Có nhiều cách dịch chuyển đất đai mà vẫn đảm bảo lợi ích người dân
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề cập thấu đáo đến cơ chế đồng thuận cộng đồng, cũng như buộc phải định hình lại vai trò của hộ gia đình và cộng đồng dân cư.
Tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”, do trường Đại học Cần Thơ tổ chức mới đây, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề người dân thắc mắc, khiếu kiện, khiếu nại nhiều nhất liên quan đến câu chuyện thu hồi đất đối với các dự án có mục tiêu lợi nhuận của chủ đầu tư.
Trong trường hợp này, phương án thu hồi đất phải để cộng đồng những người thuộc diện thu hồi thảo luận và cho ý kiến. Cuối cùng, cần sự đồng ý của đại đa số (ít nhất 2/3 cộng đồng) thì mới tổ chức thực hiện. Nguyên tắc này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, khi tối thiểu 70% người dân liên quan đồng thuận thì dự án được triển khai, sau đó, Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với 30% còn lại không đồng thuận.
Tuy nhiên, theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, cho đến nay, đây vẫn là “điểm nghẽn” vì Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) chưa giải quyết được vấn đề này và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa đề cập thấu đáo.
Đồng thời, nếu áp dụng cách này ở Việt Nam, cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm thực thi việc thu hồi đất với 30% không đồng thuận, để dự án sớm triển khai và không để lại hệ lụy. Thậm chí, nếu không quy định rõ sẽ tạo lỗ hổng phát sinh tiêu cực, tham nhũng khi một số doanh nghiệp phải bỏ chi phí “lót tay” nhằm thúc đẩy triển khai dự án.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lãi suất tiếp tục "hạ nhiệt", bất động sản chờ dòng tiền quay trở lại
Việc lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt” được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tích cực đưa dòng tiền quay trở lại với phân khúc bất động sản, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Kể từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Như vậy đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ trung tuần tháng Ba tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành, hai lần trước là ngày 14/3 và 31/3/2023.
Nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi lãi suất đã “hạ nhiệt,” room tín dụng đã mở.
Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định “xuống tiền,” bởi thị trường bất động sản ở quý 1/2023 đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ.
Việc lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt” được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tích cực đưa dòng tiền quay trở lại với phân khúc bất động sản, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều dự án chậm triển khai, đất đai để hoang hóa
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời chỉ ra một số điểm còn tồn tại.
Theo đó, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra tại Quốc hội sáng 23/5 đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáng chú ý có vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư công:
Thứ nhất, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: Vui Đông, buồn Bắc
Trong khi khu vực phía Đông phát triển như vũ bão với những dự án lớn làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị thì nhiều dự án ở khu Bắc vẫn chỉ là những phối cảnh trên giấy.
Nếu nhìn theo dọc dài lịch sử, có thể thấy trong suốt nhiều năm, Hà Nội đã phát triển theo mô hình “đô thị đơn cực”, tức từ một lõi trung tâm mở rộng dần ra các hướng. Song, do “vướng” sông Hồng, chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam, sự mở rộng của Hà Nội diễn ra chủ yếu về hướng Tây và Nam, trong đó hướng Tây là chủ đạo, hình thành nên cục diện “Tây tiến”.
Năm 2008, với việc sáp nhập tỉnh Hà Tây cùng 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội, xu hướng “Tây tiến” càng trở nên mạnh mẽ. Suốt hơn một thập niên qua, khu Tây luôn là địa bàn có số lượng dự án, sản phẩm bất động sản lớn nhất Thủ đô, với tỷ trọng bình quân hàng năm đạt khoảng 50% tổng nguồn cung toàn thị trường.
Sự phát triển của khu Tây, cố nhiên là rất tốt, nhưng cũng cho thấy sự lệch pha trong cán cân thị trường bất động sản Hà Nội. Mặt khác, từ Quốc Oai, Đan Phượng trở về phía Tây, địa chất khu vực không hoàn toàn ủng hộ cho tiến trình đô thị hóa. Trong một lần trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết vượt quá Hoài Đức, địa thế khu Tây khá trũng, thường xảy ra ngập lụt. Trong khi đó, bờ bắc và bờ đông sông Hồng có địa thế cao, quỹ đất dồi dào, nền giá còn thấp, thích hợp cho sự phát triển đô thị. Đây có lẽ là một phần lí do Hà Nội đã có những điều chỉnh mang tính bước ngoặt.
Và sự điều chỉnh đó đã đến vào năm 2016, tức 1 năm sau khi khánh thành đại lộ Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân. Trong năm này, Hà Nội chính thức công bố đồ án quy hoạch trục Nhật Tân – Nội Bài, đánh dấu cho việc “xoay trục” phát triển đô thị Thủ đô từ Tây sang Bắc. Đi liền với động thái công bố quy hoạch là việc các tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam đua nhau ra mắt các dự án quy mô lớn trên địa bàn huyện Đông Anh, trong đó phải kể tới Sun Group với dự án Công viên Kim Quy (101ha); BRG với dự án Thành phố thông minh (270ha) mà điểm nhấn là tháp tài chính cao 108 tầng…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gói 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại.
Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Các địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.
Phân tích về nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạo, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.