Aa

Bất động sản 24h: Doanh nghiệp địa ốc gập ghềnh gọi vốn

Thứ Ba, 10/03/2020 - 10:30

Doanh nghiệp địa ốc gập ghềnh gọi vốn; Thị trường bất động sản Vân Đồn: Tăng phi mã rồi "quay đầu"... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Doanh nghiệp địa ốc gập ghềnh gọi vốn

Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp địa ốc đã đa dạng hóa nguồn huy động vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp hướng tới dòng vốn rẻ từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với diễn biến bất lợi ngoài dự tính của thị trường, con đường này xem ra cũng không dễ đi.

Trong Báo cáo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 1/2020, Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SS cho biết, VN-Index khởi đầu năm 2020 với mức P/E trượt (trailing P/E) là 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019. Với mức định giá tương đối hấp dẫn và chỉ số đi ngang trong một thời gian dài, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội hơn khi bước sang năm mới.

Theo SSI, kinh tế tăng trưởng ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc, xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ về mặt định giá, cũng như tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài được báo cáo của SSI nhận định là những yếu tố nền tảng đem đến kỳ vọng cho thị trường trong năm 2020.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường sau Tết Âm lịch đã đi theo kịch bản ít ngờ tới khi liên tục lao dốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá cổ phiếu giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư e ngại khiến con đường gọi vốn qua thị trường chứng khoán không còn dễ đi như tính toán ban đầu. Trước khó khăn bất ngờ này, các doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán dòng vốn, kế hoạch kinh doanh, lên các giải pháp ứng phó với thách thức.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sửa đổi Nghị định 20: Cần hiểu vốn là “dòng máu” chảy trong cơ thể doanh nghiệp

Trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư, có thể ví như “dòng máu” chảy trong cơ thể doanh nghiệp. Số vốn đầu tư cho mỗi dự án phụ thuộc vào quy mô, thiết kế, giải pháp kiến trúc, công nghệ thi công, vật liệu xây dựng, kiểu dáng thiết kế, công nghệ xanh, công trình xanh, thiết bị điện tử thông minh, thiết bị công nghệ cảm ứng,... Giá trị đầu tư dự án có thể lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, vay vốn để đầu tư là hoạt động khá phổ biến trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP lại quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Quy định này đã gây ra những tác động không nhỏ đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Việt Nam trong thời gian qua, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch corona đang hoành hành, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, khủng hoảng tài chính.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản Vân Đồn: Tăng phi mã rồi "quay đầu"

Kể từ khi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, thị trường bất động sản nơi đây đã có sự sôi động trở lại sau một khoảng thời gian dài đóng băng.

Cơn sóng bất động sản Vân Đồn được dự báo có thể quay trở lại. (Ảnh: B.K)

Chia sẻ với báo chí trước đó, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Thanh Tùng Land cho biết, lượng nhà đầu tư quan tâm đến Vân Đồn tăng đột biến, gấp hàng trăm lần so với thời điểm trước ngay khi quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn cung đất nền dự án đang khan hiếm và tập trung chủ yếu vào dự án Phương Đông và đất dọc trục đường 334. Mức giá của thị trường Vân Đồn có xu hướng gia tăng trở lại.

Trong khi đó, theo ông Xuân Kiên (một nhà môi giới tại Vân Đồn), thị trường bất động sản Vân Đồn đã từng đón những cơn sốt trở lại. Bởi quyết định phê duyệt quy hoạch là thông tin được các nhà đầu tư đặc biệt mong chờ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chứng khoán "hoảng loạn" vì Covid-19, nhóm bất động sản "lao dốc"

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một ngày “đen tối” khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra hoảng loạn trước sự phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 sau khi cuối tuần trước, nước ta ghi nhận một số ca dương tính với virus này. Cùng với đó, thị trường chứng khoán thế giới hay giá dầu lao dốc cũng tác động lớn đến hành động của nhà đầu tư.

Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán đã dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc, trong đó có nhiều mã giảm sàn, lực cầm cự của bên mua không thể duy trì trước áp lực bán quá mạnh và liên tục khiến các chỉ số lao dốc.

Đỉnh điểm của sự hoảng loạn xảy ra ngay trước phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC), lực bán ồ ạt đưa ra và nới rộng đà giảm của các chỉ số. Trong đó, VN-Index chốt phiên giảm đến 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm – theo ghi nhận thì đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 18,5 năm qua kể từ tháng 10/2001. HNX-Index cũng giảm 7,32 điểm (-6,44%) xuống 106,34 điểm. UPCoM-Index cũng không nằm ngoài xu thế chung khi giảm 2,98 điểm (-5,38%) xuống 52,44 điểm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhắm mắt dâng tiền cho Alibaba

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố và bắt tạm giam thêm 14 người, là giám đốc các sàn giao dịch bất động sản của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Alibaba).

Công ty này trước đây do Nguyễn Thái Luyện làm chủ tịch HĐQT đã làm mưa làm gió trên thị trường bất động sản với hình thức lập dự án "ma", quy tụ nhiều nhân viên kinh doanh kiểu đa cấp, rửa tiền. Theo cơ quan chức năng, đã có hàng ngàn người là nhân viên và khách hàng vì thiếu hiểu biết về luật pháp, ham tiền và chủ quan đã theo Luyện một cách mù quáng.

Từ một vài dự án đầu tiên Alibaba tung ra, dù đã được báo chí, chính quyền cảnh báo về sự bất hợp lý khi doanh nghiệp này tự vẽ dự án, phân lô trên đất nông nghiệp vùng ven rồi bán nhưng hoàn toàn không có pháp lý. Vậy mà không ai chịu nghe, nhiều người vẫn nhắm mắt nộp tiền mua đất nền trên giấy do Luyện vẽ ra. Chính từ vài dự án ban đầu đó, Alibaba đã thu hút hàng trăm, rồi hàng ngàn người mua. Để tăng niềm tin và thu hút thêm khách hàng, Alibaba không tiếc tiền chia lãi đậm 30%-40% cho hàng trăm người tới trước.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top