Doanh nghiệp địa ốc còn nhiều “của để dành”
Khả năng bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, không có sự “đóng băng” như nhiều lo ngại. Đặc biệt, từ tháng 10 - thời điểm một số địa phương phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản có dấu hiệu sôi động trở lại, giao dịch trên thị trường bắt đầu tăng.
Đánh giá về lượng giao dịch trên thị trường, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, lúc này, các đơn vị môi giới và chủ đầu tư đã tổ chức hoạt động giới thiệu dự án cho khách hàng cũng như giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đến nay, nhiều dự án đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10.
“Chúng tôi nhận thấy, nhiều khách hàng đã đầu tư trở lại. Họ sẽ tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định như TP.HCM, Bình Dương…”, ông Phạm Lâm nói và phân tích, các chủ đầu tư đang đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí là nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán để thu hút và hỗ trợ khách hàng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Tồn kho của nhóm bất động sản niêm yết hơn 11 tỷ USD
Tính đến hết tháng 9, nhóm bất động sản niêm yết tồn kho gần 269.774 tỷ đồng, tương đương trên 11 tỷ USD. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến pháp lý, quá trình triển khai dự án mất nhiều năm, tiến độ bị ảnh hưởng do dịch, một số doanh nghiệp đã tranh thủ M&A trong giai đoạn dịch bệnh, qua đó phát sinh thêm tồn kho.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III, Bộ Xây dựng thông tin số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính 15.067 căn, cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài.
Do ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 kéo dài từ đầu tháng 4, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp phía Nam buộc phải trì hoãn kế hoạch bàn giao nhà, dự án hoặc giao dịch qua kênh online với số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tiến hành M&A thêm dự án, qua đó làm tăng giá trị tồn kho trong kỳ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đã đến lúc cần xây dựng tiêu chí và cơ chế quản lý căn hộ thông minh
Hiện nay việc xây dựng, kinh doanh căn hộ chung cư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, chưa có một luật nào quy định về khái niệm nhà ở thông minh hay căn hộ thông minh cũng như không hình thành cơ chế pháp lý riêng, đặc thù về loại căn hộ này. Căn hộ thông minh chỉ là một cách hiểu, một cách quảng cáo về chất lượng, sự tiện dụng của căn hộ đối với người sử dụng.
Vì vậy, căn hộ thông minh không phải là một loại nhà ở mà là một khái niệm nói về kiến trúc và giá trị của căn hộ. Căn hộ có thể được cho là "thông minh" đối với người này, nhưng chưa chắc đã thông minh với người khác nếu như nhu cầu sử dụng và sở thích của mỗi người là khác nhau.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch Mỹ
Nền kinh tế phát triển và tỷ lệ mua nhà kỷ lục của thế hệ millennials đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bất động sản Mỹ những năm gần đây. Thị trường diễn biến đặc biệt sôi động với nhu cầu mua nhà tăng cao ở các bang. Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia đã công bố nghiên cứu từ Rosen Consulting Group, ước tính rằng cần khoảng 5,5 triệu đến 6,8 triệu ngôi nhà mới để đáp ứng nhu cầu hiện nay trên thị trường.
Điều này khiến giá nhà tăng ở mức trung bình trong nhiều năm liên tiếp. Gần đây, mức tăng đã lên thành hai con số, là kết quả của tình trạng nhu cầu thì lớn mà nguồn cung lại không đáp ứng được.
Lãi suất thế chấp thấp, cộng thêm với việc phải làm việc tại nhà trong đại dịch, nhu cầu nhà ở do đó càng tăng cao, nhất là các căn nhà ở ngoại ô.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quản môi giới bất động sản: Lỗ hổng ở hậu kiểm
Theo quy định của pháp luật, điều kiện để hành nghề môi giới BĐS là phải có chứng chỉ hành nghề. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh BĐS đã được quy định tại Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Tuy nhiên, lỗ hổng trong hậu kiểm, xử phạt khiến việc quản lý hoạt động môi giới còn lỏng lẻo. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết môi giới ở nước ta hoạt động ở đâu, kinh doanh cái gì đều không báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Pháp luật có quy định nhưng chưa chặt nên khó xử lý.
Về sàn giao dịch, pháp luật không bắt buộc các dự án phải niêm yết công khai, giao dịch qua sàn nên việc thực thi thẩm tra pháp lý, chất lượng sản phẩm bị xem nhẹ, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều trường hợp chủ đầu tư (CĐT) tự lập sàn để trực tiếp bán hàng không đúng quy định pháp luật, như trường hợp Công ty Alibaba.