Aa

Bất động sản 24h: Bất động sản công nghiệp và hiệu ứng “đại bàng”

Chủ Nhật, 24/04/2022 - 12:09

Bất động sản công nghiệp và hiệu ứng “đại bàng”; Thực hư làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư tại thị trường bất động sản miền Trung… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Bất động sản công nghiệp và hiệu ứng “đại bàng”

Thu hút FDI khả quan và bối cảnh vĩ mô thuận lợi đang mang đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).

Một trong những dự án tiêu biểu nhất phải kể đến là dự án có giá trị đầu tư 1 tỷ USD với quy mô 44ha của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) được khởi công trong năm nay và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thực hư làn sóng tháo chạy của nhà đầu tư tại thị trường bất động sản miền Trung

Thị trường bất động sản khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh sau một thời gian dài sốt nóng đang dần hạ nhiệt, tuy nhiên chưa xuất hiện làn sóng tháo chạy khỏi thị trường.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Tĩnh cho hay, dù giá bất động sản tại Hà Tĩnh, Nghệ An đã lên cao so với cách đây 1 năm, song giao dịch vẫn được thực hiện, chưa xuất hiện làn sóng “tháo chạy”.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho hay, các giao dịch có phần chậm lại do giá đất nhiều nơi bị đẩy lên cao hơn nhiều lần, mặt khác người dân có tâm lý chờ giá tăng thêm nên việc “chốt giá” cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Thạch – một nhà đầu tư kỳ cựu tại huyện Kỳ Anh cho biết, thời gian qua, việc các "ông lớn" bất động sản liên tục đề xuất nghiên cứu quy hoạch, đầu tư dự án tại khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An đã kéo theo làn sóng đầu tư, đâu đâu cũng gặp “cò” đi săn lùng chốt đất ăn theo dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng.

Một số nhà đầu tư cũng cho biết mặc dù vẫn có động lực tăng giá từ các đề xuất quy hoạch của nhiều tập đoàn lớn, song nhà đầu tư mới đang chùn bước bởi hiện giá đất đã tăng gấp 2 – 3 lần so với năm ngoái.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Khách sạn lưu trú và dịch vụ F&B TP.HCM dần “hồi sinh” khi mở cửa ngành du lịch

Chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, nhất là những thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, ngành dịch vụ lưu trú và F&B tại TP.HCM đang từng bước phục hồi trở lại trong bối cảnh mở cửa du lịch hoàn toàn.

Ngày 15/3/2022 được xem là điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch cả nước, trong đó có TP.HCM, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch hoàn toàn. Ngành du lịch TP.HCM đang có dấu hiệu khởi sắc đáng mừng, ước đạt gần 5 triệu lượt khách, tăng 303,3% so với quý IV năm 2021. Chính vì thế kéo theo ngành lưu trú và F&B cũng phục hồi đáng kể khi lượt du khách chọn điểm đến là TP.HCM ngày càng tăng. Tuy vậy, theo ghi nhận, sức hồi phục các hoạt động kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống vẫn còn khá dè dặt.

Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch đang điều chỉnh lại chiến lược phát triển để phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm mới, tập trung vào sức khỏe, an toàn và những trải nghiệm đích thực cho khách hàng.

Hiện ở TP.HCM, lượt du khách lưu trú tại các khách sạn đạt tỷ lệ mức trung bình từ 30 - 35%. Đặc biệt, đợt nghỉ lễ “Giỗ tổ Hùng Vương” vừa qua, theo báo cáo số liệu từ các doanh nghiệp du lịch do có chính sách giảm giá, lượt khách lưu trú đạt trung bình 50%. Khu vực tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất có nơi đạt 60 - 70% công suất bán phòng của một số khách sạn 4 - 5 sao. Nhiều khách sạn đang tích cực triển khai các kế hoạch đổi mới hơn so với trước đây, nhằm thu hút du khách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cơ chế pháp luật hợp lý là nền tảng cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển

Nhìn nhận về những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng nêu ra một thực tế, hiện nay có rất nhiều quy định hay khái niệm được ra đời trước khi được quy định. Điều này là câu chuyện hết sức bình thường, bởi không phải khi nào luật pháp cũng theo kịp sự vận động của xã hội. Vấn đề quan trọng là dù đi sau hay đi trước thì hệ thống pháp luật cần phải dựa vào thực tiễn để kiện toàn và hoàn thiện, tránh tạo ra những “khoảng trống”.

“Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có điểm nghẽn pháp lý về mua và sử dụng các loại hình bất động sản du lịch. Trên cơ sở nhu cầu sở hữu, cho thuê, sang tên, chuyển nhượng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng lớn, một số khái niệm, định danh được ra đời trong khi pháp luật chưa quy định. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan, không phải khi nào pháp luật cũng có trước quan hệ xã hội, mà phải nhìn từ quan hệ xã hội để hình thành pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sự “tùy tiện” trong quy hoạch các khu đô thị hiện nay

Tại một số khu vực, việc điều chỉnh cục bộ còn không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt là các khu vực đô thị trung tâm. Chưa kể việc nhiều chủ đầu tư các khu đô thị không tuân thủ quy hoạch, hạ tầng xã hội đô thị đã thiếu lại càng thiếu khi nhiều chủ đầu tư không thực hiện xây dựng các công trình công cộng, vườn hoa, công viên hay trường học...

Chính từ sự “tùy tiện” trong quá trình quản lý quy hoạch mà bức tranh đô thị Hà Nội càng ngày càng trở nên hỗn độn, không gian xanh đang dần bị thu hẹp lại, ngột ngạt và khó thở. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết ra sao? PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top