tại, cũng như trong tương lai gần, đang tạo ra một bối cảnh gần như hoàn hảo để kinh doanh BĐS khu công nghiệp.

Xem chi tiết tại đây.

VNREA: Giao dịch BĐS sụt giảm, nhưng giá tiếp tục tăng

Báo cáo thị trường BĐS tháng 12/2016 và tháng 1/2017 mà Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa công bố cho thấy giao dịch thị trường BĐS đang có xu hướng giảm, nhưng giá tiếp tục tăng.

Theo VNREA, trong năm 2016, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM có khoảng 30.565 giao dịch, chỉ bằng 80% lượng giao dịch của năm 2015.

Mặc dù giao dịch BĐS có sự sụt giảm, nhưng VNREA cho rằng, thị trường đang có xu hướng ổn định khi khách hàng đa phần mua để ở. Trong khi doanh nghiệp cũng đang hướng phát triển các sản phẩm cho người sử dụng cuối cùng (mua nhà để ở).

Báo cáo của VNREA cũng cho biết, mặt bằng giá BĐS trong năm 2016, đầu năm 2017 đang có xu hướng ổn định hơn. Dù vậy, giá BĐS vẫn tăng nhẹ, từ 2 - 7%, cá biệt, có dự án tăng giá đến 12%  trong năm qua.

Theo VNREA, tháng đầu năm 2017, thị trường vẫn chưa có “cú huých” mạnh để tạo sự tăng trưởng đột biến trong giao dịch. Tuy nhiên, những chính sách điều chỉnh cơ cấu hàng hóa và tín dụng BĐS đang có tác động tích cực đến thị trường.

Xem chi tiết tại đây.

Khan hiếm nguồn cung, giá bán NƠXH "leo lên trời"

Số lượng nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu của người dân nhưng thời gian gần đây, giá NƠXH luôn giữ ở mức cao và có chiều hướng tăng nhanh, thậm chí nhiều dự án còn có giá đắt gần với nhà ở thương mại.

Theo đó, thị trường BĐS Hà Nội hiện đang chứng kiến một thực trạng "ngược đời", đó là giá bán NƠXH tại nhiều dự án bị nâng cao ngất ngưởng, trong khi đại đa số người lao động thu nhập thấp vẫn phải tích lũy từng ngày rồi lại mỏi mòn chờ đợi đến lượt được mua một ngôi nhà an cư lạc nghiệp. 

Trước đắn đo của khách hàng khi cùng một khu vực, nhiều dự án nhà thương mại lại có giá bán rẻ hơn hoặc đắt hơn không đáng kể, chủ đầu tư một số dự án NƠXH buộc phải giảm giá bán.

Trước đắn đo của khách hàng khi cùng một khu vực, nhiều dự án nhà thương mại lại có giá bán rẻ hơn hoặc đắt hơn không đáng kể, chủ đầu tư một số dự án NƠXH buộc phải giảm giá bán.

Đơn cử như tại dự án NƠXH cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giá mỗi mét vuông căn hộ tại dự án này dao động từ 14,5 đến gần 17 triệu đồng, chưa bao gồm VAT và phí bảo trì. Theo tìm hiểu được biết, một căn hộ tầng 18 tại dự án này có giá khoảng 18 triệu đồng/m2, tức một căn hộ với diện tích khoảng 60m2 có giá hơn 1 tỷ đồng.

Tại những dự án NƠXH khác như dự án ở Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, mỗi căn hộ tại đây cũng có giá hơn 15 triệu đồng/m2 khi có VAT và phí bảo trì. Tại khu vực Kiến Hưng, Hà Đông, nhiều dự án NƠXH cũng có giá bán hơn 13 triệu đồng/m2.

Xem chi tiết tại đây.

Điểm mặt các tòa cao ốc, chung cư coi nhẹ… an toàn lao động

Hàng loạt vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn cả nước thời gian qua cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng đang bị xem nhẹ. 

Cho đến thời điểm này nhiều người dân quận Hoàng Mai vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sập giàn giáo nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 13/10/2016 tại công trường số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã khiến 2 người thiệt mạng - 4 người khác bị thương.

Còn trên địa bàn Đà Nẵng, rạng sáng nay 30/1, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại công trình khách sạn Royal Lotus, 102 A đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng khiến 5 người tử vong.

Hiện trường dự án Dreamhome Luxury.

Hiện trường dự án Dreamhome Luxury.

Tại TP. HCM, vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trình Chung cư Phú Hưng Phát (Dreamhome Luxury) do Công ty TNHH Nhà Mơ làm chủ đầu tư tại địa chỉ số 89/36 đường số 59, phường 14, quận Gò Vấp đã làm 1 người chết, 2 người bị thương đã gây chấn động về việc xem nhẹ công tác an toàn lao động.

Các chuyên gia về an toàn lao động nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn lao động trong các công trình xây dựng cao tầng ngày càng tăng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cho mượn pháp nhân, sử dụng lao động thời vụ chưa qua đào tạo và khoán trắng an toàn ở công trường cho cai thầu. 

“Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm đang được nương nhẹ. Chẳng hạn, tai nạn lao động dẫn đến chết người khi xác định rõ nguyên nhân phải tiến hành khởi tố, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm nhưng hầu hết chỉ dừng lại việc xử phạt hành chính, bồi thường cho người bị và cho công trình thi công tiếp. Vì vậy còn xử lý nhẹ tay, còn qua quýt thì còn phải trả giá” - chuyên gia này cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Quỹ đầu tư... bất động

Dù hành lang pháp lý cho việc thành lập và vận hành Quỹ đầu tư BĐS (REIT) đã có từ năm 2012, nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất 1 quỹ được thành lập.

Ông Hồ Văn Dũng – Giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaWealth tiết lộ, doanh nghiệp đã có ý định lập quỹ đầu tư BĐS từ vài năm nay nhưng chưa thực hiện được do mức độ quan tâm của nhà đầu tư còn hạn chế, chưa kể cơ chế chính sách dành cho quỹ ngày càng bộc lộ những bất cập.

Cần sớm hình thành một khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc triển khai các quỹ đầu tư BĐS.

Cần sớm hình thành một khung pháp lý hoàn chỉnh cho việc triển khai các quỹ đầu tư BĐS.

Ông Dũng dẫn chứng, sau bao lần “đưa lên đặt xuống”, cơ chế mới nhất tại Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cho phép thay vì nhận vốn góp bằng tiền, quỹ sẽ được nhận cả vốn góp là BĐS.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của các Cty quản lý quỹ cho thấy, với những BĐS như trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng cho thuê… có hiện trạng kinh doanh tốt họ không có nhu cầu góp các tài sản này để lập quỹ. Ngược lại, với những BĐS có hiệu quả kinh doanh thấp, chủ sở hữu có nhu cầu góp chúng để lập quỹ, nhưng các nhà lập quỹ lại nói không với những loại BĐS này.

Xem chi tiết tại đây.

Bán nhà cao cấp bằng công nghệ thực tế ảo

Theo khảo sát của Jones Lang LaSalle (JLL), không chỉ những quốc gia có ngành bất động sản phát triển như Anh, Mỹ, Australia mà thị trường mới nổi như Philippines cũng đang tích cực tiếp cận công nghệ thực tế ảo vào việc bán bất động sản hình thành trong tương lai. 

London’s South Quay Plaza - một trong những tòa nhà chung cư cao nhất ở Anh đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến năm 2021 mới hoàn thành 2 tòa tháp 68 tầng và 36 tầng cung cấp 888 căn hộ, đang ứng dụng công nghệ thực tế ảo để khách hàng khám phá nhà mẫu. Công nghệ này cho phép các nhà môi giới mang hình ảnh thực tế của ngôi nhà đến với khách mua tiềm năng. “Thay vì cố gắng thuyết phục ai đó bằng những điểm nổi bật trên bản vẽ, bạn có thể cho hiển thị chúng”, Phó giám đốc Nghiên cứu JLL London, Nick Whitten giải thích.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top