Sức hấp dẫn bất động sản công nghiệp
Theo Cục Đầu Tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bốn tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, và bán buôn, bán lẻ là các ngành dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước.
Tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% về số dự án nhưng giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ.
Có thể thấy, sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại sau Covid-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, năm 2023, dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thấy gì từ hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhà ở?
Quý I/2023, hàng tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp phát triển nhà ở đều tăng cao. Song, suy xét trong bối cảnh chung của thị trường thì hàng tồn kho cao chưa hẳn đã là xấu.
Kết quả khảo sát của PV đối với 37 doanh nghiệp phát triển nhà ở tiêu biểu nhất đang niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) và tự công bố thông tin cho thấy một xu hướng đáng chú ý là có 62% doanh nghiệp ghi nhận giá trị hàng tồn kho tăng.
Trong số này, không ít doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng khá mạnh như: Tập đoàn Bất động sản CRV (tăng gấp 3 lần), Tài chính Hoàng Huy (tăng 92%), Tập đoàn Đạt Phương (tăng 23%), Xuân Mai Group (tăng 14%), Handico 6 (tăng 10%)…
Số còn lại, mặc dù chỉ có tốc độ tăng 1 chữ số hoặc thấp hơn, nhưng quy mô hàng tồn kho lại rất lớn. Bởi vậy, việc hàng tồn kho chỉ “nhích” thêm vài %, khi quy ra giá trị tuyệt đối cũng là một con số “khổng lồ”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nguồn cung mới nhỏ giọt, giá bán căn hộ khó giảm sâu
Trong 3 tháng đầu năm, cả Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận nguồn cung căn hộ mới sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn, trong khi lạm phát và lãi suất cao dẫn đến tình hình hoạt động bị ảnh hưởng.
Cụ thể, báo cáo thị trường bất động quý I/2023 của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM là 1.610 căn, giảm 25% theo năm, trong khi con số này ở Hà Nội là 2.040 căn, giảm 27% theo năm. Theo thống kê, riêng tại Hà Nội, giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, nguồn cung căn hộ mới giảm 14%/năm.
Ngoài ra, nguồn cung thứ cấp trên thị trường cũng có xu hướng tăng nhẹ do một nhóm nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn với bài toán cân đối dòng tiền trong bối cảnh lãi suất tăng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đất nền không phục vụ nhu cầu ở thực tiếp tục giảm giá
Từ đầu năm đến nay, thị trường đất nền khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận nhìn chung đều ế ẩm.
Báo cáo của DKRA Việt Nam cho thấy, trong tháng 4, toàn thị trường TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh) chỉ ghi nhận 4 dự án đất nền mở bán, với 272 nền, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có một dự án mới, còn lại là các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.
Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay tung các chính sách chiết khấu cao, khoảng 14 - 20% giá trị mảnh đất. Những chương trình khác như hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Tương tự, thị trường thứ cấp cũng không có nhiều biến động về giá so với tháng trước. DKRA đánh giá, thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp khi người mua còn giữ tâm lý “chờ đáy” bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP.HCM: Cho chuyển nhượng dự án tái định cư của Công ty Công ích quận 4
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (Sở TN-MT) có văn bản số 4290/STNMT-CV về việc thông tin kết quả giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Theo đó, Sở TN-MT đã cập nhanh danh sách các dự án và tình trạng giải quyết, tính đến ngày 19/5/2023.
Trong danh sách này, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Phú Trí đề nghị tiếp tục giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án số 299 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4. Về kết quả giải quyết, Sở TN-MT cho biết Văn phòng đăng ký đang thực hiện đăng ký chuyển nhượng.
Dự án 299 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 có nguồn gốc thuộc về Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam. Ngày 13/11/2007, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 6557/VPCP-CN về việc bán chỉ định cơ sở nhà đất số 299 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4.