Aa

Bất động sản 24h: Đại gia Hà Nội săn biệt thự, liền kề, của hiếm khan hàng lên cơn "ngáo giá"

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Năm, 28/04/2022 - 10:30

Đại gia Hà Nội săn biệt thự, liền kề, của hiếm khan hàng lên cơn "ngáo giá"; "Sốt" đất vẫn tiếp diễn: Đâu là giải pháp?... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Đại gia Hà Nội săn biệt thự, liền kề, của hiếm khan hàng lên cơn "ngáo giá"

Tại Hà Nội, trong quý IV/2021, giá nhà phố ghi nhận giá trung bình cao nhất ở mức 381 triệu đồng/m2 thì sang đến quý I/2022 mức giá này đã lên tới 417 triệu đồng/m2. Còn giá trung bình của nhà liền kề là 185 triệu đồng/m2.

Anh Thành Công (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư cho biết, biệt thự khu vực phía Tây Hà Nội bán ra trong khoảng 3 năm nay liên tục tăng giá. Nhiều dự án khoảng hơn 1 năm trước được chào bán khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2 thì sau Tết Nguyên Đán lại tăng giá và đến thời điểm hiện tại giá đã vào khoảng 115 - 130 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí. Những biệt thự ven hồ giá tăng mạnh lên 150 triệu đồng/m2. 

Báo cáo thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội quý I/2022 của Savills cho thấy, nguồn cung mới tăng mạnh đạt 801 căn, tăng 227% theo quý nhưng vẫn giảm 15% theo năm. 

Nguồn cung sơ cấp đạt 1.513 căn, tăng 35% theo quý nhưng giảm 24% theo năm, được phân bổ đồng đều khắp thành phố. Phía Đông Hà Nội (huyện Gia Lâm) chiếm 25%, trong khi phía Tây bao gồm huyện Hoài Đức và quận Hà Đông cũng có 25% nguồn cung sơ cấp. Quận Hoàng Mai tại phía Nam chiếm 22%, trong khi các quận, huyện tại phía Bắc bao gồm Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Đông Anh có tổng cộng 28% thị phần.

Về thanh khoản, lượng giao dịch được cải thiện với 666 căn bán được, tăng 62% theo quý nhưng giảm 29% theo năm. Huyện Hoài Đức ghi nhận lượng giao dịch cao nhất với 33% thị phần, theo sau là quận Bắc Từ Liêm với 23%.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khơi thông thị trường vốn để ngân hàng không phải "gánh còng lưng" nguồn vốn trung và dài hạn

Để các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp bất động sản gia tăng tính chủ động thay vì phụ thuộc vào các ngân hàng, việc duy trì một thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là rất cần thiết.

Theo các chuyên gia, bất động sản là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, tuy nhiên, hiện nay, khoảng 70% vốn đầu tư vào lĩnh vực này dựa vào vốn vay ngân hàng và 90% doanh nghiệp vẫn trông đợi vào nguồn vốn này. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) đã phát triển mạnh và cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn với mức lãi suất thấp hơn tín dụng thương mại cho các doanh nghiệp.

Do phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng nên từ năm 2019, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp siết chặt tín dụng theo lộ trình, lãi suất cho vay bắt đầu được đẩy lên ở mức cao 11 - 12%/năm; nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%…, các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với thách thức lớn về nguồn vốn.

Để có thể tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển từ trạng thái bị động, dựa vào vốn ngân hàng sang chủ động tìm kiếm các dòng tiền mới. Trong đó, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được đẩy mạnh. Tùy theo từng năm, giá trị trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 30 - 35% tổng giá trị trái phiếu toàn thị trường và trở thành nguồn vốn huy động ưa thích của doanh nghiệp bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Công bố Lễ hội Bất động sản Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

Lễ hội Bất động sản Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất - Vietnam International Property Festival (viết tắt là VIPF) sẽ diễn ra từ ngày 28/9 - 5/10/2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Saigon (SECC), quận 7, TP.HCM.

Lễ hội Bất động sản Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chủ trì tổ chức. Hiệp hội giao Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam (VICOREAL) phối hợp với Công ty cổ phần Lễ hội Việt Nam (VietFest) và Công ty cổ phần Truyền thông Thời Đại (Time Universal) triển khai tổ chức, với định hướng trở thành sự kiện thường niên và lớn nhất về bất động sản của Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á với gần 20.000m2 triển lãm trong nhà và hơn 40.000m2 ngoài trời cho hơn 200 gian hàng trưng bày triển lãm từ các đơn vị trong và ngoài nước. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá nhà ở bao nhiêu thì được gọi là hợp lý?

Chỉ số giá nhà ở tại Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội khiến nhiều người khó có thể sở hữu được nhà ở. Do đó, bài toán nhà ở giá rẻ vẫn đang tìm kiếm một lời giải hợp lý.

Theo một báo cáo của tổ chức quốc tế, nhà ở có giá hợp lý là khi tỷ lệ chi tiêu cho việc mua nhà không vượt quá 30% tổng thu nhập của hộ gia đình. Đây là con số Nhà nước cần quan tâm để từ đó có chính sách phù hợp giúp giải quyết nhu cầu về chỗ ở của người dân.

Đáng chú ý, nhà ở giá hợp lý cho người dân, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh hiện nay, khi phần lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp phải sống và sinh hoạt trong điều kiện không được đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe.

Vấn đề này được thể hiện rõ hơn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan ở Việt Nam, phần lớn các đối tượng bị lây nhiễm là công nhân, người lao động phổ thông sống trong các khu trọ chật hẹp và đông đúc.

Mặt khác, hiện cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều khi bàn quanh câu chuyện “giá nhà ở Việt Nam đã hợp lý hay chưa?”. Nếu nhìn vào giá đơn thuần thì có thể thấy ở các nước như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) giá nhà rất cao, còn ở Việt Nam thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, để nói giá nhà cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, nền tảng của thị trường bất động sản Việt Nam liên quan mật thiết đến tốc độ tăng trưởng dân số, tâm lý sở hữu bất động sản hơn là đi thuê…

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Sốt” đất vẫn tiếp diễn: Đâu là giải pháp?

Trong suốt gần 30 năm qua những cơn “sốt” đất chưa khi nào dừng lại, có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng vấn đề quan trọng nhất là vẫn thiếu một công cụ pháp lý để quản lý thị trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân tiến hành chuyển nhượng đất đai, bất động sản không đúng quy định, gây ra hiện tượng “sốt” đất, nhằm bình ổn thị trường.

Đến nay, nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum... đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn tại địa bàn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò "thổi" giá đất của giới đầu cơ, "cò" đất không chuyên nghiệp nhằm trục lợi cá nhân.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top