Aa

Nhà đầu tư có năng lực không lo thiếu quỹ đất

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 20:15

Động thái kiên quyết thu hồi giấy phép, đưa ra khỏi quy hoạch, danh mục sử dụng đất đối với những dự án đã được cấp phép, nhưng chậm triển khai của nhiều địa phương là cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực.

Thu hồi các dự án chậm triển khai

UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) vừa phát đi thông báo: trong quý I này, sẽ loại 21 dự án ra khỏi danh mục sử dụng đất năm 2020 vì không triển khai xây dựng, dù đã được phê duyệt cấp phép từ rất lâu.

21 dự án nói trên có tổng diện tích gần 730ha, trong đó, dự án có diện tích lớn nhất là Khu công nghiệp Long Đức giai đoạn II (khoảng 580ha); tiếp theo là Dự án Khu dân cư An Thuận (hơn 47ha); kho bãi tại xã Long Phước (38ha); Khu dân cư Hải An - Long Thành (gần 38ha)…

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, ban hành quyết định điều chỉnh, loại 272 dự án với tổng diện tích gần 745ha trên địa bàn tỉnh ra khỏi kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm vì quá 3 năm chưa triển khai, để tránh lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục kiến nghị hủy kế hoạch sử dụng đất của gần 400 dự án khác trong diện đã quá 3 năm, nhưng chưa thể triển khai thực hiện với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 1.000ha.

Ảnh minh họa.

Tương tự Đồng Nai, tỉnh Long An cũng có những động thái quyết liệt đối với dự án không triển khai. Mới đây, ông Thái Văn Thắng, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An) cho biết, năm 2019, sở này đã thu hồi giấy phép của 10 dự án và đang tiếp tục rà soát. Dự án nào được cấp phép, nhưng đã quá thời gian quy định mà không thực hiện, hoặc chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn, sẽ đưa ra khỏi danh mục sử dụng đất.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không ít dự án bất động sản lớn được cấp phép nhiều năm, nhưng đến nay vẫn… nằm trên giấy. Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu của Petroland với diện tích 694.600m2 tại phường 10 và 11 (TP. Vũng Tàu) đã được cấp phép từ năm 2009. Petroland đã chi khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện một số hợp đồng tư vấn, quản lý, phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư dự án, nhưng sau đó lại không tổ chức triển khai.

Cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện thu hồi đối với các dự án du lịch (dự kiến 7 dự án) mà nhà đầu tư không tập trung nguồn lực thực hiện, kéo dài công tác đền bù giải phóng mặt bằng; thu hồi các dự án đã được gia hạn thời gian thực hiện, nhưng nhà đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai…

“Những dự án sau khi thu hồi sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới có đủ năng lực. Do đó, các nhà đầu tư không lo thiếu quỹ đất”, ông Hải nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông cho rằng, tại nhiều địa phương, tình trạng doanh nghiệp “xí phần” đất từ nhiều năm trước (khi việc cấp phép dự án còn khá dễ dàng), rồi không triển khai là có thực.

Cũng theo ông Phúc, thời gian gần đây, thị trường bất động sản phát triển mạnh, các doanh nghiệp có năng lực về vốn và kinh nghiệm “đổ bộ” về tỉnh lẻ để phát triển dự án, nhưng lại không có quỹ đất, trong khi đó, lượng dự án đã được cấp phép, nhưng không triển khai rất lớn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp có vốn đã chọn giải pháp hợp tác với doanh nghiệp sở hữu quỹ đất để cùng phát triển dự án.

Đơn cử, năm 2019, Tập đoàn Hưng Thịnh bắt tay Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành để phát triển dự án khu dân cư rộng hơn 100ha tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Dự án này đã được cấp phép từ chục năm trước, nhưng doanh nghiệp không thể triển khai.

Cũng tại TP. Biên Hòa, một dự án khác là Khu đô Thị Long Hưng hơn 100ha, sau nhiều năm không thể triển khai đã được Tập đoàn Keppel Land bán lại cho Tập đoàn Nam Long vào năm 2019.

Bắt tay, hợp tác với doanh nghiệp có quỹ đất tại các tỉnh để rót vốn phát triển hoặc mua lại dự án cũng là hướng đi được nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như DKRS, DKRA Vietnam, Novaland… lựa chọn.

“Từ năm 2018, Cát Tường đã hợp tác thành công với một số doanh nghiệp có quỹ đất ở các tỉnh để phát triển dự án. Năm 2019, doanh nghiệp phát triển dự án gần 100ha tại Bình Phước, dự án hơn 100ha tại Hậu Giang, dự án hơn 100ha tại Nam Định…”, ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Cát Tường chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, từ năm 2018 tới nay, việc cấp phép cho dự án mới tại các địa phương rất khó khăn, trong khi nhiều dự án được cấp phép trước đó lại không phát triển được.

“Việc các doanh nghiệp có quỹ đất và doanh nghiệp có vốn, kinh nghiệm phát triển dự án bắt tay nhau sẽ mang đến cơ hội cho cả hai phía, góp phần giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường hiện nay, đồng thời cũng giúp các địa phương bớt ‘đau đầu’ vì dự án treo”, ông Châu nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top