Aa

Bất động sản 24h: Căn hộ giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường

Thứ Bảy, 11/02/2023 - 10:17

Căn hộ giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường; Có tiền tỷ trong tay vẫn chật vật không mua được nhà... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Căn hộ giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường

Khảo sát từ DKRA, trong năm 2022, TP.HCM có khoảng 17.000 căn được đưa ra thị trường thì hơn 70% thuộc phân khúc cao cấp.

Số liệu mới nhất từ Savills Việt Nam, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM trong năm ngoái chỉ đạt 69%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản trên thị trường sụt giảm là mất cân đối các phân khúc khi nguồn cung đang nghiêng về căn hộ cao cấp và hạng sang. Giới chuyên gia nhận định, động lực khơi thông thanh khoản trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ đến từ việc định vị nguồn cầu, hướng đến nhà ở hợp túi tiền.

Tại một trong 4 dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền được Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành triển khai tại TP.HCM. Mỗi toà 600 căn đã bán hết trong vòng 1 tuần cho thấy nhu cầu nhà ở là rất lớn.

"Người dân rất thích mô hình nhà ở bình dân, nó có thể cao hơn nhà ở xã hội một chút nhưng do sự thông thoáng và thoải mái trong quá trình mua bán nên người dân rất thích. Nhu cầu rất nhiều, đặc biệt là các bạn ở tỉnh lên đây lập nghiệp và làm việc", ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Có tiền tỷ trong tay vẫn chật vật không mua được nhà

Giá nhà và lãi suất neo cao tạo ra rào cản cho những người có nhu cầu thực sở hữu nhà. Song phân khúc chung cư được nhận định sẽ khó giảm giá bởi hiện nay nguồn cung xuống thấp nhưng lực cầu rất mạnh.

Sau 5 năm kết hôn, vợ chồng anh Nguyễn Cường (Nam Định) được gia đình 2 bên đồng thuận hỗ trợ số tiền 1 tỷ đồng. Cùng số tiền tiết kiệm 500 triệu đồng của hai vợ chồng, tổng là 1,5 tỷ đồng. Từ cuối năm ngoái tới nay, anh Cường lùng sục khắp các dự án để tìm nhà, với hy vọng thoát cảnh ở thuê.

Giá nhà và lãi suất neo cao tạo ra rào cản cho những người có nhu cầu thực sở hữu nhà. (Ảnh: Tùng Dương)

"Nhu cầu của gia đình tôi cần tới căn hộ 2 phòng ngủ, rộng 60 - 70m2 tại quận Nam Từ Liêm, để thuận tiện cho công việc. Tuy nhiên, liên hệ tới nhiều sàn môi giới và đi xem trực tiếp tôi biết được giá chung cư mới đều dao động từ 45 - 50 triệu đồng/m2 trở lên. Như vậy, nếu mua một căn chung cư khoảng 60m2 cũng mất tới 2,7 - 3 tỷ đồng”, anh Cường nói.

Mức tài chính không đủ để mua căn hộ mới, anh Cường chuyển hướng tìm các căn chung cư đã qua sử dụng, nhưng cũng đều có giá 30 triệu đồng trở lên. Như vậy, để sở hữu căn hộ có diện tích phù hợp với nhu cầu, vợ chồng anh Cường phải bỏ ra ít nhất 2 tỷ đồng. Do đó, dù mua căn hộ mới hay cũ gia đình anh vẫn phải vay thêm ngân hàng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Làn sóng rao bán nhà đất gia tăng tại nhiều tỉnh thành phía Nam

Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường chưa được cải thiện, lãi suất ngân hàng vẫn đang cao khiến cho nhiều nhà đầu tư gặp áp lực tài chính và phải tìm mọi cách để thoát hàng.

Trao đổi với PV, anh Lê Nam đang sinh sống tại TP.HCM cho biết hiện anh đang cần bán lô đất nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu mà anh đã mua hồi cuối năm 2021. Thời điểm tháng 4/2022, lô đất đã có người trả giá cao hơn so với ban đầu mua vào, nhưng anh chưa bán vì muốn chờ kiếm lời hơn nữa.

"Tôi cứ nghĩ để lô đất lại thì giá sẽ tiếp tục tăng, nhưng quả thật những gì mình nghĩ lại không như mình mong muốn. Thị trường rơi vào trầm lắng khiến mọi tính toán của tôi bị vỡ kế hoạch, giờ có hối hận cũng đã muộn. Hiện tại, dù biết thị trường vẫn chưa hồi phục nhưng vì đang cần tiền gấp nên tôi phải bán đất và xác định không lời mà chỉ có lỗ. Hiện tôi đang đưa ra mức giá thấp hơn giá mua vào khoảng 150 triệu đồng nhưng khách hàng vẫn đang ép giá thêm”, anh Nam cho hay.

Cũng ôm nợ chờ giá đất tăng, bà N.T. Hoa (quận 12, TP.HCM) chia sẻ rằng, bà cũng đang loay hoay tìm khách cắt lỗ. "Tôi và chồng đã vay tiền đầu tư khi thấy giá đất tăng hồi đầu năm 2022. Theo kế hoạch ban đầu thì tôi chỉ vay vài tháng rồi sẽ thoát hàng. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu rao bán lô đất từ tháng 5/2022 nhưng chưa được giá như mong muốn". 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khánh Hòa, Ninh Thuận điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở

UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vừa phê duyệt quyết định điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một góc TP. Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh: Đ.A)

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh sẽ đạt 26m2 sàn/người (đô thị đạt khoảng 27,5m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 24,9m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người.

Giai đoạn 2026 - 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh sẽ là 30m2 sàn/người (đô thị đạt khoảng 32m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 28,5m2 sàn/người); diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người.

Với nội dung điều chỉnh vừa được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh đạt khoảng 37,8 triệu m2, tăng thêm khoảng 10,3 triệu m2 sàn, tương đương với 133.427 căn; chất lượng nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 98%, không phát sinh thêm nhà ở đơn sơ. Cụ thể, nhà ở thương mại sẽ tăng 46.426 căn, nhà ở xã hội tăng 44.461 căn, nhà tái định cư tăng 2.100 căn, nhà ở công vụ tăng 30 căn và nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng 40.410 căn. Để thực hiện mục tiêu trên, cần nguồn vốn khoảng 85.148 tỷ đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cần cơ chế, chính sách phát triển cho doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ

Theo TS. Cấn Văn Lực, khi đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức, chính quyền cần quan tâm thực hiện một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giảm áp lực cho doanh nghiệp mà còn đem lại lợi ích cho đất nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn số lượng trong tổng số doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản hiện tại đã khiến nhóm doanh nghiệp này chịu hàng loạt áp lực, trong đó nặng nề nhất là vấn đề đdòng tiền để vận hành, thanh khoản sản phẩm, đáo hạn trái phiếu…

Chia sẻ với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, trong năm 2022 có 400 - 500 nghìn tỷ đồng vốn được cung ứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, vốn tín dụng chiếm khoảng 48% tổng lượng vốn cung ứng cho khối doanh nghiệp này, 36% vốn tự có, 11% vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, chỉ có 4% là thị trường cổ phiếu.

Như vậy, nguồn vốn của khối doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Song lãi suất cho vay tại hệ thống các ngân hàng tăng cao và khả năng sẽ tiếp tục tăng khiến phần lớn doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này. Điều này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp trong việc duy trì tiến độ dự án, mở rộng các hoạt động đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top