Aa

Bất động sản 24h: Giá BĐS giảm mức sâu nhất chạm ngưỡng 50%, đã đến lúc nhà đầu tư “xuống tiền”?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 26/02/2023 - 09:41

Giá BĐS giảm mức sâu nhất chạm ngưỡng 50%, đã đến lúc nhà đầu tư “xuống tiền”?; 640 tỷ đồng lập quy hoạch, kiểm định chung cư cũ Hà Nội... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Giá bất động sản giảm mức sâu nhất chạm ngưỡng 50%, đã đến lúc nhà đầu tư “xuống tiền”?

Hiện nay, giá đất nền tại nhiều khu vực đã giảm sâu. Thời điểm này được nhận định là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực mua vào, song vẫn cần cẩn trọng với những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.

Cách đây 1 năm, thậm chí “cơn sốt” đất đã xảy ra tại nhiều khu vực như vùng ven Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước, Quảng Trị... Tuy nhiên, ở năm nay, thị trường đã có diễn biến trái ngược. Giá đất nền tại nhiều khu vực không còn tăng nóng mà thay vào đó các chủ đất phải chấp nhận giảm để tìm khách mua, thu tiền về.

Ghi nhận thực tế tại vùng ven Hà Nội, nhiều khu vực giá đã giảm sâu từ 20 - 30%, thậm chí xuất hiện cả mức giá giảm tới 50%. Cụ thể, giá đất nền tại Phù Cát, Phú Mãn (Quốc Oai), thời điểm sốt giá đất được giao dịch khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2, thì nay giá rao bán còn 18 - 24 triệu đồng/m2. Tại Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Xuân Canh (Đông Anh) hiện giá đất nền trong ngõ ô tô có thể di chuyển dao động từ 33 - 38 triệu đồng/m2, trong khi đầu năm 2022 giá rao bán từ 45 - 55 triệu đồng/m2. Còn những mảnh đất nằm ở mặt đường 5m có thể kinh doanh được giá dao động từ 50 - 53 triệu đồng/m2, giảm khoảng 20 - 30% so với thời điểm sốt.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xử lý vấn đề từ gốc để doanh nghiệp bất động sản thoát khỏi tình thế “tiến thoái lưỡng nan”

Khó khăn trên thị trường BĐS ngày càng chồng chất hơn từ nửa cuối năm 2022 đã khiến các doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Để giúp các doanh nghiệp vượt qua nghịch cảnh, phải xử lý vấn đề từ gốc.

Năm 2023 được đánh giá là năm chứng kiến sự sống còn của các doanh nghiệp bất động sản khi tình trạng thanh khoản kém; dự án cũ không bán được hàng; dự án mới không thể triển khai do chậm pháp lý và nghẽn vốn đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.

Rất cần cách làm cụ thể để thị trường bất động sản phát triển căn cơ, lành mạnh. (Ảnh minh họa: Tùng Dương)

Cùng với đó, áp lực trả nợ trái phiếu đang đặt gánh nặng rất lớn lên các doanh nghiệp khi các trái phiếu đồng loạt đến hạn thanh toán nhưng dự án chưa triển khai được, các nguồn vốn từ bán bất động sản, tín dụng, vốn chứng khoán đều đang ách tắc.

Riêng trong tháng 1/2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị TPDN đến hạn). Tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Theo các chuyên gia, nếu nhà phát hành không đủ khả năng trả nợ sẽ xảy ra hiện tượng vỡ nợ, thậm chí vỡ nợ hàng loạt nếu Chính phủ không có biện pháp mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bức tranh thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 vẫn phủ gam màu tối

Những vướng mắc về pháp lý, khó khăn về dòng vốn, lãi suất ngân hàng tăng cao, trở ngại trong việc huy động tài chính từ chứng khoán, trái phiếu…là hàng loạt những khó khăn của thị trường BĐS trong năm 2023.

Thị trường bất động sản năm 2022 là khoảng thời gian đầy khó khăn bởi nhiều tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, cùng với việc kiểm soát tín dụng, tình trạng lệnh pha cung - cầu, giá nhà liên tục tăng, thanh khoản thị trường thấp, khiến thị trường rơi vào trầm lắng. Hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ “oằn mình” để tái cấu trúc, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng, dừng triển khai dự án mới, phát hành cổ phiếu để tăng vốn...

Để phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2023, giới chuyên gia bất động sản cho rằng cần phải phát triển đa dạng các loại sản phẩm, nhất là nhà ở bình dân, khắc phục lệch pha cung - cầu được xem là yêu cầu cấp thiết.

Trao đổi với Reatimes, ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam nhận định thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 vẫn còn phủ nhiều gam màu tối, vì vậy, để vực dậy thị trường cần thiết có sự chung tay từ nhiều chủ thể tham gia.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Áp lực trên thị trường tiền tệ đã hạ nhiệt

Sức nóng trên thị trường lãi suất các ngân hàng đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Dự báo, đà tăng sẽ chậm lại trong năm 2023, đem lại cơ hội cho doanh nghiệp và các ngành kinh tế.

Những phiên giao dịch gần đây chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ. Cập nhật báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023 và có dấu hiệu ngày càng giảm nhiệt tại một số ngân hàng với mức độ giảm dao động quanh mức 0,5%. Hiện lãi suất huy động các ngân hàng phổ biến ở mức 8 - 9,5% với tiền gửi thông thường.

Chẳng hạn, lãi suất cao nhất của Techcombank giảm từ 9%/năm xuống 8,7%/năm. DongABank giảm từ 10,35% xuống 9,44%/năm…

Đáng chú ý, cũng từ hôm nay (24/2), Saigonbank áp dụng biểu lãi suất mới và giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn khoảng 0,3 - 0,6%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 9,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm xuống 8,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm, kỳ hạn từ 18 tháng còn 8,7%/năm.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, Techcombank và MB đều đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,7%/năm. Sacombank giảm mạnh từ ngày 14/2 xuống còn 8,85%/năm.

Tại nhóm Big 4, lãi suất gửi tại quầy được niêm yết cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho một số kỳ hạn dài. Trong khi đó, khi gửi online, lãi suất có thể lên 8,2%/năm.

Lãi suất cho vay cũng đang giảm mạnh thời gian gần đây. Ngày 23/2, ACB đã công bố triển khai gói cho vay ưu đãi với mức giảm lãi vay tối đa 3%, Agribank cũng giảm 3% lãi suất cho vay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

640 tỷ đồng lập quy hoạch, kiểm định chung cư cũ Hà Nội

Hà Nội dự kiến dành 641,3 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ; kiểm định và lập đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, xây dựng lại…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, xác định loạt mục tiêu phát triển nhà ở, giai đoạn 2021 - 2025 như: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2 sàn.

Thành phố cũng phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở nhà xã hội; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top