Chung cư mới vẫn vắng khách mua dù liên tục giảm giá
Thị trường căn hộ chung cư tại TP.HCM và Hà Nội vẫn trầm lắng suốt 3 tháng đầu năm. Giới chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn "sóng ngầm" với giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A).
Nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội đã liên tục tung ra các chương trình chiết khấu cao, có nơi lên tới 38% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Colliers vẫn đánh giá thị trường vẫn trong giai đoạn ảm đạm, người dân vẫn chưa mạnh tay xuống tiền để mua nhà.
Theo báo cáo của DKRA, trong 3 tháng đầu năm nay, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM và các vùng lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) có thêm 1.378 căn từ 9 dự án đang mở bán. Con số này giảm 67% so với quý trước và giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ trong quý đầu tiên của năm nay đạt 63%. Trong đó, tổng số căn hộ được giao dịch thành công là 864, giảm 66% so với quý I/2022.
Dẫu vậy, báo cáo của Colliers vẫn cho thấy mặt bằng giá bán sơ cấp của phân khúc căn hộ hạng sang vẫn ổn định. Các dự án này tập trung chủ yếu ở quận 1 và khu vực Thủ Thiêm với giá bán trong khoảng 7.000 - 17.000 USD/m2.
Bên cạnh đó, trên thị trường thứ cấp, các chủ nhà sẵn sàng giảm giá bán căn hộ khoảng 1 - 6% so với cuối năm 2022 nhằm mau chóng đẩy hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thời hạn của lãi suất ưu đãi sắp kết thúc. Thậm chí, nhiều khách mua đã thanh lý lại hàng với chủ đầu tư, chấp nhận mức phạt 20 - 30% giá trị căn hộ do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo Colliers, đa phần chủ đầu tư ở trong tâm thế quan sát và hoãn thời gian mở bán dự án trong quý I năm nay. Tuy nhiên, thị trường vẫn được "làm nóng" nhờ đợt mở bán tòa C dự án Elysian của chủ đầu tư Gamuda Land.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Người trẻ thích ở nhà mặt đất hơn chung cư
Khi mà quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, người trẻ sẽ đứng trước vô vàn lựa chọn về "chốn an cư". Mỗi người với mức thu nhập khác nhau, nhu cầu khác nhau sẽ có câu trả lời khác biệt về ưu tiên nhà ở.
Sau thời gian làm việc căng thẳng cả ngày, mỗi người đều cần một nơi nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Nhà thuê không có tính ổn định, người thuê phụ thuộc nhiều vào chủ nhà. Việc có nhà riêng hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình vẫn là niềm mong mỏi của phần lớn người trẻ hiện nay.
Tuy vậy, việc sở hữu được một căn nhà riêng thực sự không hề đơn giản. Giá nhà đất, chung cư tăng hàng năm không tỷ lệ thuận với thu nhập trung bình của người dân khiến việc mua nhà ngày càng trở thành một ước mơ xa vời.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc kênh Batdongsan.com.vn cho biết, trong giai đoạn 2002 - 2020, giá nhà Hà Nội có mức tăng khủng khiếp. Cụ thể, giá nhà tại quận Hoàn Kiếm năm 2002 là 11 triệu đồng/m2. Đến năm 2020, con số đó đã nhảy vọt lên 360 triệu đồng/m2, tức tăng 33 lần trong chưa đầy 2 thập kỷ.
So sánh cùng với đó, mức độ thu nhập bình quân của người dân thay đổi không đáng kể. Năm 2010, thu nhập bình quân/tháng của người Việt Nam là 1.387.000 đồng. Đến năm 2019, con số đó mới tăng lên là 4.295.000 đồng, tăng khoảng 3 lần so với 9 năm trước.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cơ hội đầu tư từ sự trầm lắng đất nền ven đô
Trải qua hơn một năm bao trùm trong không khí ảm đạm, đất nền vùng ven Thủ đô dần có được tín hiệu ấm trở lại khi các nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm.
Những ngày đầu quý II/2023, dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Hà Nội trở nên nổi bật với hàng chục bảng thông tin rao bán đất được treo trải dài. Tại các khu vực bán đất, hình ảnh những chiếc ô tô, đoàn người đi xem đất dần xuất hiện và nhộn nhịp trở lại. Nếu nhớ lại thời điểm trầm lắng của 8 tháng trở về trước thì những hình ảnh này đang tạo nên những tia hy vọng cho sự ấm dần của thị trường đất nền ven đô.
Theo khảo sát của phóng viên, nhìn chung toàn thị trường phân khúc đất nền vẫn ảm đạm khi chứng kiến mức độ quan tâm thấp. Bởi phân khúc này mang tính chất đầu cơ cao và lượng nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy ngân hàng lớn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại lại được cho là cơ hội tốt dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và luôn có dòng tiền mặt ổn định.
Theo anh Hữu Giang, một môi giới bất động sản khu vực Thạch Thất, Quốc Oai cho biết, giá đất tại khu vực này vẫn chưa có sự thay đổi nhiều và giá vẫn đang được giữ ở mức độ ổn định. Dù thị trường đang trầm lắng, thanh khoản chậm nhưng về mặt bằng giá hầu như không giảm. Đặc biệt đối với những lô đất đẹp, vị trí tốt thì giá không những không giảm mà có xu hướng tăng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp bất động sản mong muốn gì ở gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?
Chia sẻ về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được giảm thêm lãi suất, tăng thời gian ân hạn và đặc biệt là mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi.
Đầu tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP.
Cụ thể, NHNN xác định trong kỳ này, lãi suất sẽ thay đổi 6 tháng một lần. Theo đó, từ nay đến 30/6, lãi suất với chủ đầu tư là 8,7%/năm, lãi suất với cá nhân mua nhà là 8,2%/năm. Thời gian ân hạn là 3 năm với chủ đầu tư, 5 năm với người mua nhà; thời hạn giải ngân của gói tín dụng kéo dài từ 1/4/2023 đến 31/12/2030. Các ngân hàng thương mại sẽ tự huy động nguồn vốn dành cho các đối tượng đủ điều kiện được vay.
Sau 10 năm kể từ khi có gói tín dụng đầu tiên hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội với trị giá 30.000 tỷ đồng được triển khai thì đến nay mới tiếp tục có gói tín dụng lớn dành cho phân khúc này.
Theo nhiều đánh giá, sự xuất hiện của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là trợ lực rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt dự án bất động sản phải tạm dừng vì thiếu vốn thì gói tín dụng như "luồng ôxy" bơm vào thị trường, vừa góp phần tháo gỡ bế tắc dòng tiền, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu phân khúc đầu tư.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong 2023.
Theo đó, đối tượng được gia hạn gồm:
1. Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau:
a) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
b) Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;
c) Xây dựng;
d) Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;