Đất vùng ven - "cuộc chơi" dài hơi
Theo các chuyên gia, cơn sốt đất vùng ven đô tại Hà Nội xảy ra theo chu kỳ chứ không liên tục tiếp diễn. Sở dĩ vậy là do khi có một thông tin quy hoạch nào thì đất khu vực đó bị “cò” thổi giá, đẩy giá. Câu chuyện này đã xảy ra tại Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì… hàng chục năm trước, thậm chí cơn sốt đất tại Đông Anh theo chu kỳ này cũng vừa quay lại đầu năm 2019.
Trước đó, đầu những năm 2010, khi cây cầu Nhật Tân bắt đầu được xây dựng, giá đất Đông Anh đột ngột tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào khu vực này. Thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, giá đất chỉ trong vòng vài tháng đã tăng tới 60 - 70%, lên đến 70 - 80 triệu đồng/m2. Một số thôn ở xa hơn như làng Vĩnh Thanh, Phương Trạch, giá tầm 40 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau khi cầu xây xong, hạ tầng cơ bản ổn định nhưng không có dự án bất động sản nhà ở nào triển khai, giá đất lại xuống thê thảm. Nhiều nhà đầu tư đến sau không có lối thoát, đành bán ra giảm giá.
Mới đây, khi Hà Nội công bố sẽ xây dựng thành phố thông minh tại Đông Anh và hàng loạt dự án khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… của Thủ đô sẽ dịch chuyển sang đây, một lần nữa đất Đông Anh lại sốt “sình sịch”. Đất nền các khu vực gần các dự án bất động sản sắp triển khai leo thang từng ngày. Thế nhưng, đến cuối năm 2019, khi nhiều chuyên gia cảnh báo về tình trạng mua bán đất nền với giá bị đẩy lên quá cao, nhiều nhà đầu tư đã “chùn tay”, lập tức giá đất lại hạ nhiệt.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc JLL thị trường Hà Nội, tâm lý của nhà đầu tư cá nhân cũng như điều kiện của Việt Nam trong thời gian qua vẫn ảnh hưởng đến các xu hướng, đó là có cơn sốt đất vùng ven như ở Hà Nội. Bởi quỹ đất nội đô Hà Nội đã chật, buộc phải mở rộng ra thị trường vùng ven, tâm lý đó khiến cho đất bị sốt.
Tuy nhiên, xu hướng mở rộng ra vùng ven chưa diễn ra ngay mà cần khoảng 10 - 20 năm, nhưng hiện nay nhiều người đã đi tắt đón đầu, mua đất và tự tạo ra các cơn sốt ảo.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản TP.HCM 2020: Ít bong bóng nhưng dễ sốt đất nền
Thị trường bất động sản TP.HCM đã trải qua một năm 2019 đầy biến động. Nhận định về bức tranh bất động sản TP.HCM năm qua, CBRE Việt Nam cho rằng, giá nhà ở TP.HCM đã tăng 10% so với năm trước, thị trường thiết lập mặt bằng giá mới (khoảng 47 triệu đồng/m2). Giá bán tăng được ghi nhận tại tất cả dự án chào bán trong quý và các sản phẩm còn lại trên thị trường ở tất cả các khu vực.
Báo cáo của DKRA Việt Nam cũng cho rằng, giá bán bất động sản TP.HCM liên tục tăng mạnh trong năm 2019, mức trung bình là 15 - 20% so với mặt bằng giá trong khu vực. Nguồn cung và lượng tiêu thụ căn hộ tại TPHCM đã thấp nhất 4 năm (2016 - 2019).
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, thị trường về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt, vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011 - 2013.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã chỉ ra các nhân tố tác động đến thị trường bất động sản năm 2020. Thứ nhất, tình hình thế giới năm 2020 tiếp tục có những diễn biến khó lường, có tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam, do độ mở của nền kinh tế lớn và khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh trong năm 2020, với lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thứ ba, quá trình sớm rà soát, thanh kiểm tra của UBND TP.HCM sẽ đẩy tiến độ các dự án lên...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Triển vọng ngành ngân hàng 2020: Điều hành không quá chặt, tăng trưởng vẫn tích cực
Cả 3 tổ chức gồm Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đánh giá ngành ngân hàng trong năm 2020 tăng trưởng vẫn tích cực dù quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, bức tranh vĩ mô đang rất ổn định để giúp ngân hàng Việt Nam tăng trưởng thu nhập từ lãi cũng như từ phí và duy trì chất lượng tài sản để không phải tăng trích lập dự phòng.
MBKE đã nâng đánh giá từ trung lập lên tích cực đối với ngành ngân hàng trong năm 2020, dựa trên 3 yếu tố: Các quy định của Ngân hàng Nhà nước; Khả năng sinh lời trên tài sản và Định giá.
Về yếu tố các quy định của Ngân hàng Nhà nước: MBKE đánh giá các quy định của Ngân hàng Nhà nước về điều tiết ngành ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái hỗ trợ ngành tăng trưởng và duy trì khả năng sinh lời. Hiện các quy định của ngành ngân hàng đang được đưa ra và triển khai một cách rất hợp lý, như quy định về an toàn vốn hay quy định về trích lập dự phòng.
Nhờ các quy định ở mức vừa phải, không siết chặt quá mức nên các ngân hàng tiếp tục duy trì mức đòn bẩy tài sản trên vốn ở mức 10 -12 lần thay vì giảm xuống ở mức dưới 10 lần như các ngân hàng trong khu vực. Vì vậy, các ngân hàng đang ở chu kỳ khả năng sinh lợi tốt.
Về yếu tố khả năng sinh lời trên tài sản: MBKE đánh giá bức tranh vĩ mô đang rất ổn định để giúp ngân hàng Việt Nam tăng trưởng thu nhập từ lãi cũng như từ phí và duy trì chất lượng tài sản để không phải tăng trích lập dự phòng.
Cụ thể, nhờ bức tranh vĩ mô ổn định, nhờ tỷ lệ tín dụng/GDP hiện tại theo cách tính mới không quá mức căng thẳng (tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2019 trên 130%, nhưng việc điều chỉnh cách tính GDP trong năm 2020 làm quy mô GDP tăng lên giúp tỷ lệ tín dụng/GDP giảm xuống dưới 130%) nên ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cả ngành ở mức 13 - 14%, những ngân hàng đầu ngành khoảng 15 - 16%.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bàn giao nhà tình nghĩa tại Quảng Ninh
Ngày 13/1, Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa và trao quà (10 chiếc TV) cho 10 hộ gia đình.
Tham dự buổi lễ cắt băng khánh thành nhà tình nghĩa tại tỉnh Quảng Ninh, có ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch VNREA; ông Lê Văn Thìn, Chánh Văn phòng VNREA và các thành viên Ban Thường vụ Hiệp hội.
Phía doanh nghiệp bất động sản có ông Đỗ Việt Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco).
Phía đoàn địa phương có ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện các sở, ban, ngành tại địa phương.
Trước đó, ngày 22/10, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao tiền hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho 10 hộ nghèo ở các xã thuộc 3 huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh với số tiền là 500 triệu đồng. Theo đó, công tác chỉ đạo xây nhà cho 10 hộ đã được tiến hành ngay trong tháng 10 để kịp bàn giao cho các hộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán. Sau hơn 3 tháng triển khai, cơ bản 10 ngôi nhà đã hoàn thiện.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lý do ''rót'' tiền làm cao tốc Bắc - Nam mà không mở rộng Quốc lộ 1
Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam sẽ vượt quá năng lực giao thông.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải, kết nối kinh tế vùng miền và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đồng thời giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1, không thể khắc phục.
Đây là nội dung chính được Bộ Giao thông Vận tải gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Nhấn mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phía Bộ Giao thông Vận tải nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ lệ các công trình hiện đại (như hệ thống đường cao tốc) còn thấp so với các nước trong khu vực và được xác định là điểm nghẽn của quá trình phát triển.
Mặt khác, hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Chỉ tính riêng đoạn Hà Nội - TP.HCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, vận tải Bắc - Nam tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại 1 - 2 và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm.