Đại gia chi ngàn tỷ"săn" quỹ đất
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tập trung lượng vốn lớn nhằm "săn" các dự án giá tốt để triển khai khi thị trường khởi sắc
Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên mới đây, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã thông qua kế hoạch dành 2.700 tỷ đồng đầu tư vào các dự án chủ lực ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Theo đó, Thuduc House sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng những khu đất có quy mô vừa và nhỏ từ 1 - 10ha ở các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá trung bình cho công nhân, người lao động; hạn chế đầu tư vào những khu vực, dự án có liên quan đến đất công để tránh vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Gia tuy chỉ mới niêm yết lên sàn chứng khoán chưa đầy một năm cũng công bố tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 6 về tham vọng mở rộng quỹ đất. Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT công ty - nhận định sau dịch bệnh là thời điểm vàng để mở rộng quỹ đất vì quá trình đàm phán giá suôn sẻ hơn. Năm 2020, doanh nghiệp (DN) này dự kiến dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng để thu gom quỹ đất và triển khai dự án. Bên cạnh hơn 33 ha quỹ đất tại TP.HCM, An Gia sẽ phát triển hơn 46 ha quỹ đất tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để xây dựng những khu nhà ở liên kế khép kín, hướng tới trở thành nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Không gian kết nối cộng đồng: Đánh thức "trái tim" của một đô thị
Một chuyên gia từng nhận định rằng, không gian công cộng được biết đến như là “trái tim” của một thành phố, hoặc là những “phòng khách” của một đô thị. Chính vì thế, các không gian công cộng đóng vai trò tối quan trọng cho sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, cho sự lưu giữ các ký ức chung và tạo dựng nên biểu tượng gắn với một đô thị, một thành phố.
Một ngôi nhà giờ đây không chỉ đơn thuần là nơi che nắng, che mưa. Nhu cầu giao tiếp, sẻ chia kết nối giữa người với người trong đô thị ngày càng cao, yêu cầu về một không gian sống cũng cao hơn. Trong đó, không gian công cộng đóng vai trò quan trọng và có thể là tiêu chí ghi điểm cộng đối với cư dân.
Để hiểu thêm về vai trò, tính kết nối của không gian công cộng trong đô thị mới, Reatimes xin lược ghi những chia sẻ của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội trong bài viết dưới đây.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vốn cho bất động sản: Đại hội cổ đông bội thực trái phiếu
Đại hội cổ đông tổ chức thời điểm cuối quý II là lúc doanh nghiệp sẵn sàng cho các dự án cuối năm và những năm tiếp theo. Dự án mới muốn được triển khai thì cần vốn, đó là lý do mà chuyện vốn là đề tài chính trong hầu hết các cuộc họp cổ đông năm nay.
Dù có giảm kế hoạch doanh thu lợi nhuận hoặc thậm chí giảm vốn điều lệ, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng không giảm kế hoạch huy động vốn. Trong đó, trái phiếu vẫn là lựa chọn có vẻ như dễ dàng hơn cả.
Đại hội cổ đông cuối tháng 6 của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm - Nhà Từ Liêm (mã NTL) vừa trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, chi trả cổ tức 25% bằng tiền mặt.
So với kết quả đạt được năm 2019, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm nay lần lượt cao hơn 8% và 26%. Tuy vậy, so với kế hoạch trình cổ đông tại đại hội đã được điều chỉnh so với mục tiêu 1.050 tỷ đồng doanh thu và 450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại đại hội, lãnh đạo doanh nghiệp này xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo an toàn tài chính, phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các mảng hoạt động thi công, đầu tư và chờ thời điểm hợp lý để đưa ra kinh doanh khai thác các sản phẩm.
NTL xin cổ đông đồng ý phương án hủy cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ. Cụ thể, Nhà Từ Liêm sẽ huỷ hơn 2,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng giá trị lúc mua là 139,6 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của Nhà Từ Liêm là 636 tỷ đồng, tương ứng 63,6 triệu cổ phần.
Như vậy, nếu được thông qua kế hoạch huỷ hơn 2,6 triệu cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ sẽ giảm xuống 609,8 tỷ đồng, tương ứng cổ phần lưu hành là 60,98 triệu đơn vị.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vì sao khách hàng Gamuda Land Việt Nam đồng loạt tạm dừng nghĩa vụ tài chính?
Câu chuyện xung đột về lợi ích giữa khách hàng mua nhà và chủ đầu tư tại dự án Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens những ngày qua vẫn đang "nóng như lửa". Đến thời điểm này, nhiều người đã phải lắc đầu ngao ngán khi bỏ tiền tỷ mua nhà của chủ đầu tư - Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam.
Còn nhớ khoảng thời gian được tư vấn về khu nhà liền kề Dahlia Homes ST5 - Gamuda Gardens, các cư dân như bị choáng ngợp trước những viễn cảnh về một nơi an cư vượt trội về thiết kế, cảnh quan cùng với tiện ích nội khu hoàn hảo. Thế nhưng, đến khi nhận bàn giao nhà, khách hàng mới ngã ngửa khi căn hộ trái ngược hoàn toàn so với những gì mà họ mường tượng trước đó.
Theo phản ánh, nhiều khách hàng bị chủ đầu tư là Công ty Gamuda Land Việt Nam (Gamuda Land Việt Nam) ép thực hiện nhiều điều khoản trái với Hợp đồng mua bán (HĐMB) và không minh bạch thông tin. Cụ thể, theo HĐMB được ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng, tại khoản a, mục 12.3.2 Đặt cọc để sửa chữa và hoàn trả có nội dung, chủ sở hữu nhà sẽ nộp một khoản đặt cọc sửa chữa được hoàn lại cho Gamuda Land Việt Nam với số tiền là 20 triệu đồng/hộ trước khi tiến hành sửa chữa cải tạo.
Đại diện của 108 hộ dân đã gửi thư điện tử chính thức thông báo sẽ tạm dừng mọi nghĩa vụ tài chính với Gamuda Land Việt Nam kể từ ngày 29/6/2020 cho đến khi chủ đầu tư đối thoại và khắc phục các tồn tại.
Thế nhưng, sau đó Gamuda Land Việt Nam đã tự ý ra thông báo yêu cầu các hộ dân tại dự án ST5 Gamuda Gardens phải đóng 50 triệu đồng, tức là chênh lệch 30 triệu đồng so với HĐMB đã được ký kết. Khi bị cư dân thắc mắc, chủ đầu tư đưa ra lời giải thích lòng vòng rằng do phát hành nhầm mẫu cũ, lúc lại khẳng định mức thu 50 triệu đồng được áp dụng cho toàn bộ khu Gamuda Gardens C2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khánh Hòa chuẩn bị đấu giá ‘đất vàng’ sân bay Nha Trang cũ
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định thành lập Tổ giúp việc cho lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực sân bay Nha Trang.
Theo đó, Tổ giúp việc do Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường làm tổ trưởng. Các thành viên gồm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư; Phó Giám đốc Sở Tài chính; Phó Giám đốc Sở Tư Pháp; Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang; Giám đốc Ban Quản lí dự án phát triển tỉnh; Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
Theo quyết định, tổ giúp việc có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật và tổng hợp các nội dung ý kiến chỉ đạo có liên quan và hoàn thiện kế hoạch đấu giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cập nhật kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sân bay Nha Trang cũ (thuộc các phường Lộc Thọ, Phước Hòa, Phước Hải, Phước Long và Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) trước đây là đất quốc phòng, sau đó, hoạt động huấn luyện bay được chuyển về sân bay Cam Ranh. Ngoài một phần đất được giữ lại làm khu hiệu bộ Trường Sỹ quan Không quân, diện tích còn lại được bàn giao tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế - xã hội địa phương.